Quy định mới về chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ
18/12/2020 08:01 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/2/2021.
Theo đó, khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành. Đồng thời, khuyến khích người SDLĐ tạo điều kiện cho lao động nữ mang thai được nghỉ đi khám thai nhiều hơn quy định tại Điều 32 Luật BHXH.
Về việc nghỉ trong thời gian hành kinh của lao động nữ, Nghị định quy định rõ, lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo HĐLĐ. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 3 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do NLĐ thông báo với người SDLĐ.
Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định, thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người SDLĐ đồng ý để NLĐ làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng, NLĐ được trả thêm tiền lương theo công việc mà mình đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của NLĐ.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về việc nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Theo đó, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo HĐLĐ.
Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định, thì thỏa thuận với người SDLĐ để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người SDLĐ đồng ý để làm việc, thì ngoài tiền lương được hưởng cho thời gian nghỉ theo quy định, NLĐ được trả thêm tiền lương theo công việc mà mình đã làm trong thời gian được nghỉ.
Khuyến khích người SDLĐ lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người SDLĐ. Trường hợp người SDLĐ sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.
Khuyến khích người SDLĐ tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ để vắt, trữ sữa mẹ do NLĐ thỏa thuận với người SDLĐ.
Tạp chí Bảo hiểm xã hội
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số