Đề nghị bổ sung quy định liên thông kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở y tế

25/10/2024 10:25 PM


Thảo luận Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, các ĐBQH đề nghị luật hóa một số nhóm đối tượng được NSNN hỗ trợ, cũng như có quy định liên thông các kết quả khám cận lâm sàng giữa các cơ sở y tế đảm bảo quyền lợi người tham gia, tránh việc lạm dụng quỹ BHYT.

Đề nghị luật hóa một số nhóm đối tượng

Thảo luận về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, ĐB Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) khẳng định, Luật BHYT đến nay đã trải qua 15 năm thi hành và thực sự đi vào cuộc sống với 93,628 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 93,35% dân số, tăng 0,15% so với chỉ tiêu của Nghị quyết số 68/2022 của Quốc hội. Điều này đã khẳng định tính đúng đắn, phù hợp của một trong số những chính sách an sinh xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, báo cáo tổng kết thi hành Luật cũng đã chỉ rõ những tồn tại, vướng mắc bất cập của Luật, đặc biệt là về đối tượng tham gia BHYT, phạm vi được hưởng của người tham gia, vấn đề đăng ký KCB ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến cũng như cơ chế giải quyế tranh chấp, vướng mắc về BHYT. Do đó, ĐB nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật, đặc biệt trong bối cảnh cần phải kịp thời, đồng bộ với các Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật BHXH năm 2024.

ĐB Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình)

Tuy nhiên, Điều 12 Dự thảo Luật, ĐB Đặng Bích Ngọc cho biết, ĐB đồng tình với việc Dự thảo Luật đã bổ sung đối tượng “Người DTTS đang sinh sống tại các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội ĐBKK mà các xã này được xác định không không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, ĐBKK thì được NSNN hỗ trợ mức đóng BHYT. Mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ đóng BHYT theo quy định của Chính phủ”.

Khi thực hiện Quyết định 861 về phê duyệt các xã khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025 có khoảng 5,3 triệu người không được NSNN đóng BHYT, trong đó khoảng 3,6 triệu người DTTS không có BHYT. Kể từ tháng 12/2023, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2023, có 1,5 triệu người được cấp thẻ BHYT do NSNN hỗ trợ 70% mức đóng. Tuy nhiên, theo Nghị định 75, đối tượng trên cũng chỉ được hỗ trợ trong thời gian 36 tháng từ 01/11/2023, tức là đến tháng 11/2026 sẽ không còn được hỗ trợ nữa. Và tới đây dự kiến có khoảng 600.000 người DTTS thoát khỏi vùng II, III trong giai đoạn tiếp theo. Như vậy có khoảng 2,1 triệu người DTTS thoát khỏi cùng II, III và đây là nhóm người cần phải được quy định vào trong Luật để có chính sách hỗ trợ về BHYT. “Vì vậy, tôi hết sức đồng tình với nội dung này của dự thảo Luật. Song đề nghị Chính phủ nghiên cứu mức đóng phù hợp với đối tượng trên, đảm bảo không làm giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ BHYT so với quy định hiện hành”- ĐB Ngọc đề nghị.

Cùng với đó, ĐB Bích Ngọc cũng đề nghị bổ sung vào quy định được NSNN đóng BHYT là người dân sinh sống tại các xã an toàn khu cách mạng và các xã trọng điểm về quốc phòng CT229. Hiện nay, mặc dù Nghị định 75 về hỗ trợ BHYT đối với người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng. Tôi cũng đã xem báo cáo tiếp thu giải trình của Bộ Y tế, cho rằng cần có thêm thời gian thực hiện ổn định mới đánh giá rà soát để luật hóa quy định. Tuy nhiên, chúng tôi nhận được ý kiến của cử tri mong mỏi trong lần sửa đổi này sẽ luật hóa quy định NSNN đóng BHYT đối với người dân sinh sống tại hai khu vực trên, nhất là đối với người dân sinh sống trên các địa bàn trọng điểm quốc phòng.

“Do đặc điểm là căn cứ chiến lược đặc biệt quan trọng phục vụ an ninh, quốc phòng của đất nước nên hạn chế việc mở rộng, kêu gọi nhà đầu tư sản xuất kinh doanh, đa phần người dân có thu nhập rất thấp, chủ yếu tự cung tự cấp. Với nhiệm vụ cũng như trách nhiệm người dân nơi đây phải thực hiện đối với đất nước, tôi đề nghị quy định bổ sung người dân sinh sống tại các xã an toàn khu cách mạng và các xã trọng điểm về quốc phòng vào nhóm đối tượng được NSNN đóng BHYT ngay trong dự thảo Luật sửa đổi này”- ĐB Ngọc đề nghị.

