Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hướng tới mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân vào năm 2014

13/09/2011 12:42 AM


Năm 2008 trên phạm vi cả nước mới có trên 23 triệu người ( 28,2 % dân số) tham gia BHYT, đến năm 2010 số lượng tham gia BHYT đã là gần 51 triệu người(chiếm tỷ lệ trên 60% dân số). Nhìn chung số người tham gia BHYT ở các loại hình đều tăng đáng kể, trong đó loại hình BHYT băt buộc có số tăng lớn và ổn định nhất, loại hình BHYT người nghèo, BHYT tự nguyện tuy số lượng có tăng nhưng không ổn định.
Băng rôn tuyên truyền về BHXH, BHYT ...
Theo kết quả nghiên cứu mới đây của thạc sỹ Nghiêm Trần Dũng phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết do một số bất cập trong việc qui định điều kiện tham gia BHYT có liên quan đến hộ gia đình (chẳng hạn phải có 100% thành viên có tên trong sổ hộ khẩu và cư trú trên cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc TW đăng ký tham gia…cũng như qui định phải có ít nhất 10% số hộ gia định trong phạm vi địa bàn xã đăng ký tham gia… thì cá nhân mới được tham gia BHYT ) đã được xem xét, điều chỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT tự nguyện, nên từ năm 2009 đến nay số người tham gia BHYT đã không ngừng được tăng cao, phạm vi bao phủ được mở rộng. Nếu năm 2008 số người tham gia BHYT mới là 39, 74 triệu người ( chiếm 46,1 % dân số) thì đến năm 2009 số lượng người tham gia BHYT đã là trên 50 triệu người, chiếm 58,2 % dân số có thẻ BHYT, đến hết năm 2010 cả nước cũng chỉ có gần 51  triệu người tham gia BHYT (chiếm tỷ lệ gần 60% dân số), đây là một con số  tuy đáng mừng, song lại gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ, vì thực tế sự tăng trưởng  số lượng người tham gia BHYT cũng như việc gia  tăng tỷ lệ người dân có thẻ BHYT là không ổn định, thiếu bền vững, nhất là đối với loại hình tham gia BHYT bắt buộc. Chẳng hạn đến cuối năm 2010 vẫn chỉ có gần 6,2 triệu người tham gia BHYT tự nguyện  (ít hơn cả số lượng  tham gia BHYT tự nguyện  của năm 2005 là  9,2 triệu người). Không chỉ vậy, theo báo cáo kết luận thanh tra 7 tỉnh của Thanh tra chính phủ cho thấy trong 3 năm 2005- 2008, chỉ có gần 29% số doanh nghiệp tham gia BHYT, hàng ngàn doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, BHYT cho người lao động. Tình trạng trốn đóng, nợ đọng phí BHXH, BHYT của các doanh nghiệp ở nhiều địa phương trong phạm vi cả nước ngày càng nan giải. Nhiều doanh nghiệp đã tìm mọi cách để không đóng BHYT cho người lao động, như khai báo số lao động thấp hơn thực tế; ghi số tiền lương tháp hơn thu nhập thực tế…điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi  của người lao động mà còn là hành vi cố tình vi phạm luật BHXH, Luật BHYT. Ngay cả các nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT cũng không tham gia đầy đủ, số tham gia chỉ đạt ở mức thấp và thường chỉ có những người già, người thường xuyên đau ốm mới tham gia BHYT…
Phát hành tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền ...
Từ những điều trên thấy rằng, mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân vào năm 2014 thực sự là một thách thức, đòi hỏi phải có một sự nỗ lực vượt bậc của cả cộng đồng mới có thể hiện đạt được. Xuất phát từ quan điểm: Muốn thực hiện được mục tiêu BHYT toàn dân trên phạm vi toàn quốc thì đòi hỏi mục tiêu này phải được thực hiện tốt tại mỗi địa phương, mỗi cấp, mỗi ngành. Vì vậy cơ quan  Bảo  hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu của chính đơn vị, địa phương mình. Các giải pháp đưa ra cần đồng bộ, thiết thực phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nơi, từng nhóm đối tượng, trong đó cần chú trọng hơn nữa đến công tác tuyên truyền, nên coi đây là một trong những giải pháp tích cực góp phần củng cố, xây đắp niềm tin đối với các tầng lớp nhân dân vào chính sách BHYT. Trước hết nên đề xuất  tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc tiếp tục tổ chức quán triệt, thực hiện Chỉ thị 38 CT-TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư TW Đảng về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”,cũng như những nội dung cơ bản của Luật BHXH, BHYT nhằm tạo ra một nhận thức chung nhất về trách nhiệm của các tổ chức cơ sở Đảng, Đoàn thể, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong việc tuyên truyền, vận động để  tất cả các đối tượng sử dụng lao động, mọi người lao động và mỗi người dân tin tưởng, tích cực tham gia BHYT. Đồng thời tăng cường và nâng cao hiệu quả   công tác phối hợp giữa BHXH các Tỉnh, thành phố với các Sở, Ban, Ngành, MTTQ, các Đoàn thể tại mỗi địa phương. Chủ động cung cấp tài liệu tuyên truyền về  chính sách BHXH, BHYT để lồng ghép trong các buổi sinh hoạt, học tập của từng nhóm đối tượng Hội viên, Đoàn viên và người lao động, tạo điều kiện để mọi người có nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa nhân đạo sâu sắc của chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước  từ đó thấy rõ được trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân trong việc tham gia BHYT. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, trong đó đáng chú ý là việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền trực tiếp đến các nhóm đối tượng như đối thoại, tọa đàm, tư vấn giải đáp thắc mắc tại các buổi sinh hoạt của các Đoàn thể, hoặc tại các buổi hội họp của tập thể người lao động…Cùng với việc phát huy tối đa vai trò quan trọng của các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là hệ thống phát thanh, truyền thanh tại các địa bàn dân cư, cần tăng cường hơn nữa các hoạt động tuyên truyền trực quan cũng như làm tốt công tác biên soạn, phát hành các loại ấn phẩm tuyên truyền vừa đa dạng về hình thức, vừa phong phú về nội dung nhằm tạo ra một sự tác động thường xuyên, nhiều chiều để đông đảo các tầng lớp nhân dân có thêm cơ hội tìm hiểu đầy đủ hơn về chính sách BHYT, từ đó nâng cao niềm tin tham gia BHYT.

Nguyễn Đức Toàn