Mở rộng diện bao phủ BHYT: Kết quả thực hiện và vấn đề đặt ra
23/06/2020 09:55 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục triển khai Nghị quyết 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân; Quyết định 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 – 2020, BHXH Việt Nam luôn xác định việc phát triển đối tượng tham gia BHYT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra.
Theo đó, liên tục trong các năm qua, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Tổ chức hội nghị hoặc làm việc trực tiếp với lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở ngành địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp để bàn về các giải pháp phát triển đối tượng.
Tăng cường công tác tuyên truyền; phối hợp với các Đại lý thu triển khai các hình thức như phát động lễ ra quân, tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp với người dân, vận động, khuyến khích 100% thành viên thuộc hộ gia đình tham gia BHYT đầy đủ trong năm tài chính để được giảm trừ mức đóng theo quy định. Mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT đến xã, phường theo Quyết định 1599/QĐ-BHXH ngày 28/10/2016 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Tính đến quý 4/2019, toàn quốc có 12,48 nghìn Đại lý thu với 37,35 nghìn điểm thu và 52,18 nghìn nhân viên đại lý thu. Thường xuyên đào tạo, tập huấn cho nhân viên, cộng tác viên của Đại lý thu trên toàn quốc.
BHXH Việt Nam cũng đã thường xuyên thực hiện kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ việc chấp hành các quy định tại BHXH các tỉnh, thành phố; thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, xử lý các đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT. Sau công tác thanh tra cho thấy đã có những chuyển biến tích cực, kết quả tốt trong việc giảm tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT.
Đặc biệt trong giai đoạn năm 2018 - 2019, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và tích cực cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT.
Tính đến 31/12/2019, toàn quốc có 85,95 triệu người tham gia BHYT, đạt 100,7% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 2,41 triệu người (2,9%) so với năm 2018; đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 89,3% dân số vượt 1,2% so với Quyết định 1167/QĐ-TTg, trong đó đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình đạt 17,5 triệu người, tăng 1,7 triệu người so với năm 2018 (tương đương tăng 10,8%).
Theo báo cáo của BHXH các tỉnh, thành phố, toàn bộ 63 tỉnh/thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1167/QĐ-TTg.
Một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc
Về chính sách pháp luật
Theo quy định tại Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc, tuy nhiên, chưa có quy định, chế tài cụ thể đối với đối tượng tự đóng BHYT nhưng không tham gia (học sinh, sinh viên, hộ gia đình).
Về đối tượng tham gia BHYT theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP:
+ Trách nhiệm lập danh sách, nguồn ngân sách đóng (ngân sách địa phương hay ngân sách trung ương) đối với người từ đủ 80 tuổi trở lên hưởng trợcấp tuất hàng tháng; phương thức đóng của đối tượng người tham gia kháng chiến mới được hướng dẫn từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo Thông tư 30/2019/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2019 có hiệu lực từ ngày 12/02/2020. Đối với nguồn ngân sách đóng và phương thức đóng chưa được hướng dẫn.
+ Người lao động được cơ quan có thẩm quyền cử đi công tác nước ngoài chưa quy định cụ thể có phải tham gia BHYT không?
+ Chưa có văn bản hướng dẫn việc thực hiện BHYT cho các đối tượng nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh quy định tại Nghị định 18/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh và đối tượng huấn luyện viên, vận động viên thể thao theo quy định tại Nghị định 152/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viện, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu.
Về tổ chức thực hiện
Việc lập danh sách của một số đối tượng tham gia BHYT do Ngân sách Nhà nước (NSNN) đóng và hỗ trợ đóng bị chậm, phải điều chỉnh thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT (gia hạn) do một số quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành chậm, cụ thể:
+ Danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo Quyết định 539/QĐ-TTg ngày 01/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ áp dụng trong giai đoạn 2013-2015. Ngày 25/01/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 131/QĐ-TTg về việc phê duyệt Danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020 nên ảnh hưởng đến việc cấp thẻ BHYT cho các đối tượng đầu năm 2017.
+ Đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: ngày 28/4/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 582/QĐ-TTg phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2016-2020 ảnh hưởng đến việc cấp thẻ BHYT cho các đối tượng thời điểm đầu năm 2017. Ngoài ra, chưa có Quyết định thay thế Quyết định 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn giai đoạn 2014 – 2015.
+ Đối tượng người thuộc hộ gia đình nghèo: Thực hiện Nghị quyết 40/NQ-CP ngày 10/5/2017 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017 và Công văn số 6775/BTC-HCSN ngày 24/5/2017 của Bộ Tài chính về thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Theo đó, chỉ áp dụng chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đối với hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập và hộ nghèo đa chiều thiếu hụt tiêu chí về BHYT quy định tại Quyết định 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, do đó nhiều địa phương phải thực hiện tách đối tượng để cấp thẻ BHYT năm 2017.
+ Đối tượng Cựu chiến binh, thân nhân người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ: ngày 26/7/2016, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 25/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn việc xác định, quản lý đối tượng tham gia BHYT do Bộ quản lý. Tuy nhiên, việc xác nhận các đối tượng này vẫn còn nhiều khó khăn do quy trình xác định đối tượng chưa bao quát được hết các trường hợp có trong thực tiễn dẫn đến việc lập danh sách cấp thẻ BHYT của các đối tượng này còn chậm.
