Đắk Lắk: Nợ BHXH, BHYT và Bảo hiểm thất nghiệp hơn 212 tỷ đồng

26/12/2020 10:45 PM


Ngày 25-12, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đắk Lắk cho biết, tính đến ngày 30-11, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn còn nợ BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 212,4 tỷ đồng, trong đó số tiền nợ phải tính lãi là 84,9 tỷ đồng.

Do giá giá cà-phê, tiêu, sao su giảm ở mức thấp kéo dài trong nhiều năm khiến nhiều Công ty cà-phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sản xuất, kinh doanh thua lỗ không có tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

Qua thống kê cho thấy, một số doanh nghiệp phá sản giải thể, một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, khó khăn dẫn đến số nợ BHXH lớn như: Công ty TNHH MTV cà phê Ea Tul nợ đến 15,4 tỷ đồng; Công ty cổ phần đường bộ Đắk Lắk nợ 4,44 tỷ; Công ty TNHH MTV cà phê 715A nợ gần năm tỷ; Công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông sản 722 nợ gần 1,2 tỷ; Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng xông trình 1 nợ gần 3,3 tỷ đồng; Công ty cổ phần xây dựng và xuất nhập khẩu Quyết Thắng nợ 1,76 tỷ đồng…

Cũng qua kiểm tra của BHXH tỉnh Đắk Lắk cho thấy, có những trường hợp doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng khi đến kiểm tra thì không có trụ sở giao dịch hoặc thành lập rồi nhưng không hoạt động, hoạt động trong một thời gian ngắn rồi giải thể. Thậm chí một số doanh nghiệp đăng ký tham gia BHXH để được đấu thầu công việc, sau đó ngừng tham gia, ngừng giao dịch trong thời gian dài... Điều này gây rất nhiều  khó khăn trong việc xử lý đối với các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn.

Theo BHXH tỉnh Đắk Lắk, nguyên nhân khiến các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN nhiều là trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động, người lao động không có việc làm phải nghỉ việc; công tác thanh tra, kiểm tra hạn chế do thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN giảm; số nợ BHXH, BHYT, BHTN tăng.

Bên cạnh đó, giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như cà-phê, tiêu, cao su biến động thất thường, ở mức thấp nhiều năm liền khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, sản xuất kinh, doanh đình trệ, thua lỗ kéo dài, phải ngừng hoạt động.  

Ngoài ra, hiện nay mặc dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động mạnh đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng…, dẫn đến không có khả năng đóng BHXH, BHYT cho người lao động.

Nhằm tăng cường công tác thu hồi nợ, trong thời gian tới BHXH tỉnh Đắk Lắk sẽ tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất các doanh nghiệp có hành vi trốn đóng, nợ BHXH, BHYT, BHTN lớn, thời gian kéo dài; đặc biệt kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ sang cơ quan công an đề nghị điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự...

Báo Nhân dân điện tử