Chuyện khó tin về dũng sĩ săn voi duy nhất còn sống

13/02/2012 05:00 PM




Hiện tại, ông là người sống thọ nhất bản và ở trong ngôi nhà cổ nhất Tây Nguyên. Nhưng cuộc đời Ama Kông có những nốt thăng trầm, trong đó tài năng và sự dũng mãnh đưa ông đến vinh quang, còn sự đa tình thường khiến ông trắng tay mỗi khi ông đi bước nữa.

Dũng tượng đặc biệt nhất bản Đôn

Tình cờ tôi quen già Y Thịu (82 tuổi) trên đường vào bản Đôn, ông là người một thời từng luồn núi, băng rừng cùng Ama Kông đi bắt voi. Khách lạ trở thành quen,  ông nhiệt tình dẫn tôi đến thăm nhà huyền thoại săn voi Ama Kông.

“Vua săn voi” Ama Kông (bên phải) nay bước sang tuổi 102 và ông Y Thịu bạn một thời đi săn voi với Ama Kông.

Đã bước sang cái tuổi 102, sức đã yếu nhưng thấy khách thăm, ông vẫn ngồi dậy niềm nở tiếp chuyện. Trò chuyện câu được, câu mất, nhưng điều dễ thấy là ông hay cười, cái nụ cười đã từng làm bao người con gái say đắm.

Ama Kông tên thật là Y Prong êban, là con trai của một trong số những người đầu tiên đến lập nên bản Đôn. Trong đoàn người du mục đến từ vùng Đôn Thâu,  Pắc Xế (giáp ranh Lào và Campuchia) thời đó, có ba anh em là Y Thu (sau này được vua Thái phong là Khunsunop -vua săn voi) cùng Y Ki và Y Leo, xuất thân từ dòng dõi tù trưởng, có truyền thống săn bắt voi rừng.

Ama Kông là con của Y Ki, tức Ama Kông mang trong mình dòng máu tù trưởng của một dòng họ lẫy lừng. Có lẽ vì thế, sau này Ama Kông mới trở thành một người đặc biệt nhất của dòng họ.

Săn voi nhiều, giàu nhất buôn, lấy nhiều vợ, biết cưỡi cả xe Jeep, tiêu tiền Tây, lấy vợ ở tuổi 80, tìm ra bài thuốc sinh lực từ núi rừng.... Bởi vậy, người ta bảo Ama Kông là con người đặc biệt nhất trong số những con người đặc biệt ở bản Đôn là thế.

Ama Kông sớm bộc lộ tư chất của một dũng sĩ săn voi, thời trai trẻ ông có thể vật ngã bò rừng, chạy nhanh như trâu Min (loại trâu rừng rất hiếm ở bản Đôn ngày trước) và dũng cảm như chàng Đam San trong sử thi xưa.

Danh bậc cao quý trong nghề săn voi là Gru (bắt được 30 con) ông đạt được khi ông còn là chàng thanh niên. Bà Sao Thong Chăn (88 tuổi, bản Đôn) xưa làm nghề buôn bán voi từ bản Đôn, đồng thời cũng là bạn của Ama Kông ngày đó giờ vẫn còn nhớ rất rõ: “Những lần già mua voi bản Đôn thì mối chủ yếu là voi nhà Ama Kông thôi. Những con voi săn được từ núi do Ama Kông thuần dưỡng được mang bán khắp nơi, vào Thảo Cầm Viên (Sài Gòn xưa), sang cả các nước: Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanma, Pháp...".

Tiếng tăm của Ama Kông vang xa đến nỗi, mỗi khi du ngoạn lên Tây Nguyên, vua Bảo Đại thường tìm gặp ông. Ông là một trong số ít Gru ở bản Đôn bắt được voi trắng tặng vua Bảo Đại, thuần dưỡng được voi dữ một ngà. Voi trắng là loài cực kỳ hiếm và tinh khôn, thân trắng như trâu bạc, ngà đỏ như kiến lửa, tinh ranh vô cùng.

Voi một ngà là loài cực kỳ hung dữ, khó thuần dưỡng, có thể phản chủ bất cứ lúc nào, vậy mà Ama Kông cũng thu phục được. Ngày trước ông có con voi một ngà dành riêng cho Vua Bảo Đại mỗi khi lên bản Đôn thưởng ngoạn.

Những vật dụng đã làm nên tên tuổi huyền thoại Ama Kông.

Không những giỏi cưỡi voi, phi ngựa, đâm bò tót, trâu Min (trâu rừng), Ama Kông còn là người hiện đại nhất Buôn Đôn. Ông từng đi học trường Tây ở dưới Buôn Mê Thuột, nói dẻo tiếng Pháp, lái xe Jeep, biết diện com lê, đeo cà vạt, đi giày đen, biết chụp ảnh.

Đó là những thứ rất lạ đối với người Tây Nguyên lúc đó chỉ biết cưỡi voi, mặc áo truyền thống, đóng khố. Vì thế, ông là người được cả vua Bảo Đại và Tổng Thống Ngô Đình Diệm nể phục. Tính đến lúc săn được con voi cuối cùng, cuộc đời ông bắt và thuần dưỡng được 289 con voi, chỉ thua bác, cũng là cha vợ (tục nối dõi người Mơ Nông) là Y Thu -Khunsunop mà thôi.