Về mức hưởng BHYT (Điều 22 dự thảo luật), ĐB Ngọc khẳng định, Dự thảo Luật đã mở rộng khá nhiều quyền lợi của người tham gia BHYT và rất nhiều nội dung đề xuất được BHYT thanh toán 100% chi phí KCB (cả nội trú và ngoại trú), nhất là trường hợp người bệnh được tự đến cơ sở KCB có chuyên môn kỹ thuật cơ bản hoặc chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao. Nhìn chung, đây cũng là mong muốn của người bệnh khi được điều trị ở những cơ sở y tế có chuyên môn cao.

“Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo đánh giá thật kỹ lưỡng đến khả năng cân đối quỹ BHYT. Theo báo cáo tình hình quản lý quỹ BHYT năm 2023, tổng thu trong năm đạt 128.604 tỷ, tổng chi 140.191 tỷ, mặc dù lũy kế cuối năm vẫn dương (+48.366 tỷ), nhưng chúng ta cũng cần đánh giá hết sức cụ thể về khả năng đáp ứng và cân đối của quỹ khi bổ sung khá nhiều mức hưởng BHYT như Dự thảo Luật”- ĐB Ngọc nhấn mạnh.

Tăng cường liên thông giữa các cơ sở y tế

Đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho biết, trong 4 nhóm chính sách, ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục xem xét đảm bảo tính thống nhất, nhất là quy định những nội dung nằm ngoài nội hàm các chính sách đã được thông qua. Cần tập trung những nội dung mang tính cấp bách, cần giải quyết ngay để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, mang tính khả thi cao, có đủ căn cứ, cơ sở cả lý luận và thực tiễn. Đồng thời, ĐB Nguyễn Ngọc Sơn cũng đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định liên thông kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở KCB trong Luật BHYT lần này. Bởi đây là nội dung được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm kiến nghị, phản ánh. Đồng thời, việc này nếu thực hiện được sẽ có nhiều lợi ích.

ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương)

Theo phân tích của ĐB Sơn, việc liên thông kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở KCB sẽ giúp giảm chi phí cho quỹ BHYT (nếu các cơ sở y tế có thể sử dụng kết quả cận lâm sàng từ các đơn vị khác, quỹ BHYT sẽ tránh được việc chi trả cho các xét nghiệm lặp lại không cần thiết. Điều này sử dụng hiệu quả nguồn quỹ và giảm áp lực tài chính cho hệ thống BHXH); tăng tính thuận lợi cho người bệnh (người bệnh có thể tránh phải làm xét nghiệm nhiều lần nếu kết quả của họ được chấp nhận tại các cơ sở y tế khác, đặc biệt hữu ích trong các trường hợp bệnh nhân cần chuyển tuyến, vừa tiết kiệm thời gian, vừa giảm bớt gánh nặng tài chính); thúc đẩy chuẩn hóa và nâng cao chất lượng y tế (khi liên thông kết quả được luật hóa trong Luật BHYT, các cơ sở y tế sẽ phải nâng cao chất lượng xét nghiệm, tiêu chuẩn hóa quy trình nhằm đạt điều kiện công nhận từ các cơ sở khác, thúc đẩy tính đồng bộ và đảm bảo chất lượng trong toàn bộ hệ thống y tế); khuyến khích chia sẻ dữ liệu trong hệ thống y tế (khi việc liên kết kết quả cận lâm sàng là yêu cầu bắt buộc, các cơ sở y tế có thể phải triển khai các hệ thống quản lý dữ liệu đồng bộ, góp phần tăng cường chuyển đổi số trong y tế, cải thiện khả năng tiếp cận và quản lý thông tin của người dân, cán bộ y tế). "Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, cần xây dựng các quy định rõ ràng về tiêu chuẩn chất lượng và hệ thống đánh giá, cũng như quy trình phối hợp giữa các cơ sở y tế và cơ quan quản lý quỹ BHYT"- ĐB Sơn khẳng định.

ĐB Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) 

Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) cho biết, để thực hiện có hiệu quả trong việc liên thông kết quả xét nghiệm cận lâm sàng,… giữa các cơ sở KCB, đồng thời, hạn chế việc giữ bệnh nhân vào các ngày thứ 7, Chủ Nhật không cho xuất viện mà để đến thứ 2 mới làm thủ tục xuất viện và tăng cường hiệu quả, chất lượng KCB, quản lý sức khỏe nhân dân tại cấp ban đầu. Do đó, ban soạn thảo nghiên cứu, có quy định giải pháp để tránh lãng phí và bảo vệ được quyền lợi của người dân tham gia BHYT. Bên cạnh đó, thời gian qua danh mục thuốc BHYT do Bộ Y tế ban hành chưa phù hợp với thực tiễn, do đó để bảo đảm sự công bằng giữa người đi KCB dịch vụ và người đi KCB BHYT, Bộ Y tế xem xét, nghiên cứu đánh giá quy định hiện hành về danh mục thuốc BHYT, trường hợp có vướng mắc thì tháo gỡ đáp ứng được quyền lợi của người có BHYT.

Tạp chí BHXH