Quy định khác nhau giữa các luật về điều kiện hưởng lương hưu, dẫn đến khó khăn trong công tác tiếp công dân

05/08/2011 08:35 AM


 

Ảnh minh họa

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản cho người làm công tác BHXH, việc quy định còn khác nhau giữa Luật BHXH với Bộ luật Lao động về điều kiện hưởng lương hưu, đã gây khó khăn cho người tiếp công dân khi giải thích các thắc mắc xung quanh vấn đề này.

Ngoài những quy định cụ thể về tuổi đời, Điều 50 và 51 Luật BHXH thống nhất quy định điều kiện về thời gian đóng BHXH là đủ 20 năm, không có trường hợp khác.

Trong khi đó, Bộ luật Lao động đã được bổ sung sửa đổi năm 2007, ngoài quy định điều kiện về thời gian đóng BHXH cơ bản là đủ 20 năm còn quy định điều kiện được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng với mức thấp hơn.

Điểm a khoản 2 Điều 145 Bộ luật Lao động quy định như sau:

“Người lao động đủ điều kiện về tuổi đời quy định tại điểm a khoản 1 Điều này mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH nhưng ít nhất đã có đủ 15 năm đóng BHXH”.

Những lao động đủ điều kiện về tuổi đời nhưng thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đã viện dẫn quy định trên của Bộ luật Lao động để yêu cầu được giải quyết chế độ hưu trí hàng tháng. Khi gặp những thắc mắc này, người tiếp công dân chỉ biết viện dẫn quy định của luật chuyên ngành (Luật BHXH) để trả lời; đối với quy định trên của Bộ luật Lao động đành phải hẹn công dân chờ hỏi ý kiến cấp trên.

Hiện nay, quy định về điều kiện hưởng lương hưu của hai luật vẫn còn giá trị pháp lý, về nguyên tắc đều được áp dụng trong đời sống xã hội. Việc giải thích thế nào cho người lao động hiểu thông suốt vẫn chưa được cấp có thẩm quyền hướng dẫn. Đây là một trong những khó khăn của người làm công tác tiếp công dân. Mong rằng cấp có thẩm quyền sớm có hướng dẫn cụ thể./.

Ngô Văn Khiêm

Bảo hiểm xã hội Đắk Lắk