80 tuổi vẫn “cưa đổ” cô 25

Thuở trẻ Ama Kông là người cao lớn, đẹp trai, sức khỏe phi thường, lại thuộc dòng dõi tù trưởng, ông trở thành niềm ao ước của biết bao nhiêu cô gái trong bản. Vị tù trưởng Y Thu -Khunsunop không có con nên đưa Ama Kông (con của em trai) và 2 cô gái là H'Nu và H'Hốt về nuôi. Lớn lên Ama Kông lấy H'Nu làm vợ, họ sinh được một trai, một gái.

Nhưng hai người chỉ chung sống với nhau được một thời gian thì H'Nu qua đời vì bệnh. Theo tục nối dõi của người Mơ Nông thì chị mất, em thay. Cô em là H'Hôt lúc đó kém Ama Kông 15 tuổi tiếp tục thế chị, họ có tới 6 người con và nhiều con nuôi khác.

Vốn đa tình nên Ama Kông lại muốn chinh phục thêm nhiều cô gái khác nữa. Nhưng theo tục lệ của người Mơ Nông nếu đàn ông muốn đi bước nữa hoặc là người vợ chết hoặc là người đàn ông bỏ lại toàn bộ tài sản. H'Hôt thì đang sống, còn Ama Kông lại muốn thêm vợ.

Thế là một ngày Ama Kông lại dắt đứa con nhỏ, cùng người tình về xin H'Hôt cho cưới. Thấy chồng xin cưới thêm vợ, H'Hốt đã bao lần đòi ăn lá ngón tự tử. Già làng phải bao phen vất vả giải quyết, vẫn không lay chuyển được. Năm 62 tuổi, ông quyết định ra đi với hai bàn tay trắng sang nhà H'Biai ở làm vợ chồng.

Làm vợ chồng với nhau một thời gian, bà H'Biai lại mắc chứng nghiện rượu, ông chán nản nên lấy những chuyến vào rừng đi săn để trốn thực tại. Một thời gian sau H'Biai cũng qua đời trong một cơn say rượu, Ama Kông vừa trắng tay.

Những tưởng đến đó ngựa hoang sẽ chùn bước, ai ngờ bước sang tuổi 80, trong một lần đi chơi trong buôn, ông lại quen H'Khăm, cô gái mới 25 tuổi. Không biết Ama Kông có thủ thuật gì mà khiến H'Khăm xiêu lòng, rồi hai người dắt nhau về báo cáo buôn làng, chính thức kết duyên vợ chồng.

Vật dụng làm nên tên tuổi của Ama Kông.

“Nhà sáng chế viagra” của núi rừng

Cuộc đời Ama Kông giống như một câu chuyện sử thi Tây Nguyên mà mỗi chương đoạn, mỗi bước ngoặt cuộc đời đều làm cho người ta thú vị và bất ngờ đến khó tin. Và điều khó tin nhất vẫn là khả năng đàn ông của Ama Kông được xem là vô tiền khoáng hậu.

Có lẽ cho đến nay ông là người duy nhất ở Việt Nam lập được kỷ lục này. Sang ngưỡng bát tuần nhưng ông vẫn dẻo dai như dây rừng. Người ta bảo tóc ông bạc, nhưng ông cãi "sức tao vẫn còn như hồi 18". Thế rồi ông lấy thêm người vợ thứ tư và sống cuộc sống một “mái nhà tranh, hai trái tim vàng” theo đúng nghĩa.

Người ta bảo ông có bí quyết riêng về chuyện sinh hoạt vợ chồng mới cưới được cô vợ tuổi 25, ông lại cười bảo: "Những ngày đi rừng tao thấy con voi nó ăn lá cây rừng, nên nó khỏe. Tao nghĩ lá cây rừng cũng tốt cho sức khỏe, nên tao mang về nấu uống".

Những người bạn từng đi săn voi với Ama Kông bảo rằng, chưa khi nào thấy Ama Kông ốm đau, bệnh tật. Người ta lại thấy sân nhà Ama Kông thường phơi những lá, rễ cây thơm lừng. Hóa ra ông đã tìm ra thứ thuốc dành cho phái mạnh từ lâu...

Từ khi chưa có sự bắt tay của khoa học, người dân bản Đôn đã tìm những thứ cây theo bài thuốc do Ama Kông uống, và cho đến nay nó đã trở thành thói quen của buôn làng.

Ngày nay các nhà y học cổ truyền đã đi vào nghiên cứu và khẳng định, bài thuốc do Ama Kông tìm ra là một trong những đóng góp lớn cho y học cổ truyền Việt Nam.

Thuốc của ông không những trị các bệnh cho phái mạnh, mà còn nhiều loại khác cho phụ nữ, trị các bệnh nội tạng như: Dạ dày, tá tràng. Có lẽ cũng chính một phần nhờ những vị thuốc trên, mà cho đến nay đã qua cái ngưỡng 100 tuổi nhưng Ama Kông vẫn sừng sững như một huyền thoại sống hiếm hoi của núi rừng Tây Nguyên.



Kỳ Anh