Gỡ vướng trong xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT

26/11/2020 10:16 PM


Sáng 26/11, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác tham gia tố tụng hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đại diện Bộ Công an, TAND Tối cao; lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.

Đã kiến nghị khởi tố hơn 300 vụ

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh, chính sách BHXH nói riêng và chính sách an sinh xã hội nói chung có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định chính trị-xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Do đó, những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT cần được xử lý nghiêm.

Theo Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh, trong thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành BHXH Việt Nam đã có những bước tiến lớn. Công tác phát triển đối tượng dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng vẫn tạo dấu ấn lớn, nhất là BHXH tự nguyện với dự kiến khoảng 1 triệu người tham gia tính đến hết năm 2020- tức cao hơn năm 2019 khoảng 300-500 ngàn người. Bên cạnh đó, công tác chi trả các chế độ ngày càng được thực hiện tốt hơn, đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người dân và NLĐ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành BHXH Việt Nam vẫn gặp một số khó khăn, đặc biệt là tình trạng trục lợi quỹ, trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp kéo dài và ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. Trong bối cảnh đó, BHXH Việt Nam đã thực hiện rất nhiều giải pháp, bao gồm việc phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để xử lý tình trạng này.

“Với chức năng được giao, trong gần 2 năm thực hiện Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự và Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, ngành BHXH Việt Nam đã tích cực tham gia kiến nghị khởi tố các đơn vị vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, nhưng vẫn có rất ít đơn vị bị xử lý”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh thông tin.

Trong bối cảnh trên, theo Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn này với 3 mục tiêu chính, gồm: Xác định rõ và đúng các hành vi vi phạm; lắng nghe khó khăn của các địa phương để cùng nhau tháo gỡ; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến việc xử lý tố tụng hình sự đối với các hành vi vi phạm. Vì vậy, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh đề nghị các đơn vị và địa phương tham gia buổi tập huấn nghiêm túc thảo luận, nghiên cứu để có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý vi phạm tại địa phương mình…

Thông tin tại Hội nghị, đại diện Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam) cho biết, sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, BHXH nhiều địa phương đã tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo tăng cường thực hiện công tác thu, phát triển đối tượng và giảm nợ đọng BHXH, BHYT. Từ tháng 9/2019, khi Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực thi hành, BHXH các tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện, đặc biệt sau khi có hướng dẫn của BHXH Việt Nam về lập hồ sơ kiến nghị khởi tố.

Tính đến 30/9/2020, cơ quan BHXH đã kiến nghị khởi tố hơn 300 vụ, trong đó đã có 4 vụ được khởi tố theo Điều 214. Như vậy, có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, ngoài 4 vụ việc đã có quyết định khởi tố theo Điều 214 về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp, thì hiện chưa có vụ việc nào bị khởi tố theo Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Nhiều khó khăn trong quá trình gửi hồ sơ

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện TAND Tối cao giới thiệu về các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan các tội danh trong lĩnh vực BHXH: Tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp (Điều 214); tội gian lận BHYT (Điều 215); tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ (Điều 216) cũng như hướng dẫn áp dụng các điều luật này trong Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Đồng thời, nghe đại diện Bộ Công an trao đổi kinh nghiệm về thu thập tài liệu, chứng cứ trong việc thụ lý hồ sơ kiến nghị khởi tố theo các tội danh quy định tại các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự.

Trao đổi, giải đáp khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện tại các địa phương cho thấy, hầu hết đều vướng mắc trong việc xác định hành vi vi phạm, thu thập tài liệu… Vấn đề này, đại diện Vụ Pháp chế cũng nêu rõ, trong quá trình thực hiện lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố, BHXH các địa phương còn gặp một số vướng mắc, trong đó có vấn đề thuộc trách nhiệm hướng dẫn của BHXH Việt Nam và có những vấn đề cần có sự phối hợp giải đáp, trao đổi của các cơ quan có thẩm quyền.

