Lương hưu, điểm nhấn an sinh cho gần 53 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

21/05/2020 01:53 PM


Sau gần 12 năm triển khai bảo hiểm xã hội tự nguyện, đến nay, số người được hưởng lương hưu là gần 53 nghìn. Con số này gồm cả lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể trở thành điểm tựa giúp lao động tự do bảo đảm an sinh xã hội (Ảnh minh họa: Duy Linh).

Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, gần 53 nghìn người có lương hưu

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, theo số liệu từ Hệ thống dữ liệu tập trung của ngành, số người được hưởng lương hưu từ thời điểm triển khai chính sách BHXH tự nguyện vào năm 2008 đến nay là 52.654 người. Con số này gồm cả người lao động tham gia BHXH bắt buộc và tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Giao lưu trực tuyến “Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trong dịch Covid-19” do Báo Nhân Dân phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức.

Đây là thông tin được Bà Đinh Mai Hạnh, Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) chia sẻ tại chương trình giao lưu trực tuyến “Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trong dịch Covid-19” do Báo Nhân Dân phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức diễn ra ngày 19-5 tại Hà Nội.

Về mức hưởng lương hưu trung bình của đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại thời điểm tháng 4/2020, con số này đạt hơn 2,3 triệu đồng mỗi tháng. Đối với đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nhất là với người dân sống ở các vùng nông thôn hoặc những vùng đô thị nhỏ, đây có thể coi là là mức lương hưu bảo đảm được một phần nhu cầu cuộc sống, giúp họ có thể ổn định được cuộc sống khi được hưởng chế độ lương hưu.

Nhận định về mức lương hưu bình quân của người tham gia BHXH tự nguyện, bà Hạnh đánh giá con số này ổn định qua các năm. Cụ thể, năm 2016, mức lương hưu bình quân của nhóm đối tượng này là hơn 2,08 triệu đồng. Con số này đạt 1,9 triệu đồng vào năm 2017; 1.93 triệu đồng vào năm 2018; 2,06 triệu đồng vào năm 2019.

Khoảng 151 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bà Đinh Mai Hạnh, Phó Trưởng Ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam).

Bà Đinh Mai Hạnh cũng thông tin thêm, tính đến hết tháng 4-2020, số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là gần 558 nghìn người, giảm gần 16 nghìn người so với thời điểm cuối năm 2019.

Nguyên nhân trước hết là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở nước ta. Tình hình đại dịch diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020, công tác tuyên truyền trực tiếp chính sách BHXH tự nguyện chưa triển khai đúng tiến độ do phải thực hiện giãn cách xã hội, không triển khai được hội nghị tuyên truyền đến người dân nên hầu như không phát triển được đối tượng mới. Người tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu lao động tự do, mà trong thời gian dịch bệnh không có việc làm, nên dừng đóng BHXH tự nguyện.

Tất cả các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đều được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước với mức hỗ trợ khác nhau. Cụ thể, hỗ trợ 15.400 đồng/tháng đối với người tham gia không thuộc hộ nghèo và cận nghèo; 38.500 đồng/tháng đối với người thuộc hộ cận nghèo; 46.200 đồng/tháng đối với người thuộc hộ nghèo.

Sau hơn hai năm triển khai chính sách này, số tiền ngân sách nhà nước đã hỗ trợ cho đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đạt khoảng 151 tỷ đồng.

Ngoài mức hỗ trợ chung của ngân sách Trung ương, một số tỉnh đã tham mưu với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn. Theo đó, hỗ trợ thêm cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Một số tỉnh thực hiện khá tốt trong thời gian qua như Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi. Vĩnh Long, Bình Định, Quảng Nam, Hà Tĩnh. Thí dụ, Hợp đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết số 177/2019/NQ-HDND ngày 15-12-2019 quy định chính sách hỗ trợ đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2020-2025. Theo đó, hỗ trợ người lao động tham gia BHXH tự nguyện bằng 20% mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn áp dụng trong từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Đại diện Ban Thu (BHXH Việt Nam) cũng nhấn mạnh, về chính sách hỗ trợ với người dân thuộc diện chính sách tham gia BHXH tự nguyện như hộ nghèo, hộ cận nghèo và nhóm đối tượng khác, nếu người tham gia BHXH tự nguyện có hộ khẩu tại một tỉnh nhưng tham gia BHXH tại tỉnh khác vẫn được nhận hỗ trợ theo các mức quy định trên. Người tham gia được trừ ngay vào số tiền nộp BHXH tự nguyện hằng tháng tới nộp tiền.

Căn cứ các quy định tại Khoản 1 Điều 87 Luật BHXH năm 2014, khoản 1 và khoản 2 Điều 14 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29-12-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, người tham gia BHXH tự nguyện từ thời điểm 1-1-2018 được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ % trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Cụ thể, mức hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo. Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo. Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

Báo Nhân dân điện tử