Người nông dân với chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện

10/12/2018 07:53 AM



Cán bộ BHXH tư vấn chính sách BHXH tự nguyên cho người dân

Chị Nguyễn Thị Nga, phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột tâm sự,  trước đây chồng chị làm công nhân cho Công ty Môi trường đô thị Đắk Lắk. anh  được nơi làm việc đóng BHXH đầy đủ. Nhưng cách đây 8 năm, do điều kiện sức khỏe anh phải nghỉ việc. Được nhân viên đại lý BHXH tư vấn, chị chuyển sang đóng BHXH tự nguyện cho chồng chị cho đủ 20 năm, ngày 01/12 vừa qua anh chính thức được nhận sổ hưu với tiền lương hàng tháng là 3.500.000 đồng và một tấm thẻ BHYT của cán bộ hưu trí, chị Nga rất vui mừng và yên tâm, mặc dù chồng chị hiện nay không còn lao động được, sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ vào vợ, con, tuy vậy chị đã phần nào yên tâm vì chồng chị đã có lương hưu hàng tháng, hơn thế nữa anh đã có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh được BHXH chi trả 95% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng. Ngoài tham gia cho chồng, chị Nga còn quyết định đóng BHXH tự nguyện cho mình vì hiện nay chị đang bán hàng ăn sáng trên vỉa hè, thu nhập một ngày cũng được vài trăm ngàn, chị quyết định tiết kiệm một ngày 10.000đ để tham gia BHXH tự nguyện cho mình. Chị tâm sự “Tôi nghĩ trong cuộc sống mỗi người cần chuẩn bị cho mình một nguồn thu nhập cần thiết đủ để trang trải cuộc sống. Tôi năm nay đã 55 tuổi rồi, tôi chỉ cần đóng 10 năm đến năm 65 tuổi tôi đóng 1 lần cho những năm còn thiếu sẽ được hưởng lương hưu, chị rất yên tâm trong tương lai khi đóng đủ số năm BHXH tự nguyện theo quy định, vợ chồng chị sẽ có lương hưu như cán bộ nhà nước, góp phần đảm bảo cuộc sống khi không còn sức lao động nữa”- chị Nga chia sẻ thêm “nhờ có chính sách BHXH tự nguyện, mà người buôn bán vỉa hè như chị cũng được cầm “cái sổ hưu” như người trong biên chế nhà nước”.

Cũng theo Nghị định số 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ, từ năm 2016, nếu người tham gia thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Việc đóng sẽ được thực hiện một lần cho những năm còn thiếu đối với điều kiện người tham gia BHXH đã đủ tiêu chuẩn về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định. Nếu như trước đây, người có 10 năm công tác thì phải giải quyết chế độ một lần, hoặc đóng tiếp BHXH hàng tháng, hàng năm để nghỉ hưu, còn hướng mới là đóng một lần có thể nghỉ hưu nên được người lao động rất ủng hộ. Nghị định số 134/2015/NĐ-CP cũng quy định, lao động tự do từ 15 tuổi trở lên được tham gia BHXH tự nguyện, với phương thức tham gia rất đơn giản theo cách đóng: hàng tháng, hàng quý, hàng năm hoặc 5 năm một lần. Mức đóng hàng tháng bằng 22% thu nhập do người tham gia tự chọn lựa, tương đương với chuẩn hộ nghèo của nông thôn; mức đóng cao nhất tự chọn lựa bằng 20 lần mức lương cơ bản tại thời điểm bắt đầu tham gia. Theo đó, ngay sau khi đóng đủ thời gian 20 năm, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu ngay từ tháng liền kề. Nếu người đó muốn dừng tham gia BHXH tự nguyện để chuyển sang BHXH bắt buộc, hưởng BHXH một lần hoặc gặp bất trắc qua đời thì sẽ được BHXH trả lại một phần số tiền đã đóng trước đó, tùy theo thời gian tham gia và mức đóng. Với chính sách BHXH tự nguyện theo quy định của Luật BHXH mới hiện nay đã mở ra cho người lao động tự do cơ hội tham gia và thụ hưởng chính sách an sinh xã hội một cách dễ dàng, góp phần làm tăng độ bao phủ BHXH trên địa bàn cả nước.

Lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện thì đã rõ, tuy nhiên thực tế số người lao động phi chính thức, người dân khu vực nông thôn tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp. Sau gần 10 năm thực hiện Luật BHXH, tính đến hết tháng 11/2018, toàn tỉnh mới chỉ có gần 3.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó chủ yếu là những người đã từng tham gia đóng BHXH ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, sau đó nghỉ việc và về đóng tiếp, còn đối tượng phát triển mới rất ít, trong khi theo khảo sát sơ bộ thì hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 nghìn người là lao động tự do, lao động khu vực nông thôn cần tham gia BHXH tự nguyện. Thực trạng này sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của những người dân và tạo ra gánh nặng lớn cho ngân sách khi thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong tương lai, bởi hàng trăm nghìn người này khi hết tuổi lao động không có lương hưu để ổn định cuộc sống. Nguyên nhân cơ bản nhất là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện hầu hết là người lao động tự do, người làm nông nghiệp nên có thu nhập thấp, không ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, theo quy định của Luật BHXH ngày 01/01/2016, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất khi tham gia bằng 22% mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (700.000 x 22% = 154.000 đồng/tháng và từ ngày 01/01/2018 được nhà nước hỗ trợ 30% đối vời hộ nghèo, 25% đối với hộ cận nghèo, 10% đối với hộ còn laị trên mức 154.000 đ/tháng, không quá 10 năm). Hiện nay một số người dân vẫn so với BHXH bắt buộc vì BHXH bắt buộc được chi trả với 5 chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất; nhưng BHXH tự nguyện thì chỉ chi trả 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Chính điều này đã tạo nên rào cản khiến người lao động chưa mặn mà với BHXH tự nguyện, dẫn đến tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh còn thấp. Cùng với đó, còn một bất cập là hiện có nhiều lao động tự do đã lớn tuổi lo ngại không biết liệu mình có sống được đến 20 năm để hưởng BHXH mà tham gia hay không. Vì theo quy định thời gian đóng BHXH kéo dài, người lao động đủ 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ phải đủ 20 năm đóng BHXH…

Tuy nhiên, để thu hút thêm nhiều người dân làm nông nghiệp và lực lượng lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, thời gian tới, ngoài việc cải cách chính sách BHXH, BHXH tỉnh tiếp tục chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về tính ưu việt của BHXH tự nguyện, trong đó có những giải pháp phù hợp với đối tượng là lao động tự do và người dân khu vực nông thôn. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, đặc biệt các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên minh Hợp tác xã…. đối thoại, tư vấn trực tiếp với người dân. Mặt khác, BHXH các cấp cũng tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng của đội ngũ đại lý thu BHXH ở các xã, phường, thị trấn, Hội Nông dân, ngành bưu điện...; trọng tâm là kỹ năng tiếp xúc, tuyên truyền, giới thiệu chính sách BHXH, thuyết phục người dân tham gia BHXH tự nguyện.…, phấn đấu đến năm 2021, có khoảng 1% lực lượng lao động nông thôn và lao động phi chính thức tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28/NQ- TW của Bộ Chính trị./.

Bài: Nguyễn Thị Xuân - PGĐ BHXH tỉnh
Ảnh: Phạm Loan - Văn phòng