Nghị quyết số 28-NQ/TW - Hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân

18/06/2018 10:30 AM


Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII đã ban hành 3 Nghị quyết rất quan trọng, trong đó có Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Nghị quyết này thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với chính sách BHXH, khẳng định vai trò quan trọng của BHXH là trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
khoá XII. Nguồn ảnh: Internet.
Mục tiêu của Đảng là cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy, minh bạch và tăng cao chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân khi tham gia BHXH.

Để đạt được mục tiêu đó, Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra những định hướng cải cách chính sách BHXH nhằm làm cho BHXH mang tính thực tiễn hơn, dễ tiếp cận hơn, tạo điều kiện tối đa để mọi người dân trong độ tuổi lao động có thể tham gia vào hệ thống, đảm bảo hầu hết người lao động được hưởng quyền lợi về an sinh xã hội khi họ gặp rủi ro, không còn khả năng lao động.


Nội dung định hướng cải cách chính sách BHXH có rất nhiều vấn đề, nhưng tựu trung là tăng thêm quyền lợi cho người lao động, đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp với lợi ích của người lao động và đảm bảo an sinh xã hội.

BHXH được xây dựng thành một hệ thống đa tầng, bao gồm hưu trí xã hội, BHXH cơ bản và bảo hiểm hưu trí bổ sung. Trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hằng tháng, Nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn, đồng thời điều chỉnh theo hướng giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách; BHXH cơ bản bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện đang thực hiện như hiện nay và bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

Đối với thời gian tham gia BHXH định hướng sẽ sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cách tính lương hưu, bảo đảm công bằng giữa nam và nữ, giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng -  hưởng và chia sẻ giữa người có mức lương cao với người có mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong các đối tượng hưởng chế độ hưu trí.

Đối với chế độ BHXH một lần, Nhà nước có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần. Sửa đổi các quy định để khuyến khích người lao động tham gia BHXH thời gian dài hơn, từng bước tăng tuổi nghỉ hưu bình quân, tăng tỉ lệ giảm trừ tiền lương hưu đối với người lao động muốn nhận chế độ hưu trí sớm.

Về tuổi nghỉ hưu, thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; xu hướng già hoá dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực. Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.

Về điều chỉnh lương hưu: Thực hiện điều chỉnh trợ cấp hưu trí xã hội theo khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; lương hưu cơ bản được điều chỉnh chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, khả năng của Quỹ BHXH và ngân sách nhà nước; quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
 

Những nội dung về cải cách chính sách BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ chính sách BHXH, hướng tới BHXH toàn dân và là bước chuyển biến quan trọng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, góp phần phát triển bền vững đất nước./.

Trương Văn Bá