Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội - tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân
31/07/2020 07:15 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ.
Đến hết năm 2019, cả nước số người tham gia BHXH là 15,77 triệu người (chiếm khoảng 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi), tăng 12,9 triệu người so với năm 1995. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện đã có sự tăng trưởng vượt bậc, đến hết năm 2019 là 574 nghìn người, chiếm 1,2% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi, hoàn thành sớm hơn một năm so chỉ tiêu đặt ra đối với phát triển BHXH tự nguyện tại Nghị quyết số 28-NQ/TW; riêng trong năm 2019 đã phát triển mới trên 300 nghìn người, bằng 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện (2008-2018). Cùng với đó, toàn ngành BHXH cũng luôn đảm bảo việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động kịp thời, đúng quy định. Tại Đắk Lắk, đến hết năm 2019 có 10,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm 0,65% LLLĐ trong độ tuổi, hoàn thành sớm hơn một năm so chỉ tiêu đặt ra đối với phát triển BHXH tự nguyện tại Chương trình số 29-CTr/TU, Chương trình thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Tư vấn chính sách BHXH tự nguyên cho người dân (Ảnh: Phạm Loan)
Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhằm tăng nhanh độ bao phủ, tiến tới BHXH toàn dân, trọng tâm là phát triển lao động trong khu vực phi chính thức là khu vực tiềm năng khai thác cho loại hình BHXH tự nguyện. Người lao động trong khu vực phi chính thức thường không có hợp đồng lao động, không có BHXH, không tham gia công đoàn, không có liên hệ nhiều với các khu vực khác của nền kinh tế và do đó không được sự bảo vệ của pháp luật lao động và an sinh xã hội.
Mở rộng diện bao phủ, được tiếp cận ở cả đầu vào (đối tượng tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi) và đầu ra (số người được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội so với số người sau độ tuổi nghỉ hưu). Chính vì vậy cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hướng đến cả 2 mục tiêu: Phát triển thêm đối tượng mới và duy trì, hạn chế đối tượng đang tham gia rời khỏi hệ thống.
Thứ nhất, đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, tăng cường tổ chức truyền thông theo chiến dịch, bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng tham gia BHXH, tạo sự cộng hưởng lớn, tác động mạnh đến cộng đồng; trước hết là cấp ủy chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động.
Thứ hai, tổ chức tốt hệ thống đại lý, nhân viên đại lý thu trong việc tuyên truyền, vận động, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các chính sách BHXH tự nguyện; chú trọng, phát huy vai trò của những tổ chức có đủ năng lực, cơ sở vật chất, đội ngũ tuyên truyền viên có nhiều kinh nghiệm, cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư thực sự là cầu nối, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần với quần chúng nhân dân.
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Tiếp tục cải cách các quy trình nghiệp vụ theo hướng tối ưu hóa và đặc biệt là thay đổi tinh thần, thái độ phục vụ người dân, người lao động, đơn vị, doanh nghiệp hướng tới sự hài lòng của người dân.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hoá các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng BHXH nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động trong việc tiếp cận dịch vụ BHXH, đặc biệt đối với việc tham gia BHXH tự nguyện thông qua việc đa dạng các dịch vụ đóng, hưởng thông qua hệ thống dịch vụ viễn thông, dịch vụ ngân hàng...
Thứ năm, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH trong việc rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm có nhu cầu và có khả năng như chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt; tăng tính hấp dẫn, linh hoạt của chế độ BHXH tự nguyện, tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH, tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, sửa đổi chính sách để người lao động chọn phương án bảo lưu thời gian tham gia, thay vì nhận BHXH một lần. Theo đó, đề nghị Chính phủ sớm ban hành và triển khai thí điểm thực hiện chính sách về gói BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia.
Năm 2020 được coi là năm bản lề để BHXH tự nguyện tăng tốc, hướng đến mục tiêu BHXH toàn dân, đây là một trong những mục tiêu quan trọng vì lợi ích to lớn đối với người dân mà Cải cách BHXH hướng đến, đang đặt ra cho Ngành BHXH nhiều thách thức lớn, cần có sự vào cuộc và quyết tâm hơn nữa của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự ủng hộ từ phía người dân, doanh nghiệp./.
Lê Xuân Khánh
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số