Chi phí KCB BHYT ngày càng tăng

02/10/2020 09:33 AM


Khẳng định của các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại buổi thảo luận về việc quản lý và sử dụng quỹ BHYT năm 2019.

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 18, các Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã đánh giá cao công tác thực hiện chính sách BHYT trong thời gian qua; đồng thời đề xuất giải pháp quản lý và sử dụng an toàn, hiệu quả quỹ BHYT trong thời gian tới. Theo đó, hiện nay, cơ hội tiếp cận với dịch vụ KCB BHYT ngày càng mở rộng, số lượt KCB BHYT được quỹ BHYT thanh toán cũng tăng mạnh. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 89,3% dân số (với 85,95 triệu người); đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình đạt 17,5 triệu người, tăng 1,7 triệu so với năm 2018. Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho DVYT, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế trong xã hội. Nhiều trường hợp đã được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB BHYT trong năm lên đến hàng tỷ đồng...
 

Tuy nhiên, do mức đóng BHYT còn thấp, phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT hiện nay chủ yếu theo phí dịch vụ, cùng với sự chuyển đổi sang cơ chế tài chính tự chủ của các BV công lập, giá DVYT liên tục điều chỉnh tăng, thiếu các công cụ và chế tài kiểm soát tình trạng lạm dụng... dẫn đến chi phí KCB BHYT ngày càng gia tăng, khiến việc bảo đảm cân đối quỹ BHYT trở nên khó khăn. Với mức đóng BHYT thấp bằng 4,5% tiền lương cơ sở, một số ý kiến đề nghị cần tăng mức đóng để góp phần cân đối quỹ BHYT.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí- Đoàn Hà Nội cho rằng, mức đóng BHYT bằng 4,5% tiền lương là thấp, vì vậy, Bộ Y tế cần có lộ tình hợp lý để tăng lên 5%; đồng thời cần tăng quỹ BHYT cho người nghèo. Ngoài ra, khi thực hiện KCB thông tuyến, các cơ sở y tế cần liên thông trong việc công bố kết quả xét nghiệm, KCB để giảm chi phí tiền bạc và thời gian cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, cần có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc quản lý các BV đặt máy, sử dụng hóa chất hiệu quả, tránh trục lợi và thổi phồng giá. Để thực hiện BHYT hiệu quả, cần tạo điều kiện KCB từ xa và đề cao tinh thần trách nhiệm cho các BV được giao dự toán kinh phí.
Để góp phần tháo gỡ vướng mắc trong bối cảnh hầu hết các tỉnh bị bội chi quỹ KCB BHYT, ông Nguyễn Quang Thuấn- Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị phải tiếp tục đảm bảo nguồn kinh phí KCB BHYT được sử dụng công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, cần lường trước khi KCB thông tuyến tỉnh, có giải pháp để tránh bội chi quỹ BHYT; xây dựng giá DVYT đảm bảo việc tính đúng, tính đủ, tìm ra phương thức xây dựng quỹ mới, sau đó tính đến giảm chi; có quy định chặt chẽ về liên doanh liên kết trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, quan tâm công tác tuyên truyền, vận động để người dân tham gia BHYT; sớm có hướng dẫn chi dịch vụ KCB từ xa và KCB tại nhà, nhất là trong thời gian diễn ra dịch Covid-19.
Kết luận về nội dung này, bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội đánh giá cao những ý kiến góp ý, nhất là về việc tăng cường giám sát và xử lý tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT. Đồng thời, bà Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị các cơ quan của Chính phủ cần tiếp thu, xem xét để hoàn thiện báo cáo về quản lý, sử dụng quỹ BHYT năm 2019. Đặc biệt, Bộ Y tế và các đơn vị hữu quan cần tiếp tục quan tâm đến công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT; cơ quan của Chính phủ cần sớm trình đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHYT đảm bảo đồng bộ với Luật KCB.

 

Tạp chí Bảo hiểm xã hội Việt Nam