Người thầy đầu tiên đến Diễn đàn Giáo dục Toàn cầu

21/11/2011 12:46 AM


 

Thầy Nguyễn Văn Long tại Diễn đàn

Giáo dục Toàn cầu.

Từ đứa trẻ bỏ học đến 5 học bổng tiến sĩ danh giá

Thầy Long sinh năm 1973, trong một gia đình khó khăn có 6 người con. Học hết lớp 7, ba mất. Người mẹ buôn bán nhỏ không kham nổi việc chạy ăn từng bữa cho những đứa con đang sức lớn huống gì nói đến chuyện sách vở xa vời.

Học hết lớp 9, khi nghe mẹ bảo con nên nghỉ học kiếm việc làm phụ gia đình, cánh cửa tri thức đóng sầm lại trước mắt Long.

Biết tin đậu vào trường Phan Châu Trinh (một trường THPT công lập danh giá tại Đà Nẵng), cậu học trò nhỏ nghèo đã khóc hết nước mắt xin mẹ được tiếp tục đến trường.

Thương con, nghĩ đến tương lai xám chì của những đứa trẻ thất học, người mẹ ấy đã không cầm được nước mắt. Bà đã vay mượn từ họ hàng, bạn bè, láng giềng xung quanh số tiền vừa đủ để đóng các khoản chi phí để con trai mình tiếp tục được như bạn bè đồng lứa.

Quãng đời thiếu niên thiếu thốn và khốn khó, với niềm vui và nỗi đam mê duy nhất là học, học và học đã giúp Long giành được vị trí thủ khoa trong Lễ tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng năm 1996.

Thầy Long chia sẻ: “Tự mày mò máy tính, tôi đâm ra nghiện công nghệ thông tin và nó cũng trở thành một công cụ đắc lực cho công tác giảng dạy và học tập của tôi từ đó đến nay”.

Cũng từ đây, thầy Nguyễn Văn Long đã tự “săn” cho mình học bổng Thạc sĩ trường University of Queensland (Úc) và tiếp hai năm sau (2007) là cùng lúc 5 học bổng danh tiếng: ALA (Australian Ledership Awads); Đại học Queensland; Endeavour; NewZealend Internatisnal Doctoral Research Scholsi …; và Massey University Scholar’s.

Được hưởng chính sách đãi ngộ nhân sự trẻ của Đại học Đà Nẵng, kết thúc khóa Tiến sĩ trở về, thầy Long được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Đào tạo Đại học Ngoại ngữ, giảng viên môn Ngôn ngữ, Văn hóa Anh – Mỹ.

38 tuổi, hiện thầy đã có hơn 10 công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí chuyên ngành hàng đầu trên thế giới.

Người thầy đem thế giới phẳng vào giảng đường

 

Thầy Nguyễn Văn Long: Không có gì là không thể

trong thế giới công nghệ phần mềm - Ảnh

Chinhphu.vn

Với phương châm “không có gì là không thể trong thế giới công nghệ phần mềm”, thầy đã áp dụng nhiều phương pháp khác nhau, kết hợp những hạ tầng CNTT hiện có để sinh viên mình có được điều kiện tốt nhất tiếp xúc “thế giới mở”.

Để giúp các tân sinh viên còn nhút nhát trong giao tiếp, thầy sử dụng phương pháp trao đổi bằng công cụ chat khi làm việc nhóm. Điều này vừa giúp các em có thể hoàn thiện kĩ năng diễn đạt ngôn ngữ, sử dụng chuẩn ngữ pháp, trau dồi từ mới cũng như khả năng tiếp cận và ứng dụng CNTT trong các hoạt động học tập, đặc biệt đối với những sinh viên vùng sâu, nông thôn không nhiều cơ hội tiếp xúc với máy tính.

Tiến tới trang bị những kĩ năng mềm (làm việc nhóm, làm việc độc lập, ứng dụng kiến thức được truyền đạt, …) cho sinh viên, thầy cũng yêu cầu học sinh của mình mở những tài khoản cá nhân, sử dụng mạng xã hội là nơi chia sẻ kiến thức, thông tin và kinh nghiệm học tập; sử dụng tốt vai trò của internet trong việc tra cứu, tìm kiếm kiến thức mới.

Tất cả thông tin khi tương tác với giáo viên cũng thay đổi. Thầy Long trở thành người điều tiết quá trình học, cùng trao đổi, thảo luận với sinh viên để tìm ra vấn đề mới.

Điều làm thầy trăn trở hiện nay là năng lực ứng dụng CNTT vào học tập trong sinh viên còn chưa được các em quan tâm đúng mức, đặc biệt đối với các sinh viên sư phạm.

Thầy Long cho rằng, nếu cân nhắc trên các lợi ích lâu dài và bền vững thì việc cấp máy tính bảng cho các em trở nên thiết thực và ít tốn kém hơn việc trang bị hơn 10 cuốn sách mỗi học kì.

Bên cạnh việc trang bị hạ tầng CNTT trong giảng dạy, chính mỗi giáo viên cần nắm bắt, thích nghi, quyết tâm ứng dụng CNTT phục vụ cho công tác giảng dạy thì việc ứng dụng CNTT trong học đường ở Việt Nam, đem thế giới phẳng mở ra chân trời tri thức cho học sinh chúng ta không phải là vấn đề quá xa vời nữa.