Kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/07: Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm thực hiện thắng lợi mục tiêu BHYT toàn dân

30/06/2011 12:49 AM


Với đặc thù hoạt động liên quan đến mọi người, mọi nhà, chịu tác động trực tiếp của công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, chủ đề đặt ra có ý nghĩa với mọi đối tượng thực hiện Luật BHYT.

Dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, chính sách BHYT được thực hiện ở nước ta đến nay đã gần 20 năm và con đường tiến đến BHYT toàn dân đã được lựa chọn; Quốc hội đã thông qua và Nhà nước ban hành Luật BHYT, hiệu lực thi hành từ năm 2009. Theo đó, phạm vi bao phủ BHYT ngày càng tăng, hiện nay đã lên trên 60% dân số, phạm vi ảnh hưởng rộng khắp và tác động trực tiếp tới mọi gia đình. Mục tiêu BHYT bắt buộc toàn dân đã được Luật BHYT xác định lộ trình thực hiện, hoàn thành vào năm 2014.
Với bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, ý chí của Đảng, pháp luật của Nhà nước xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích của nhân dân. Thực tiễn cho thấy đại đa số người tham gia BHYT có nhận thức đúng về chính sách, pháp luật BHYT là một trong các hoạt động nhân đạo nhất, thể hiện sự hỗ trợ tương thân tương ái trong chăm sóc sức khỏe giữa người giàu với người nghèo, giữa người thuận lợi về sức khoẻ với người ốm đau và rủi ro về sức khỏe, giữa người đang độ tuổi lao động với người già và trẻ em. BHYT mang tính dự phòng những rủi ro do chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe gây nên khi ốm đau, bệnh tật, do đó, đông đảo cán bộ, nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia; nhiều đối tượng tự nguyện tham gia ngay từ khi còn khỏe mạnh; luôn chấp hành tốt quy định của pháp luật BHYT, chỉ khi thực sự ốm đau mới sử dụng đến tấm thẻ BHYT và sẵn sàng cùng chi trả một phần viện phí theo quy định. Nhiều cơ sở y tế đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao y đức và chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu vì sự hài lòng của người bệnh, không lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy trong khi cơ quan BHXH ra sức tuyên truyền vận động, mở rộng đối tượng, phát triển quỹ và tìm mọi biện pháp bảo vệ để cân đối quỹ, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh BHYT, thì một bộ phận không nhỏ đối tượng chưa thấy trách nhiệm trong xây dựng Quỹ BHYT của cộng đồng, còn xem BHYT như “chùm khế ngọt”, tìm cách lợi dụng, trục lợi cho bản thân; khi khỏe mạnh trốn tránh tham gia; đòi hỏi nhiều về quyền lợi, chưa thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ theo luật định. Đáng phê phán trong đó có cả một số ít cán bộ, nhân viên y tế ở cơ sở khám, chữa bệnh cố tình sai phạm, lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT đã bị dư luận lên tiếng và pháp luật nghiêm trị.
Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/09/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới” chỉ rõ: “BHYT  là một chính sách xã hội do Nhà nước tổ chức, nhằm huy động sự đóng góp tài chính của cộng đồng để tạo Quỹ BHYT không vì mục đích lợi nhuận, giúp cho người tham gia BHYT có nguồn tài chính để chăm sóc sức khỏe, bảo vệ quyền lợi của mình theo luật định”. Chỉ thị cũng nêu rõ hình thức mang tính ưu việt nhất mà nước ta phải hướng tới trong chính sách BHYT là BHYT bắt buộc toàn dân với nguyên tắc mọi người dân đóng góp BHYT theo thu nhập cá nhân, người nghèo và người trong diện chính sách xã hội được Nhà nước hỗ trợ, nhưng khi khám bệnh, chữa bệnh hưởng theo quyền lợi đã được quy định dựa trên nhu cầu bệnh tật. Việc tham gia BHYT là nghĩa vụ của mọi người dân, kể cả những người đang khoẻ mạnh. Trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHYT là của các cấp uỷ đảng và các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi thư cho cán bộ, nhân viên ngành Y tế và toàn thể nhân dân tham gia BHYT nhân Ngày BHYT Việt Nam 01/07/2009, đã nhắc nhở: “Tham gia thực hiện Luật BHYT không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ, chia sẻ gánh nặng tài chính với những người không may ốm đau, bệnh tật của tất cả mọi công dân. Cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế, nhất là các đơn vị quản lý BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện nghiêm các quy chế chuyên môn và quy định của Luật BHYT, nâng cao y đức và chất lượng phục vụ người bệnh...”.
Tham gia BHYT vì lợi ích của bản thân, gia đình và cộng đồng, luôn gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ xây dựng, bảo vệ, phát triển Quỹ BHYT. Để được hưởng quyền lợi, phải có trách nhiệm và nghĩa vụ chấp hành các quy định của pháp luật; đồng thời phải có ý thức xây dựng và tinh thần đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật BHYT.
Trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, khi tư tưởng thông suốt, nhận thức đúng đắn sẽ đi đến hành động tự giác, tích cực. Triết học Mác – Lênin đã chỉ rõ, nhận thức là một quá trình biện chứng diễn ra rất phức tạp. Từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính hay nói cách khác từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng là cả một quá trình, biết tổ chức, có phương pháp đúng đắn chắc chắn sẽ đạt hiệu quả. Để thực hiện thành công mục tiêu BHYT toàn dân, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp đồng bộ, làm tốt công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức phải được coi là khâu đột phá mang tính chiến lược.
Bằng nhiều con đường, nhiều kênh truyền thông khác nhau, các cấp, các ngành và toàn xã hội cùng chung tay, góp sức quyết tâm xây dựng, ủng hộ cái đúng, cái tốt; bài trừ, loại bỏ cái xấu, cái tiêu cực, nâng cao nhận thức về lợi ích, bản chất, ý nghĩa của BHYT, thấy rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện BHYT, chắc chắn sự nghiệp BHYT toàn dân sẽ trở thành hiện thực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội đất nước.
Tạp chí Bảo hiểm xã hội