Cần quan tâm hơn quyền lợi người tham gia

31/08/2020 10:39 AM


BHXH tự nguyện là một trong những chính sách an sinh xã hội đối với người lao động tự do có thu nhập thấp và không ổn định để được hưởng lương hưu nhằm giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, loại hình BHXH này vẫn chưa thực sự thu hút người dân. Ông Trần Thiện Tuấn, Giám đốc BHXH huyện Krông Búk chia sẻ, hiện nay việc vận động người dân tham gia gặp không ít khó khăn, thách thức do chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn với người lao động tự do. Ngoài lý do đối tượng này có mức thu nhập thấp, bấp bênh thì sự khác biệt trong mức hưởng cũng là nguyên nhân khiến họ không mặn mà tham gia, nhất là các lao động nữ. Cụ thể, trong khi BHXH bắt buộc có 5 chế độ (hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp) thì BHXH tự nguyện chỉ thực hiện 2 chế độ (hưu trí và tử tuất). Cùng với đó, để được hưởng lương hưu, ngoài điều kiện về tuổi đời, người tham gia cần có tối thiểu 20 năm đóng BHXH. Một nguyên nhân nữa là mức hỗ trợ đối với người lao động không phải hộ nghèo và cận nghèo chỉ 10% là chưa đủ hấp dẫn người dân tham gia…

 
Nhân viên Bưu điện tỉnh ra quân tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHXH và BHYT năm 2020.

Chính những "rào cản" này đã khiến nhiều người e ngại và không muốn tham gia BHXH tự nguyện. Không những thế, thực tế có một số lao động làm việc ở các đơn vị, doanh nghiệp có đóng BHXH, sau khi nghỉ việc đã quyết định nhận chế độ một lần mà không tiếp tục đóng. Do đó, điều quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay nữa là giữ chân người đang tham gia BHXH tiếp tục ở lại, thay vì để họ nhận BHXH một lần với nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, cũng như phải dừng đóng BHXH với nhóm tham gia BHXH tự nguyện. Đơn cử như trường hợp chị N.T.L (TP. Buôn Ma Thuột) đã gần 10 năm dạy học và tham gia BHXH 

Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh, năm 2019 toàn tỉnh có 6.979 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 3.347 người so với năm 2018 và bằng số người tham gia trong 10 năm qua (2008 - 2018); đến cuối tháng 6-2020 đã có 8.749 người tham gia.

Trước thực trạng trên, để tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện, thời gian tới, Nhà nước cần có một số định hướng và giải pháp phù hợp, có thể thiết kế các “gói” quyền lợi linh hoạt. Theo ông Kiều Thanh Tuấn, Giám đốc BHXH huyện Krông Năng, trước hết là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật, cụ thể thực hiện lộ trình để giảm dần điều kiện thời gian đóng góp hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới còn 10 năm để mở rộng cơ hội tiếp cận lương hưu cho nhiều người. Đặc biệt, cần nghiên cứu bổ sung các chế độ như thai sản và ốm đau vào chính sách này để tăng tính hấp dẫn, thu hút, phát triển đối tượng là lao động nữ.
 
Cùng với đó, nâng mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện phù hợp khả năng của ngân sách nhà nước; thực hiện thí điểm gói BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt chính sách hưởng, đáp ứng nhu cầu của người dân… Đồng thời, ngành BHXH chủ động phối hợp với các tổ chức, đơn vị, địa phương tăng cường công tác truyền thông, vận động, phổ biến sâu rộng chính sách BHXH tự nguyện để nhiều người dân hiểu và đăng ký tham gia./.

Báo Đắk Lắk