Ngành BHXH Việt Nam tích cực chuyển đổi số góp phần phục vụ Nhân dân

23/12/2024 10:50 PM


Thời gian qua, trên nền tảng, hạ tầng CNTT, BHXH Việt Nam đã tích cực triển khai phát triển hệ thống CNTT và trở thành một trong những Bộ, ngành đi đầu về xây dựng Chính phủ số.

Hiện nay, BHXH Việt Nam đang duy trì hoạt động Trung tâm Dữ liệu tập trung; hệ thống kênh truyền WAN từ Trung ương đến BHXH cấp tỉnh, cấp huyện. Toàn bộ hệ thống phần mềm ứng dụng, dữ liệu đều được quản lý, vận hành tập trung tại Trung tâm dữ liệu của Ngành.

Triển khai 29 hệ thống ứng dụng phục vụ nghiệp vụ, đảm bảo 100% nghiệp vụ của Ngành thực hiện trên phần mềm ứng dụng; 100% CCVC, NLĐ của Ngành được định danh và cấp chữ ký số phục vụ quản lý và giải quyết các hoạt động nghiệp vụ; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của BHXH Việt Nam được thực hiện trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành; 100% hồ sơ được tạo lập, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.

Kết nối với hơn 13 nghìn cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT; hơn 621 nghìn DN giao dịch điện tử với cơ quan BHXH thông qua cổng thông tin điện tử.

BHXH Việt Nam đang tiếp tục duy trì hoạt động của ứng dụng VssID - BHXH số nhằm cung cấp các dịch vụ công, công khai, minh bạch các thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT; triển khai sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để KCB BHYT và các thông tin, tiện ích khác. Đến nay, toàn quốc có hơn 37 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân (dùng để đăng nhập, sử dụng ứng dụng VssID) được phê duyệt, trong đó có hơn 23,5 triệu tài khoản đã đăng nhập, sử dụng ứng dụng.

BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp với Bộ Công an triển khai sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập, sử dụng ứng dụng VssID, Cổng DVC BHXH Việt Nam. Đến nay đã có hơn 19,1 triệu lượt sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập ứng dụng VssID, Cổng DVC BHXH Việt Nam.

Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, khuyến khích người dân sử dụng chữ ký số để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ tiên phong trong việc triển khai tích hợp giải pháp ký số từ xa (Remote Signing) vào Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT và Cổng DVC BHXH Việt Nam. Với Remote Signing, người sử dụng có thể sử dụng smartphone, máy tính bảng để thực hiện ký số, cho phép ký số mọi lúc, mọi nơi.

BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về Bảo hiểm với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác để làm giàu các CSDL, phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Đến nay, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn 99,6 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý với CSDL quốc gia về dân cư, trong đó có hơn 89,6 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, chiếm 98,9% tổng số người tham gia.

BHXH Việt Nam đã phối hợp với đầu mối của Văn phòng Chính phủ đồng bộ đầy đủ thông tin đáp ứng yêu cầu đánh giá được chất lượng phục vụ người dân, DN. Theo thống kê trên Cổng DVC quốc gia, BHXH Việt Nam đang xếp vị trí thứ 2 trong số các Bộ, Ngành với 80,15 điểm.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam triển khai thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố. Thực hiện việc tiếp nhận, liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh từ Bộ Tư pháp để thực hiện cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi tại 63 BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai tích hợp dịch vụ tiếp nhận dữ liệu khai tử từ CSDL hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) và liên thông khai sinh, cấp thẻ BHYT.

Thực hiện cung cấp dịch vụ công trên môi trường số, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 838/QĐ-BHXH ngày 5/6/2024 công bố Danh mục DVC trực tuyến toàn trình thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam. Theo đó, BHXH Việt Nam có 70 DVC trực tuyến toàn trình. Các DVC trực tuyến toàn trình của BHXH Việt Nam được cung cấp trên nhiều nền tảng, hình thức, như: Cổng DVC BHXH Việt Nam, Cổng DVC Quốc gia, Ứng dụng VssID, tổ chức IVAN, VNPOST... Hiện nay, BHXH Việt Nam đã tích hợp 66 DVC trực tuyến toàn trình trên Cổng DVC quốc gia, chiếm 94,3% tổng số DVC trực tuyến toàn trình của BHXH Việt Nam, vượt 14,3% so với chỉ tiểu được giao tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

BHXH Việt Nam đã hoàn thành triển khai kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng DVC BHXH Việt Nam với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng DVC quốc gia phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp DVC.

Trong năm 2024, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý hơn 13 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (tương đương 85,4 triệu hồ sơ gắn với từng người lao động), chiếm 76,5% tổng số hồ sơ.

BHXH Việt Nam cũng đã tích hợp, cung cấp các DVC trực tuyến theo nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 và Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện triển khai khám bệnh, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip: Đến nay, 100% cơ sở KCB BHYT đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD), với hơn 146,2 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT.

Với việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD, người bệnh BHYT chỉ cần sử dụng CCCD để làm thủ tục KCB, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT.

Cùng với đó, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: “Đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng”; Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025: “60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.”

Để thực hiện chỉ tiêu giao, hằng năm, BHXH Việt Nam đã giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp (TCTN) qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khu vực đô thị cho BHXH các tỉnh, thành phố. Trong đó có đưa ra các giải pháp để BHXH các tỉnh thực hiện phát triển số người nhận các chế độ BHXH, TCTN qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Tính riêng tại khu vực đô thị, ước đến hết năm 2024 có khoảng 80% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, TCTN qua tài khoản cá nhân (vượt 20% so với chỉ tiêu so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg).

Ngày 22/3/2024, BHXH Việt Nam và Bộ Công an đã thống nhất ban hành quy trình phối hợp triển khai thực hiện phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư (Văn bản số 2286/C06-TCKT) nhằm vận động, tuyên truyền người dân nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, kết hợp xác minh, làm sạch dữ liệu người hưởng. BHXH Việt Nam đã có công văn 885/BHXH-TCKT ngày 02/04/2024 hướng dẫn BHXH các tỉnh thành phố phối hợp với Công an tỉnh, huyện và các đơn vị có liên quan thực hiện quy trình phối hợp này, đồng thời chuyển dữ liệu để Tổ Công tác Chính phủ chỉ đạo các Tổ công tác địa phương triển khai.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc giảm bớt khâu trung gian, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính tại Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp; đồng thời nhằm đáp ứng việc chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý người hưởng theo xu hướng chuyển đổi số tại Đề án 06. Đồng thời xác định công tác phục vụ người hưởng luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, toàn ngành BHXH Việt Nam đã chủ động tập trung tất cả các nguồn lực, không ngừng cải cách thủ tục hành chính và giảm khâu trung gian, xây dựng lộ trình mở rộng triển khai việc cơ quan BHXH chuyển tiền chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân cho người hưởng phù hợp với hạ tầng CNTT và khả năng phối hợp, đáp ứng của các ngân hàng nhằm mục tiêu chi trả sớm nhất, kịp thời nhất cho người hưởng. Theo đó, lộ trình được thực hiện từ tháng 06/2024 (tại 05 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nam Định, Điện Biên, Sóc Trăng) và đến tháng 11/2024 đã triển khai mở rộng tại 63/63 tỉnh, thành phố thực hiện việc cơ quan BHXH trực tiếp thực hiện chuyển tiền chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân cho gần 3,4 triệu người hưởng trên toàn quốc, tối ưu hóa quy trình chi trả chế độ BHXH để đảm bảo chính xác và nhanh chóng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người hưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong các trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh…

Việc thực hiện chi chế độ BHXH hằng tháng qua tài khoản cá nhân trên toàn quốc có sự phát triển vượt bậc, từ 40% (tháng 3/2024- thời điểm triển khai Quy chế phối hợp giữa BHXH Việt Nam và Bộ Công an) lên 75% (tính đến ngày 27/11/2024)...

Tạp chí BHXH