BHXH Việt Nam làm việc với Đoàn chuyên gia Quỹ tiền tệ quốc tế

17/06/2024 09:55 PM


Chiều 17/6/2024, tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh đã chủ trì buổi làm việc giữa BHXH Việt Nam và Đoàn Chuyên gia Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Tham dự buổi làm việc, về phía BHXH Việt Nam, có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc: Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Đầu Tư quỹ; Vụ Tài chính-Kế toán; Ban Quản lý Thu-Sổ, thẻ; Ban Thực hiện chính sách BHXH; Viện Khoa học BHXH; Trung tâm CNTT.

Về phía IMF có bà Rita Mesias- chuyên gia kinh tế cao cấp và Ông Weining Xin- chuyên gia kinh tế của IMF.

Phát biểu chào mừng Đoàn Chuyên gia cao cấp của IMF đến thăm và làm việc, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Nam trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của IMF dành cho BHXH Việt Nam thời gian qua. Đồng thời, mong muốn thời gian tới, IMF sẽ tiếp tục hỗ trợ BHXH Việt Nam trong chia sẻ kinh nghiệm, trong nâng cao năng lực mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; thúc đẩy năng lực cải thiện chính sách hưu trí; hỗ trợ mô hình dự báo, cũng như đào tạo trong quản lý và cân đối quỹ…

Chúc mừng và đánh giá cao những thành tựu thực hiện an sinh xã hội của BHXH Việt Nam đã đạt được trong 30 năm qua, ông Weining Xin- Chuyên gia kinh tế của IMF bày tỏ, bên cạnh việc tìm hiểu những kết quả đã đạt được của ngành BHXH Việt Nam, Đoàn Công tác cũng mong muốn nắm bắt được thông tin về tổ chức, thực hiện, giải pháp của Ngành trong thời gian tới trước những thách thức về già hóa dân số, lao động, tăng trưởng kinh tế. Qua đó, góp phần xây dựng được một mô hình dự báo cân đối các quỹ trong trung và dài hạn phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam.

Theo báo cáo, trước năm 2021, IMF chủ yếu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và các chính sách tiền tệ, ngoại hối. Định kỳ 2 lần/năm, IMF cử Đoàn Công tác Điều IV sang Việt Nam làm việc với các Cơ quan Chính phủ, tổ chức tài chính để đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô, tài khóa- tiền tệ ngân hàng trong thời gian trước đó, triển vọng trong thời gian sắp tới, nhằm đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp cho Chính phủ Việt Nam. Vì vậy, giai đoạn này, IMF chưa có nhiều hoạt động chung với BHXH Việt Nam, mà chủ yếu hợp tác trong khuôn khổ Đoàn Công tác Điều IV thông qua việc cung cấp số liệu và giải đáp một số vấn đề có liên quan.

Đến giai đoạn 2021-2023, IMF cử chuyên gia làm việc trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm hỗ trợ kỹ thuật đánh giá hệ thống BHXH Việt Nam và bao phủ hưu trí, đặc biệt là nhóm lao động phi chính thức (nhóm đối tượng khó trong thị trường lao động ở Việt Nam) thông qua việc phân tích chính sách, đánh giá số liệu quỹ BHXH Việt Nam làm tiền đề cho việc khuyến cáo sửa đổi các văn bản có liên quan về phát triển đối tượng hướng tới phát triển quỹ BHXH bền vững.

Bên cạnh đó, thông qua hình thức giảng dạy trực tiếp, IMF hỗ trợ BHXH Việt Nam xây dựng, chuyển giao mô hình dự báo quỹ BHXH, đào tạo sử dụng mô hình và nâng cao năng lực tính toán cân đối quỹ cho nhóm chuyên gia BHXH Việt Nam có đủ năng lực tự xây dựng, điều chỉnh mô hình phục vụ công tác quản lý, dự báo, góp phần nâng cao năng lực tư vấn xây dựng chính sách của ngành BHXH Việt Nam.

Tại buổi làm việc, nhằm tiếp tục tăng cường hợp tác giữa 2 bên, BHXH Việt Nam và Đoàn Chuyên gia đã thảo luận sự phối hợp, hỗ trợ trong một số nội dung như: Duy trì hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực mở rộng đối tượng cho BHXH Việt Nam, đặc biệt là khu vực phi chính thức, hướng đến đảm bảo an sinh xã hội cho mọi NLĐ. Thúc đẩy năng lực cải thiện chính sách hưu trí trong việc điều chỉnh sửa đổi Luật BHXH và các luật có liên quan trong khuôn khổ cải cách chính sách tài khóa của Việt Nam.

Tiếp tục hỗ trợ hoàn chỉnh mô hình dự báo nhằm đảm bảo năng lực dự báo chính xác, bền vững cho ngành BHXH Việt Nam. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho BHXH Việt Nam về quản lý, đầu tư quỹ và tài chính thông qua việc phối hợp tổ chức hoặc cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo nhằm đảm bảo năng lực tính toán cân đối quỹ dài hạn và chủ động, góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng chính sách BHXH...

Tạp chí BHXH