Cần hiểu đúng về cách tính lương hưu

20/07/2011 03:22 AM


 

Để đảm bảo cuộc sống cho những người thụ hưởng các chế độ, chính sách, đảng và Nhà nước ta luôn thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Từ năm 1993 đến năm 2011,  Chính phủ đã thực hiện 20 lần điều chỉnh lương hưu và trợ cấp; mỗi lần điều chỉnh, lương hưu, trợ cấp tăng từ 10% đến 40% tùy theo từng thời điểm; từ mức lương hưu được tính hàng trăm đồng, đến nay mức lương hưu bình quân là trên 2 triệu đồng, người có mức lương hưu thấp nhất cũng bằng 830.000 đồng/tháng.

Việc tính toán, điều chỉnh lương hưu từ mức hàng chục đồng, hàng trăm đồng để thành mức lương hàng triệu đồng như hiện nay là một quá trình phức tạp, tỉ mỷ và đòi hỏi tính chính xác cao, từ năm 2002 ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đã ứng dụng phần mềm quản lý chuyên dụng để thực hiện tính tóan, do vậy mức lương hưu hiện hưởng của các đối tượng được đảm bảo chính xác theo những thông số ban đầu từ hồ sơ gốc.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp người hưởng lương hưu chưa hiểu rõ các quy định của Chính phủ về lương hưu và trợ cấp nên nghi ngờ tính chính xác trong việc tính tóan, điều chỉnh lương hưu của các cơ quan chức năng, thậm chí một số người đã có đơn gửi các cơ quan thẩm quyền khiếu nại, tố cáo về việc tính tóan lương hưu, trong đó điển hình là trường hợp của ông Hòang Nông Tương, cán bộ hưu trí ở thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar.

Trong đơn khiếu nại, ông Tương cho rằng cơ quan BHXH mỗi lần điều chỉnh lương hưu đã tính thiếu của ông 100%, không cộng lương tối thiểu vào lương hưu, làm thiệt hại lương hưu của ông tính đến nay là 160.701.756 đồng. Đây là một sự hiểu nhầm trong cách tính lương hưu, ví dụ Nghị định số 27/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định: “Mức lương hưu của công nhân, viên chức được điều chỉnh bằng 120% mức hiện hưởng”(tức là tăng 20%), ông Tương hiểu nhầm là Chính phủ quy định tăng 120% lương hưu nên cho rằng cơ quan BHXH đã tính thiếu của ông 100%, tương tự các lần điều chỉnh lương hưu tiếp theo BHXH tỉnh Đắk Lắk đều tính thiếu của ông 100%, theo cách hiểu đó thì mỗi lần điều chỉnh lương hưu được tăng từ 2,1 đến 2,4 lần mức hiện hưởng, tức là lương hưu được tăng theo cấp số nhân chứ không phải tăng 10% đến 40% như đã nói ở trên.

Mặt khác, ông Tương hiểu lẫn lộn giữa lương hưu và lương tối thiểu. Ông Tương cho rằng mỗi lần Chính phủ quy định lương tối thiểu thì phải cộng lương tối thiểu đó vào lương hưu. Thực tế quy định về điều chỉnh lương tối thiểu và điều chỉnh lương hưu thực hiện song song, áp dụng cho 2 nhóm đối tượng khác nhau: Điều chỉnh lương tối thiểu áp dụng cho cán bộ, công nhân, viên chức đang làm việc; điều chỉnh lương hưu và trợ cấp áp dụng cho những người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH.

Ngoài ra, các đối tượng đang hưởng lương hưu hiểu nhầm về cách tính lương hưu thể hiện trên các khía cạnh như: Khi tính thâm niên đặc biệt vào lương hưu lại không tính thâm niên vượt khung; mức lương hàng trăm đồng hiểu nhầm hàng trăm nghìn đồng; tỷ lệ % được hưởng qua từng thời kỳ; thời gian công tác quy đổi; cách tính lương bình quân…Tuy nhiên, việc nhập số liệu tính toán lương hưu theo hồ sơ cũng không tránh khỏi những sơ suất, dẫn đến tính sai lương hưu, trợ cấp, các đối tượng đang hưởng lương hưu và trợ cấp có thể tự kiểm tra bằng cách đối chiếu các số liệu trong hồ sơ với phiếu điều chỉnh các thông số như: Thời điểm nghỉ hưu; ngày tháng năm sinh; thời gian công tác; mức lương khi về hưu (đối với người nghỉ hưu trước năm 1995) hoặc mức lương của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu… nếu có sự chênh lệch thì phản ánh ngay để cơ quan BHXH kịp thời điều chỉnh nhằm đảm bảo tính chính xác tuyệt đối trong tính toán, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp, đảm bảo quyền lợi cho những người đang thụ hưởng các chế độ BHXH.

Trương Văn Bá

Phòng Kiểm tra - BHXH tỉnh Đăklăk