BH thất nghiệp: Không chỉ có trợ cấp!

09/07/2020 04:40 PM


Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước đã có 531.321 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (bằng 123,9% so với 6 tháng đầu năm 2019).

Thống kê của các Trung tâm DVVL cho thấy, đến ngày 23/6, cả nước có 531.321 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng gần 30% so với 6 tháng đầu năm 2019), trong đó 449.500 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền 6.028 tỷ đồng. Số lao động bị mất việc làm tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến chế tạo; bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống…

Quỹ BH thất nghiệp cần được sử dụng hợp lý

Nhận định về tình hình lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp ở Hà Nội thời gian qua, ông Tạ Văn Thảo- Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội cho biết: “Thời điểm cao điểm nhất NLĐ đến với Trung tâm đề nghị hưởng BH thất nghiệp là tháng 4 và tháng 5. Đây là 2 tháng NLĐ đến đông hơn so với giai đoạn trước và cùng kỳ. Đến nay, tình hình đã tương đối ổn, các DN đang phục hồi sản xuất, thị trường lao động đang có biểu hiện tốt từ những số liệu về nguồn cầu, nguồn cung lao động. Sau thời gian giãn cách xã hội, nhu cầu tìm kiếm một công việc bền vững, phù hợp với bản thân của NLĐ đã nhiều hơn giai đoạn trước”.

Cũng theo ông Tạ Văn Thảo, trong thị trường lao động, yếu tố cung- cầu rất quan trọng. Cung-cầu gặp nhau có tín hiệu kết nối tốt, tạo thị trường lao động sôi động. “Tôi có cái nhìn khá lạc quan về thị trường lao động trong thời gian tới. Các chuyên gia nói rằng, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 chứa đựng các yếu tố đẩy nhanh, kích thích hoạt động 4.0 như thương mại điện tử, trực tuyến... Giới kinh doanh tìm thấy rất nhiều công việc, nếu như tiếp tục diễn biến bằng chính sách tốt, trong bối cảnh dịch bệnh được khống chế cuối năm, sẽ tạo thị trường hoàn chỉnh hơn”- ông Thảo nhận định.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều DN bị đình đốn sản xuất kinh doanh, hàng hoá không giao thương được… nên đã tạo áp lực cho DN và NLĐ. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, chính sách BH thất nghiệp đã thể hiện được vai trò “bệ đỡ”, giúp NLĐ bị mất việc làm nhận được hỗ trợ, là nguồn lực để NLĐ ổn định cuộc sống khi chưa tìm được việc làm mới.

Có thể thấy, một bộ phận NLĐ bị mất việc làm, phải hưởng BH thất nghiệp rất đáng quan tâm. Tuy nhiên, NLĐ không nên nghĩ nhận BH thất nghiệp chỉ để đáp ứng nhu cầu cuộc sống mà cần phải nghĩ đến đào tạo lại nghề nghiệp để có thể chuyển đổi sang lĩnh vực, DN khác. Đồng thời, cần hết sức chú ý, khi rời khỏi DN, NLĐ có thể tìm kiếm được công việc ở chỗ mới nhưng sẽ không bền vững. “Theo quy định, khi NLĐ bị thất nghiệp thì dùng một phần quỹ BH thất nghiệp để đào tạo lại nghề. Chúng ta nên dùng quỹ này để đào tạo nghề, còn hơn để NLĐ dùng món tiền này tiêu xài cho cuộc sống. Quan trọng nhất là có thể nâng cao tay nghề của NLĐ”- ông Lợi nhấn mạnh.

Theo Điều 42 Luật Việc làm, những người mất việc làm sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm. Trong đó, NLĐ mất việc được giới thiệu việc làm miễn phí, giúp họ được trang bị những kỹ năng, kiến thức để có thể tiếp cận công nghệ, có thêm nhiều lợi thế trong quá trình trở lại thị trường lao động. Còn những người bắt đầu bước chân vào thị trường lao động thường đã được đào tạo bài bản, tự trang bị kỹ năng tốt thì nên tiếp cận những thông tin chính thức từ các Trung tâm DVVL, các trang thông tin chính thống.

“Hiện nay thị trường lao động đang được hỗ trợ rất nhiều của mạng xã hội, truyền thông, song thông tin lại quá đa dạng, có khi thiếu chuẩn xác. Do vậy, NLĐ tìm việc cần tìm hiểu, cân nhắc cho thật kỹ, thông tin nào còn băn khoăn thì nên tìm đến  hệ thống Trung tâm DVVL để được giải đáp, hỗ trợ, tư vấn”- ông Tạ Ngọc Thảo chia sẻ.

Báo Bảo hiểm xã hội