Bước tiến mới trong phục vụ người dân và doanh nghiệp

01/02/2021 07:49 AM


Cuối năm 2020, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã triển khai bổ sung chín dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4 dành cho tổ chức và cá nhân. Đây là một dấu mốc quan trọng đánh dấu ngành BHXH Việt Nam hoàn thành cung cấp 100% DVC mức độ 4 cho các thủ tục hành chính của mình, nâng cao chất lượng phục vụ.

Cán bộ bảo hiểm xã hội hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng VssID tại Bệnh viện tỉnh Kon Tum. Ảnh: TÂM TRUNG

Ngồi nhà xin cấp lại thẻ BHYT, đóng BHXH tự nguyện…

Năm 2020, BHXH Việt Nam đã hoàn thành cung cấp DVC mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính của ngành, việc này đã giúp cho tổ chức, cá nhân có thể thực hiện thao tác trực tiếp trên Cổng Giao dịch điện tử của ngành BHXH Việt Nam, tại địa chỉ: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn hoặc thông qua 11 tổ chức I-VAN (nhà cung cấp dịch vụ kê khai giao dịch điện tử trong lĩnh vụ BHXH). Theo thống kê toàn ngành, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết gần 85 triệu hồ sơ giao dịch điện tử với gần sáu triệu giao dịch, chưa kể 170 triệu hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) liên thông trên hệ thống Giám định bảo hiểm y tế (BHYT). Ðến hết năm 2020, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết gần 10.000 giao dịch trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia, trong đó: Tiếp nhận và giải quyết cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất cho 2.614 trường hợp; 6.411 giao dịch thanh toán trực tuyến thành công (thanh toán gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình cho 4.389 trường hợp; đóng tiếp BHXH tự nguyện cho 2.022 trường hợp; đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp là 144 trường hợp); tiếp nhận, xử lý 916 hồ sơ đề nghị hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Bác Nguyễn Thị Liên, 52 tuổi, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), kinh doanh tạp hóa tại nhà chia sẻ: Nhiều năm nay, gia đình được cán bộ đến tận nhà vận động tham gia BHYT hộ gia đình, nhờ vậy việc KCB của hai vợ chồng rất thuận tiện. Bác cũng đắn đo chưa tham gia BHXH tự nguyện do ngại phải đi đóng tiền. Ngay khi biết có dịch vụ thanh toán trực tuyến đóng BHXH tự nguyện, rồi thanh toán trực tuyến, gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình…, hai vợ chồng bác quyết định tham gia.

Ðặc biệt, tháng 11-2020, ứng dụng BHXH số - VssID trên nền tảng thiết bị di động chính thức được triển khai, với mục tiêu công khai, minh bạch quá trình tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; các chế độ BHXH đã được hưởng; sổ theo dõi quá trình KCB và rất nhiều tiện ích khác, đã thiết lập được kênh giao tiếp, tiếp cận thông tin, thực hiện DVC cho cá nhân một cách tiện lợi, dễ dàng nhất cho người dân. Ðồng thời, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã triển khai thí điểm sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID đi KCB BHYT cho 10 tỉnh miền trung trong đợt lũ lụt vừa qua. Là người trực tiếp trải nghiệm VssID khi đi khám bệnh, chỉ cần nhân viên y tế quét mã QRcode, thông tin cá nhân, thậm chí cả quá trình KCB hiện lên đầy đủ, anh Hoàng Minh Giang, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho rằng, đây là ứng dụng rất hữu ích đối với người dân khi đi KCB BHYT, nhất là nhiều người dân miền trung do bị ảnh hưởng của bão lũ vừa qua, thẻ BHYT bị mất hoặc hỏng.

Cung cấp tối đa dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp

Hướng tới phương châm "Cần nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ cái nhỏ nhất, hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy", Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) của BHXH Việt Nam Nguyễn Hoàng Phương cho biết, ngành BHXH Việt Nam phấn đấu hoàn thành các mục tiêu về CNTT, trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, cung cấp tối đa các DVC trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao mức độ trải nghiệm cho người dùng khi người dân thực hiện các DVC trên Cổng thông tin điện tử của ngành; cung cấp tất cả các DVC trên ứng dụng VssID; tích hợp thanh toán điện tử trên ứng dụng VssID. Ðến nay, BHXH các địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai ứng dụng VssID, giới thiệu, hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký và cài đặt. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tích hợp, cung cấp các dịch vụ thanh toán trực tuyến dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID, để bảo đảm người dân có thể giao dịch với cơ quan BHXH tại bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào.

Ðồng thời, ngành BHXH Việt Nam sẽ khai thác tối đa việc chia sẻ, liên thông dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, trong đó đặc biệt khai thác liên thông cơ sở dữ liệu về dân cư và thẻ căn cước công dân gắn chip để tiết giảm thủ tục hành chính khi có nhu cầu định danh công dân. Cung cấp chính thức hệ thống tổng đài tự động (ChatBot) hoàn thiện hệ sinh thái 4.0 của ngành BHXH
Việt Nam.

Báo Nhân dân