Nhiệm vụ từ trái tim

12/02/2021 11:55 PM


Năm 2020 là quãng thời gian “bất thường” với cả thế giới cũng như Việt Nam, khi đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ và dai dẳng như đại dịch COVID-19. Hay như hạn hán khắc nghiệt ở cả 3 miền Bắc- Trung- Nam; hạn mặn ở ĐBSCL; rồi bão chồng bão, lũ chồng lũ ở các tỉnh miền Trung trong tháng 10 và 11…

Nhiệm vụ của trái tim

Điều dễ thấy trong năm 2020, đó là Việt Nam không chỉ thành công trong phòng chống dịch, duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, mà còn chia sẻ, hỗ trợ bạn bè quốc tế bằng những chuyến hàng khẩu trang kháng khuẩn, trang thiết bị y tế, những khoản tiền mặt dù chưa lớn nhưng thể hiện rõ đạo lý “thương người như thể thương thân” của người Việt… Hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an không quản ngại hiểm nguy, gian khó ngày đêm vật lộn với bão lũ để hỗ trợ đồng bào, cứu hộ người dân bị nạn. Nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ, trong đó có những sĩ quan cao cấp đã hy sinh quên mình; nhiều tổ chức, cá nhân đã có những nghĩa cử cao đẹp hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân vùng bị ngập lụt…

Thời gian qua, BHXH Việt Nam nỗ lực chung tay trong công tác xóa đói, giảm nghèo, góp phần lan tỏa chính sách BHXH, BHYT để mọi người dân, nhất là người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được hưởng các chế độ, chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tích cực tham gia các chương trình, kế hoạch giảm nghèo bằng các hoạt động, đóng góp theo khả năng của đơn vị để ủng hộ, hỗ trợ mua tặng thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, HSSV, người thuộc diện chính sách xã hội… Sự chung tay của toàn ngành BHXH Việt Nam trong hoạt động này không chỉ góp phần mở rộng diện bao phủ BHYT, mà còn giúp những người có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tham gia BHYT, được bảo vệ bởi quỹ BHYT mỗi khi ốm đau, bệnh tật, để sớm trở lại cuộc sống lao động, học tập, tiếp tục nỗ lực thoát nghèo…

Những hình ảnh đó cho thấy một Việt Nam không chỉ kiên cường trong chiến tranh mà còn kiên cường trong cả thời kỳ phát triển đất nước: Kiên cường trong chống dịch, chống thiên tai, chống tham nhũng; kiên cường trong tăng trưởng kinh tế, giữ ổn định vĩ mô, đảm bảo cuộc sống yên bình cho người dân; kiên cường tạo ra nền tảng vững chắc cho hành trình “thịnh vượng và phát triển”. Việt Nam cũng là nơi trở về an toàn cho nhiều công dân giữa bối cảnh hầu hết cường quốc trên thế giới lâm vào khủng hoảng y tế. Nhiều chuyến bay “giải cứu” người Việt từ nước ngoài về được thực hiện, thể hiện truyền thống cao đẹp “không ai bị bỏ lại phía sau” của dân tộc Việt Nam.

Phải khẳng định rằng, một trong những quan điểm hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2020 là kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và DN. Đây cũng là quan điểm xuyên suốt của người đứng đầu Chính phủ. Bắt đầu nhiệm kỳ từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, có rất nhiều việc Chính phủ phải làm trong nhiệm kỳ mới, nhưng trước tiên là cải thiện cho được đời sống của nhân dân. Và sau hơn 4 năm, tại Hội nghị toàn quốc về công tác giảm nghèo, Thủ tướng một lần nữa khẳng định “Trong tất cả những trách nhiệm của chúng ta đối với nhân dân, giảm nghèo là nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội bậc nhất và mang đậm tình người nhất”.

Đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xoá đói giảm nghèo, là câu chuyện thành công truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với ổn định xã hội, môi trường, trong đó luôn chú trọng giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Đơn cử, đã đưa tỷ lệ nghèo từ 9,88% năm 2015 xuống còn 3,75% vào cuối năm 2019 và dưới 3% năm 2020- giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích sớm so với Mục tiêu Thiên niên kỷ mà Liên Hợp quốc đề ra.