Theo đó, 4 vấn đề lớn được các địa phương phản ánh bao gồm: Cơ quan Công an xác định hành vi chậm đóng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm do không có yếu tố gian dối hoặc thủ đoạn khác; về dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm”; về số tiền tính lãi thời gian chậm đóng có được tính làm căn cứ kiến nghị khởi tố hay không; đối với hành vi chậm đóng mà đơn vị SDLĐ đã kê khai đầy đủ số người, số tiền phải đóng nhưng không đóng (lý do phía đơn vị đưa ra là do khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không có thủ đoạn gian dối), cơ quan điều tra có ý kiến “đơn vị nợ do khó khăn, đề nghị khởi kiện vụ án dân sự theo quy định pháp luật”.

Chia sẻ về khó khăn tại địa phương, đại diện BHXH TP.HCM cho biết, do đây là quy định mới, nên một số ý trong quy định vẫn còn khó thống nhất trong cách hiểu. Bên cạnh đó, việc địa điểm tiếp nhận hồ sơ phía Công an yêu cầu lại là quận, huyện- điều này chưa có sự thống nhất. Ngoài ra, cơ quan Công an cũng yêu cầu BHXH cung cấp số liệu hồ sơ như HĐLĐ, bảng lương… “Những yêu cầu này, phía cơ quan BHXH rất khó có thể cung cấp được”- đại diện BHXH TP.HCM nhấn mạnh.

Xác định rõ và hiểu đúng hành vi vi phạm

Theo đại diện Bộ Công an, các hành vi vi phạm trong Điều 216 hiện đang bị nhầm lẫn hoặc khó xác định, do có tính chất cố ý và vô ý. Do đó, để thực hiện hiệu quả công tác tố tụng ban đầu, phía cơ quan BHXH cần nắm rõ thông tin, trao đổi với phía cơ quan Công an và chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình DN, từ đó có quyết định đúng khi chuyển hồ sơ sang Công an.

“Hiện nay, các DN nợ đọng rất nhiều, nếu cơ quan BHXH chuyển hết sang phía Công an, thì chúng tôi sẽ bị áp lực do nhân sự còn mỏng. Vì vậy, giải pháp ban đầu là trao đổi thông tin, phân loại từng đơn vị nợ đọng để có hình thức răn đe. Nếu đơn vị nào cố tình vi phạm sẽ chuyển hồ sơ để khởi tố”- đại diện Bộ Công an chia sẻ.

Đề cập tới trách nhiệm của từng cơ quan, đại diện TAND Tối cao khẳng định, hành vi trốn đóng BHXH là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ cũng như sự phát triển kinh tế đất nước. Chính vì vậy, các trường hợp này cần xử lý nghiêm để có thể răn đe, nhưng để xử lý được một cách đúng tội thì cần sự phối hợp chặt chẽ của các bên, đặc biệt là cần xác định rõ trách nhiệm của từng bên trong quá trình tham gia tố tụng…

Kết luận Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho rằng, dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng thông qua hội nghị lần này, các địa phương đã được tháo gỡ phần nào, nhất là việc xác định rõ và hiểu đúng về các hành vi vi phạm của DN. Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh mong muốn, thời gian tới, ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục được sự hỗ trợ của phía Bộ Công an và TAND Tối cao trong việc gỡ vướng quá trình xử lý DN vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.

Nhấn mạnh mục tiêu lớn nhất trong việc kiến nghị khởi tố các đơn vị vi phạm là đòi lại quyền lợi chính đáng cho người tham BHXH, BHYT, Phó Tổng Giám đốc yêu cầu các địa phương trước khi gửi hồ sơ sang phía cơ quan Công an cần trao đổi, nắm bắt thông tin để việc xử lý dễ dàng nhất. “Đối với một số trường hợp cố tình vi phạm, cần bổ sung hồ sơ chuyển sang cơ quan Công an để xử lý một cách nghiêm khắc theo quy định của pháp luật, qua đó làm gương cho những DN có dấu hiệu vi phạm”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nói.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội