Truy trả trợ cấp BHXH cho người lao động không hưởng lương theo thang bảng lương do Nhà nước quy định

12/12/2011 08:11 AM



Đối với cán bộ, công nhân viên chức hưởng lương theo thang, bảng lương do Nhà nước quy định thì từ năm 1995 đến nay đã được Chính phủ điều chỉnh tăng lương tối thiểu 11 lần, từ mức lương 120.000 đồng lên đến 830.000 đồng, mức hưởng BHXH căn cứ trên hệ số lương nhân với mức lương tối thiểu tại thời điểm hưởng lương hưu, trợ cấp; còn đối với người lao động hưởng lương không theo thang, bảng lương do Nhà nước quy định và những người thực hiện đóng BHXH tự nguyện thì đến khi Luật BHXH có hiệu lực thi hành thì nội dung điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng BHXH mới được thực hiện.
Ảnh sưu tầm từ Internet

Theo quy định tại Nghị định số 83/2008/NĐ-CP ngày 31/7/2008 của Chính phủ thì đối với người lao động đang tham gia BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian tham gia BHXH có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, từ ngày 01/01/2007 (đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện được áp dụng từ 01/01/2008) trở đi hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần  thì được điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương, tiền công hưởng BHXH.
Từ năm 2008 đến nay, hằng năm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đều ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết mức điều chỉnh tiền lương, tiền công của người lao động. Theo đó, mức tiền lương, tiền công sau điều chỉnh bằng mức tiền đã đóng BHXH nhân với mức điều chỉnh của từng năm tương ứng, khi người lao động hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH thì mức bình quân tiền lương, tiền công được tính trên cơ sở mức tiền đã được điều chỉnh. Theo Thông tư số 02/2011/TT-BLĐTBXH ngày 20/01/2011 của Bộ LĐTB&XH thì mức điều chỉnh tiền lương, tiền công của từng năm đã đóng BHXH được quy định cụ thể như sau:
Đối với người lao động hưởng tiền lương, tiền công do chủ sử dụng lao động quyết định:

Năm
Trước 1995
1995 1996 1997 1998 1999 2000 2001 2002
Mức điều chỉnh 2,96 2,52 2,38 2,30
2,14
2,05
2,08
2,09
2,01
Năm 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011
Mức điều chỉnh 1,95 1,81
1,67
1,55
1,44
1,17
1,09
1,00
1,00

Đối với người đóng BHXH tự nguyện:

Năm 2008 2009 2010 2011
Mức điều chỉnh 1,17 1,09 1,00 1,00

Sau khi có hướng dẫn của Bộ LĐTB&XH, BHXH tỉnh Đắk Lắk và BHXH các huyện, thành phố, thị xã đã thực hiện điều chỉnh và truy trả phần chênh lệch tăng cho hàng ngàn người đã hưởng các chế độ BHXH, mức chênh lệch tăng tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH và thời điểm hưởng trợ cấp. Đối với những người hưởng trợ cấp một lần hoặc thân nhân người lao động hưởng trợ cấp tuất một lần thì mức chênh lệch tương đối lớn; người lao động hưởng trợ cấp thời điểm năm 2007, 2008 mà chưa được điều chỉnh của bất kỳ năm nào thì mức chênh lệch có thể bằng 1/3 số tiền đã hưởng, nhiều trường hợp mức chênh lệch được cơ quan BHXH truy trả lên đến hàng chục triệu đồng.
Việc điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng BHXH thường được thực hiện sau khi người lao động đã hưởng trợ cấp, vì thông thường cuối năm hoặc đầu năm sau Chính phủ mới công bố chỉ số giá tiêu dùng của năm trước, trên cơ sở đó, Bộ LĐTB&XH quy định mức điều chỉnh, sau đó ngành BHXH mới triển khai thực hiện. Do vậy, hầu hết người lao động hoặc thân nhân được hưởng các chế độ BHXH được điều chỉnh, truy trả trợ cấp bổ sung.
Hiện nay, việc truy trả các chế độ BHXH cho người lao động gặp không ít khó khăn vì nhiều người lao động sau khi nhận trợ cấp kê khai địa chỉ chưa cụ thể (không ghi số nhà, đường phố, thôn, xóm…), hoặc khi nghỉ việc đã thay đổi nơi cư trú, thay đổi số điện thoại nên không nhận được thông báo của cơ quan BHXH; mặc khác, nhiều người lao động không biết mình được hưởng khoản trợ cấp chênh lệch do được điều chỉnh nên không liên hệ với cơ quan BHXH để nhận trợ cấp. Theo thống kê của BHXH tỉnh Đắk Lắk, đến nay còn 1.320 người chưa đến nhận phần trợ cấp chênh lệch tăng, tổng số tiền chưa nhận là 784.971.280 đồng, mặc dù những trường hợp trên đã được ngành BHXH liên lạc, thông báo bằng nhiều cách.
Đây là phần trợ cấp BHXH chính đáng của người lao động, việc không đến nhận trợ cấp là rất thiệt thòi đối với người lao động và thân nhân của họ, theo quy định nếu quá thời hạn thì số tiền đó được sung công quỹ. Do vậy, người lao động và thân nhân người lao động đã hưởng trợ cấp BHXH thuộc diện được điều chỉnh nói trên cần liên hệ với BHXH các huyện, thị xã, thành phố để được truy hưởng trợ cấp. Đối với lao động hiện đang cư trú ở tỉnh Đắk Lắk nhưng đã hưởng trợ cấp BHXH ở tỉnh khác thì cần liên hệ với BHXH tỉnh, huyện, thị xã, thành phố nơi mình đã nhận trợ cấp để được nhận bổ sung; hoặc liên hệ với BHXH huyện nơi mình cư trú để được tư vấn, giúp đỡ.

Trương Văn Bá
BHXH tỉnh Đắk Lắk