An ninh con người: Tư duy mới về an sinh xã hội
01/03/2021 11:09 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong xã hội hiện đại, an ninh con người được coi là thành tố quan trọng góp phần đảm bảo ổn định chính trị- xã hội của mỗi quốc gia. Tại Đại hội XIII của Đảng, vấn đề an ninh con người đặc biệt được nhấn mạnh, coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện nhằm thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.
Từ khi thành lập nước năm 1945 đến nay, dù trong bất kể hoàn cảnh nào, cuộc sống người dân cũng luôn được Đảng và Nhà nước ta chú trọng quan tâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “nếu nước độc lập mà dân ta vẫn đói, vẫn rét, không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” và: “Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân”.
Từ năm 1995- thời điểm thành lập BHXH Việt Nam- trở lại đây, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục nâng tầm công tác chăm lo cho nhân dân, như đã đề ra và thực hiện ngày càng hiệu quả chính sách BHXH, BHYT. Những chính sách này ngày càng hoàn thiện, đảm bảo phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Những năm gần đây, chính sách BHXH, BHYT ngày càng mở rộng độ bao phủ, giúp nhiều người dân được tiếp cận với chính sách đầy tính nhân văn của Đảng và Nhà nước.
Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã khẳng định: “Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Giảm nghèo nhanh, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội từng bước được nâng cao”. Có thể nói, Việt Nam đã thiết lập được mô hình an sinh xã hội tương đối đầy đủ, toàn diện với 4 trụ cột chính là: Hỗ trợ việc làm và giảm nghèo; BHXH; trợ giúp xã hội; dịch vụ xã hội cơ bản. Chính sách BHXH, BHYT ngày càng mở rộng diện bao phủ, đáp ứng xu thế phát triển của xã hội cũng như nhu cầu ngày càng cao của người dân, NLĐ.
Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục đề ra đường lối phát triển đất nước từ nay đến năm 2045, với “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, nước ta trở thành “nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trở thành “nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành “nước phát triển, thu nhập cao”.
Đại hội XIII đã khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện mục tiêu tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân. Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh, song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân; từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh, nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội đề ra.
Theo đó, Việt Nam được thế giới ghi nhận, coi là điểm sáng trong việc thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch thành công; vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân. Việt Nam đã tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hoà giữa kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hoá, xã hội; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữa độc lập, tự chủ với hội nhập quốc tế; thực sự coi trọng, phát huy hiệu quả vai trò động lực của con người, văn hoá, của giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong phát triển đất nước...
Cũng theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, do tác động của đại dịch COVID-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt; đồng thời cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Do đó, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới trong giai đoạn tới, nhất là phải chú trọng quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân. Để làm được điều này, cần phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại; bảo đảm cung cấp, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là đối với người nghèo, người yếu thế trong xã hội.
Tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương tổ chức cuối tháng 12/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ, yếu tố “hạnh phúc của nhân dân” đã được nhấn mạnh trong các văn kiện của Đại hội XIII. Chủ trương này làm sâu sắc hơn giá trị lớn lao của 6 chữ “Độc lập- Tự do- Hạnh phúc”. Vì vậy, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, mang lại ấm no, hạnh phúc thực chất cho nhân dân mới là thành công thực tế của Đại hội Đảng.
Lịch sử đã cho thấy, trong suốt 5 năm của nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều hướng vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng luôn chủ động trong điều hành kinh tế- xã hội, nhằm chăm lo cuộc sống của người dân theo tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Đầu năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 01, trong đó nêu rõ: “Tuyệt đối không chủ quan, tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, biến thách thức thành cơ hội, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021, củng cố niềm tin của người dân, DN, tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ”.
Điều đó đã thêm một lần khẳng định, an ninh con người được xác định là yếu tố xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước suốt thời gian qua. An ninh con người- hiểu theo nghĩa của những người làm BHXH, đó chính là đảm bảo mọi người dân, NLĐ được tham gia và thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Mục tiêu này đã và đang dần được hiện thực hóa với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị- xã hội.
Tạp chí Bảo hiểm xã hội
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số