Phấn đấu năm 2015: Sẽ có 14 triệu người tham gia BHXH

10/11/2011 06:56 AM


KCB bảo hiểm y tế. Ảnh minh họa (ST)

Những kết quả đáng ghi nhận

Theo đánh giá tình hình thực hiện chính sách BHXH giai đoạn 2008-2011 của Bộ LĐ-TB&XH, phạm vi đối tượng tham gia vào các loại hình BHXH ngày càng mở rộng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BHXH đã được xây dựng và ban hành khá đồng bộ, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện chế độ chính sách BHXH. Nhận thức của NLĐ, người sử dụng lao động và các tầng lớp về chính sách được nâng cao nên đối tượng tham gia BHXH năm sau cao hơn năm trước, bình quân mỗi năm tăng mới thêm 4,5- 6%. Trong giai đoạn 2008- 2010, số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tăng từ 8,539 triệu người năm 2008 lên 9,601 triệu người năm 2010 (tăng 12,4% so với 2008); ước đến cuối năm 2011 có 9,666 triệu người tham gia BHXH bắt buộc.

Cùng với đó, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 6.110 người năm 2008 lên 81.319 người năm 2010 (tăng 13,3% lần so với năm 2008); ước đến cuối năm 2011 có 90.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Số người tham gia BH thất nghiệp tăng từ 5,9993 triệu người năm 2009 lên 7,206 triệu người năm 2010 (tăng 20,2% so với năm 2009); ước đến cuối năm 2011 có 7,2223 triệu người tham gia BH thất nghiệp.

Các loại đối tượng tăng đóng góp vào Quỹ BHXH tăng từ 30.950 tỷ đồng năm 2008 lên 55.063 tỷ đồng năm 2010; trong đó thu BHXH bắt buộc tăng từ 30.939 tỷ đồng lên 49.740 tỷ đồng (tăng 60,8%); thu BHXH tự nguyện tăng từ 10,8 tỷ đồng lên 174,4 tỷ đồng (tăng 16,2 lần); thu BH thất nghiệp tăng từ 3.511 tỷ đồng năm 2009 lên 5.149 tỷ đồng (tăng 46,7%)..

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách, giải quyết chi trả các chế độ BHXH cho NLĐ được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của đông đảo NLĐ và xã hội. Nếu như năm 2008, tổng số tiền chi giải quyết chế độ BHXH là 34.070,4 tỷ đồng thì năm 2010 còn số này lên tới 66.427,2 tỷ đồng. Nếu tính chung trong 4 năm (2008-2011), Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh lương hưu tăng thêm 85% so với thời điểm tháng 12/2007. Trung bình mỗi năm có thêm 2 triệu đối tượng được thụ hưởng từ việc điều chỉnh này. Tính đến tháng 5/2011, số đối tượng lương hưu hàng tháng khoảng 1,8 triệu người, với mức lương hưu bình quân là 2,568 triệu đồng/người/tháng.

Còn không ít tồn tại

Bên cạnh kết quả đạt được, bà Trần Thị Thúy Nga- Vụ trưởng vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) nêu lên thực trạng: Số người tham gia BHXH bắt buộc còn thấp so với tiềm năng (chiếm 20% tổng lao động). Nguyên nhân được bà Nga đề cập: Do công tác thông tin tuyên truyền về pháp luật BHXH chưa sâu rộng; Công tác quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc còn hạn chế, chưa nắm được số lượng đối tượng thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc; tỷ lệ đóng góp của NLĐ ở khu vực NQD rất thấp; tình trạnh nợ đọng BHXH vẫn xảy ra, đặc biệt là khu vực sản xuất kinh doanh và ở khu vực kinh tế NQD. Các chế tài xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH còn chưa đủ mạnh để buộc doanh nghiệp tuân thủ; việc xử lý chưa thực hiện kiên quyết nên tính răn đe không cao; nhiều nơi chưa có tổ chức công đoàn hoặc tổ chức công đoàn chưa mạnh dạn bảo vệ quyền lợi BHXH cho NLĐ. Công tác thanh tra, kiểm tra về BHXH còn ít và chưa hiệu quả; tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH thấp hơn nhiều so với tiền lương trong thực tế; hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH hiệu quả còn thấp, hình thức đầu tư chưa đa dạng…

Ngoài ra, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đạt con số rất khiêm tốn, mới chỉ chiếm khoảng 0,22% số đối tượng thuộc diện tham gia, chủ yếu tập trung ở những người đã có thời gian công tác, muốn đóng thêm để hưởng chế độ hưu trí. Chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn NLĐ như mục tiêu đặt ra”, Bà Nga nói.

Trong chính sách BHXH tự nguyện vẫn còn nhiều bất cập như: Quy định về mức đóng còn chưa phù hợp, mức thấp nhất hiện nay là 149.400 đòng (18% tiền lương tối thiểu chung). Mức đóng này được xem là khá cao so với đại bộ phận người dân khu vực nông thôn. Quy định về tuổi đóng, thời gian đóng cũng hạn chế tỷ lệ người tham gia.

Về chính sách BH thất nghiệp bà Nga cho rằng: Dù đối tượng tham gia tăng cao nhưng quy định về trợ cấp thất nghiệp còn chưa phù hợp với nguyên tắc đóng, hưởng; quy trình, thủ tục để NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp còn chưa thuận lợi. Chính sách thất nghiệp hiện mới chỉ áp dụng đối với lao động ở các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động có từ 10 lao động trở lên nên đã hạn chế khả năng tham gia BH thất nghiệp của NLĐ làm việc trong các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Hiện chính sách này mới bao phủ được khoảng 10% tổng số lao động trong độ tuổi lao động.

Cùng với những khó khăn trên, Quỹ BHXH cũng đối mặt với nguy cơ mất cân đối trong dài hạn, do tuổi nghỉ hưu bình quân thấp, tuổi thọ tăng, thời gian hưởng lương hưu kéo dài (thời gian hưởng bình quân năm 2010 là 20 năm); tỷ trọng giữa tiền chi trả chế độ BHXH với số thu từ đóng góp của NLĐ và người sử dụng lao động hàng năm có xu hướng tăng nhanh.

Cải cách theo hướng nào?

Trong bối cảnh Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, tốc độ tăng dân số ổn định ở mức khoảng 1.09%/năm từ nay đến năm 2020 và dự báo quy mô dân số đạt gần 91,7 triệu người vào năm 2015 và trên 96,2 triệu người vào năm 2020. Theo đó, tỷ trọng dân số nông thôn giảm xuống còn 62,2% vào năm 2015 và 55% vào năm 2020. Do vậy, lực lượng lao động sẽ tăng lên, dự kiến đến năm 2015 cả nước có khoảng 54,8 triệu người và 58,2 triệu người vào năm 2020. Trong giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm cả nước sẽ có khoảng 1,5 triệu người bước vào tuổi lao động và giai đoạn 2016- 2020 là 1,4 triệu người. Tổng số việc làm năm 2015 và 2020 tương ứng là 53,2 triệu người và 56,5 triệu người. Tỷ lệ lao động làm công ăn lương năm 2015 và 2020 chiếm tương ứng 37% và 45% trong tổng số lao động có việc làm. Như vậy quá trình dịch chuyển cơ cấu lao động sang khu vực phi nông nghiệp, khu vực chính thức là điều kiện thuận lợi.

Từ những yếu tố trên, Đề án cải cách chính sách BHXH đặt ra mục tiếu đến năm 2015, cả nước có 14 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, chiếm 25,5% tổng LLLĐ; đến năm 2020, có 19,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, chiếm 33,7% tổng LLLĐ. Đồng thời, chính sách BHXH sẽ điều chỉnh để bảo đảm an toàn quỹ hưu trí trong dài hạn và bảo đảm hợp lý giữa các quỹ BHXH; tiến tới xã hội hoá các tổ chức cung cấp dịch vụ BHXH; thực hiện chế độ hưu trí bổ sung…

Trên cơ sở đó, chính sách BHXH sẽ thực hiện theo nguyên tắc mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH; việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế, từng bước cải thiện đời sống của người về hưu; quỹ BHXH được quản lý dân chủ, công khai, minh bạch, được sử dụng đúng mục đích và hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần.Việc thực hiện BHXH phải đơn giản, thuận lợi, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia.

Đề án cải cách chính sách BHXH trong giai đoạn 2012-2020 tập trung cải cách một số nội dung như: mở rộng diện bao phủ của hệ thống BHXH bắt buộc, nghiên cứu thực hiện BHXH bắt buộc đối với NLĐ làm việc tại Việt Nam; mở rộng diện bao phủ của chương trình BHXH tự nguyện đối với khu vực phi chính thức; có chính sách hỗ trợ về tài chính cho người dân tham gia chương trình BHXH tự nguyện; hoàn thiện chế độ BHXH ngắn hạn theo hướng đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia và thực hiện bình đẳng giới; tách quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hướng quỹ bồi thường tai nạn lao động.

Để đảm bảo khả năng chi trả quỹ hưu trí dài hạn, chính sách BHXH tập trung điều chỉnh các thông số của chế độ hưu trí, tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ ở một số nhóm đối tượng như cán bộ, công chức, lao động hành chính trong các doanh nghiệp..., nghiên cứu tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nam, bình đẳng trong cách tính lương hưu giữa nam và nữ của lao động ở khu vực nhà nước và ngoài nhà nước; thay đổi mức tiền lưuơng đóng BHXH theo hướng tiền lương thực tế, nghiên cứu quy định theo hướng hạn chế NLĐ nhận trợ cấp BHXH một lần khi chưa hết tuổi lao động; xây dựng hế thống BHXH đa trụ cột với việc triển khai thực hiện quỹ hưu trí bổ sung và nghiên cứu mô hình tài khoản cá nhân nhằm đảm bảo tốt hơn cuộc sống cho người nghỉ hưu và giảm áp lực đối với quỹ BHXH hiện hành.

Thu Hương