+ Hầu hết các địa phương thực hiện chưa tốt Thông tư liên tịch 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT ngày 15/5/2015 của liên Bộ Tư pháp – Công an – Y tế hướng dẫn thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, dẫn đến việc chậm cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC: “Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT kể từ ngày sinh đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT đến ngày 30 tháng 9 của năm đó”. Tuy nhiên, tại một số địa phương, cơ quan Tài chính chỉ thanh toán tiền đóng BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi kể từ ngày lập danh sách đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi, không thanh toán số tiền đóng BHYT từ ngày sinh đến ngày cơ quan có thẩm quyền lập danh sách.
- UBND một số tỉnh, thành phố chưa bố trí được ngân sách địa phương để hỗ trợ mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, học sinh, sinh viên và người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình. Đối với hộ cận nghèo, Quyết định 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương chủ động ngân sách và huy động các nguồn lực tài chính để hỗ trợ tham gia, tập trung hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại của các đối tượng thuộc hộ cận nghèo. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay vẫn còn 17 tỉnh, thành phố chưa bố trí ngân sách địa phương thực hiện hỗ trợ đầy đủ 100% mức đóng BHYT còn lại, trong đó có 05 tỉnh, thành phố không hỗ trợ (Bến Tre, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Bình, Thanh Hóa) nên tỉ lệ tham gia BHYT của nhóm này chưa đạt 100%.
Về đôn đốc thu, xử lý nợ
- Việc chuyển tiền BHYT do NSNN đóng, hỗ trợ đóng của cơ quan tài chính, lao động - thương binh và xã hội tại một số tỉnh, thành phố còn chậm so với quy định tại Khoản 7 Điều 2 Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 25/11/2014, cơ quan Tài chính có trách nhiệm chuyển kinh phí vào quỹ BHYT, chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 hằng năm phải thực hiện xong việc chuyển kinh phí vào quỹ BHYT của năm đó.
- Theo quy định tại Khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động không phải đóng BHXH, BHYT. Do vậy, nhiều đơn vị cố tình thỏa thuận với người lao động để điều chỉnh tăng thu nhập vào các khoản hỗ trợ trên, làm giảm tiền lương để trốn đóng BHXH, BHYT.
Đề xuất, kiến nghị:
- Đối với Quốc hội: Tăng cường giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tham gia BHYT chưa cao và có những vướng mắc lớn trong tổ chức thực hiện.
- Đối với Chính phủ: Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật BHYT. Đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương triển khai các giải pháp để mở rộng đối tượng tham gia BHYT, đặc biệt là các địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp.
- Đối với Bộ, ngành:
+ Bộ Y tế: Báo cáo Thủ tướng chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố cân đối ngân sách thực hiện hỗ trợ 100% mức đóng cho đối tượng cận nghèo tham gia BHYT. Đối với hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình mức hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT; đối với Học sinh sinh viên (HSSV) hỗ trợ thêm từ 20% mức đóng BHYT trở lên; giao trách nhiệm cho Ủy ban dân tộc chỉ đạo lập danh sách tham gia BHYT của đối tượng người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn; Chủ trì, phối hợp các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT năm 2014
+ Bộ Giáo dục và Đào tạo: Sớm ban hành Thông tư quy định việc xác định đối tượng tham gia BHYT do ngành Giáo dục và Đào tạo quản lý theo quy định tại Luật BHYT, theo đó các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có trách nhiệm lập danh sách HSSV tham gia BHYT; Phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để triển khai công tác thông tin, truyền thông, vận động học sinh, sinh viên tham gia BHYT, chỉ đạo cơ sở giáo dục và tổ chức Đoàn cùng cấp phối hợp triển khai công tác tuyên truyền cho HSSV; Đưa chỉ tiêu tham gia BHYT trong nhà trường vào chỉ tiêu đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường, học viện.
+ Bộ Tài chính: Phối hợp Bộ Y tế xây dựng chính sách hỗ trợ cho đối tượng tham gia BHYT từ nguồn kinh phí chuyển đổi từ chi cho bệnh viện sau khi tăng giá viện phí để hỗ trợ cho từng nhóm đối tượng; Cân đối, bố trí nguồn kinh phí để thực hiện việc nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng cận nghèo lên 100%, HSSV, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình từ tối thiểu 30% lên mức tối thiểu 50%.
+ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Kiểm tra, đôn đốc việc xác định, lập danh sách tham gia BHYT theo Thông tư 25/2016/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2016 của Bộ Lao động - Thương binh Xã hội cho các đối tượng do ngành lao động quản lý nhằm đảm bảo thời gian và tiến độ thực hiện; Phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật BHXH, BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động.
+ Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Tăng cường thực hiện giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn; Đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội hàng năm. Giao chỉ tiêu tham gia BHYT đến từng xã để tổ chức thực hiện, gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã, huyện trong việc phát triển đối tượng tham gia BHYT, lấy chỉ tiêu phát triển đối tượng làm chỉ tiêu xét thi đua hàng năm, đảm bảo lộ trình đến năm 2020 tối thiểu phải đạt được bằng chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao; Phê duyệt kinh phí hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHYT và giám sát tổ chức thực hiện; Bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng cho một số đối tượng như hộ gia đình cận nghèo, HSSV và hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; đảm bảo kinh phí để đóng, hỗ trợ cho các đối tượng tham gia thuộc ngân sách đóng, hỗ trợ đóng BHYT…Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách BHYT để báo cáo Bộ, ngành xem xét, giải quyết.
Tạp chí Bảo hiểm xã hội
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số