Đã từng có ý kiến rằng, Việt Nam chưa giàu ngay, giàu nhanh, nhưng cảm nhận về hạnh phúc thì có thể đến ngay, đến nhanh khi người dân mỗi sáng mai thức dậy đều có thể mỉm cười thấy “không ai bị bỏ lại phía sau”. Bởi vậy, liên tục trong những năm qua, dù ngân sách còn eo hẹp, Chính phủ vẫn dành một nguồn lực đáng kể cho thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước; dành hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện; hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng; 21% NSNN dành cho phúc lợi xã hội- là mức cao nhất trong số các nước ASEAN…

Nhiều kết quả ấn tượng

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền, trong năm 2020, Chính phủ đã ghi được rất nhiều điểm tốt trong lòng người dân, đó là sự nỗ lực, quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành hoạt động; là sự đồng hành, chia sẻ, cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai… Chính nhờ sự quan tâm đó, chúng ta mới đạt được những thành quả trong phòng chống dịch. Cùng với đó, chính sách BHYT đóng vai trò rất lớn trong mạng lưới an sinh xã hội; giúp nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không may mắc bệnh hiểm nghèo hoặc kiến tạo một môi trường mà ở đó mọi người dân đều có cơ hội tham gia đóng góp vào sự phát triển. Việt Nam cũng chú trọng phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện để tiến tới bao phủ toàn dân, phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng hiện đại và hội nhập quốc tế…

Việt Nam chú trọng phát triển hệ thống BHXH đa dạng, linh hoạt để thu hút nhiều người dân tham gia

Đối với một quốc gia từng chịu hậu quả nặng nề do chiến tranh và chịu tổn thương lớn nhất do biến đổi khí hậu và thiên tai bão lũ, công cuộc xóa đói giảm nghèo luôn là một thách thức lớn. Do kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, đòi hỏi trong thời gian tới cần đến cả trí tuệ và bầu nhiệt huyết của mỗi người để bảo đảm mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”. Theo đó, tất cả các địa phương cần phải tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo trong xây dựng, thực thi chương trình giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tạo mọi điều kiện để các mô hình, cơ chế giảm nghèo từ cộng đồng có thể triển khai thuận lợi và thành công ở địa phương mình.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra cuối năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Đảng và Nhà nước sẽ đầu tư để có được một hệ thống chăm sóc sức khỏe có chất lượng, dễ dàng tiếp cận và chi phí phù hợp cho mọi người dân, nhất là đối với người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Chúng ta phải tiếp tục mở rộng độ bao phủ của BHYT lên 100% trong thời gian sớm nhất, đồng thời phải sớm thực hiện thông tuyến, mở rộng phạm vi thanh toán BHYT, nhất là đối tượng trẻ em, người già, người có hoàn cảnh khó khăn; hướng tới trẻ em dưới 16 tuổi cần được Nhà nước chi trả BHYT hoàn toàn”.

Bài toán mà Thủ tướng đề ra đòi hỏi các cấp, các ngành phải vào cuộc quyết liệt, đặc biệt cần phải có những trái tim “nóng” đầy nhiệt huyết của từng cán bộ, đảng viên cũng như mỗi người dân, để tiếp tục làm nên kỳ tích mới cho đất nước.

Theo Báo cáo phát triển con người (HDI) toàn cầu năm 2020 được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc công bố, năm 2019, HDI của Việt Nam là 0,704. Với kết quả này, Việt Nam xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 1 bậc so với năm 2018, thuộc nhóm các nước có Chỉ số HDI ở mức cao. Trong các chỉ số được đo lường, đáng chú ý, chỉ số bất bình đẳng về thu nhập của Việt Nam là 19,1% và hệ số Gini là 35,7 thuộc nhóm thấp nhất trong số các quốc gia được so sánh năm 2019. Đây là thành tựu không phải quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nào cũng đạt được.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội