An sinh xã hội: Tiêu chí hạnh phúc của Việt Nam
04/03/2021 02:11 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Có người đặt câu hỏi “nước phát triển, thu nhập cao” có đồng nghĩa với hạnh phúc của cả dân tộc cũng như của mỗi người dân không? Bởi thực tế cho thấy, có không ít nước được xếp loại phồn vinh, thịnh vượng- có thể “cân, đong, đo, đếm” được, nhưng như thế nào là một đất nước hạnh phúc, thế nào là hạnh phúc của toàn dân và mỗi cá nhân thì vẫn còn là vấn đề tranh cãi.
Thực tế chỉ ra rằng, không phải nước nào phồn vinh thì tất cả mọi người đều cảm thấy hạnh phúc. Nhiều khi không phải cứ thu nhập cao, lắm tiền nhiều của là đã có cuộc sống hạnh phúc. Hạnh phúc nhiều khi phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, vào nền văn hóa, lối sống, thói quen và quan niệm của từng cá nhân về sự thỏa mãn khát vọng của cá nhân và sự cống hiến cho xã hội.
Lương hưu là điểm tựa an toàn cho nhiều người
Đơn cử, trải qua hơn một năm bị đại dịch COVID-19 hoành hành, nhiều nước thuộc hàng giàu có, thịnh vượng nhưng có cả hàng triệu người dân bị chết, bị lây nhiễm, người dân liên tục phải sống giãn cách trong một thời gian dài, kinh tế- xã hội bất ổn. Trong khi đó, Việt Nam cơ bản khống chế được đại dịch, trừ một vài điểm dịch ở một số địa phương; kinh tế vẫn tăng trưởng dương; người dân được sống trong bình yên, được đi lại, giao lưu… Xét về góc độ này, so với nhiều nước phát triển trên thế giới, đất nước Việt Nam yên ổn và hạnh phúc biết bao nhiêu, tuy chúng ta chưa phải là nước có thu nhập cao, thịnh vượng.
Cách đây 60 năm, vào dịp Tết Tân Sửu 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài thơ “Chúc Tết Tân Sửu 1961”, trong có những câu: “Mừng năm mới, mừng Xuân mới/ Mừng Việt Nam, mừng thế giới/ Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Cũng trong dịp này, nhà thơ Tố Hữu, từ “61, đỉnh cao muôn trượng” với tâm trạng vui mừng, sảng khoái đã viết “Bài ca mùa Xuân 1961”, trong đó có những câu: “Ôi tiếng hót vui thay con chim chiền chiện/ Trên đồng lúa chiêm Xuân chao mình bay liệng/ Xuân ơi Xuân, vui tới mênh mông/ Biển vui dâng sóng trắng đầu ghềnh/ Thơ đã hát mát trong lời chúc/ Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”.
Vào thời điểm mùa Xuân 1961, đối với đất nước, dân tộc và nhân dân ta hạnh phúc “thênh thang”, niềm vui “mênh mông”, bởi sau chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, miền Bắc nước ta hoàn toàn độc lập và đi lên CNXH- con đường bảo đảm hạnh phúc bền vững cho dân tộc, nhân dân ta. Khi đó, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, dù phải góp nhặt “mỗi hòn than, mẩu sắt, cân ngô” để xây dựng cơ đồ, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam, nhưng dân ta vẫn thấy hạnh phúc.
Tuy nhiên, điều kiện cần và đủ cho hạnh phúc của dân tộc ta, nhân dân ta là nước ta hoàn toàn được độc lập, thống nhất, dân ta hoàn toàn được tự do. “Độc lập- Tự do- Hạnh phúc” là những yếu tố cơ bản nhất, quan trọng nhất. Độc lập, tự do là tiền đề, là điều kiện của hạnh phúc, không thể tách rời mà gắn kết chặt chẽ hữu cơ với nhau. Để có được điều này, nhiều thế hệ người Việt đã phải vượt qua rất nhiều gian nan, thử thách, hy sinh thân mình vì hạnh phúc của nhân dân.
Toàn dân ta vô cùng hạnh phúc vì làm công dân một nước độc lập. Khi có độc lập, tự do rồi thì khát vọng cháy bỏng, ham muốn tột cùng- như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng chỉ khiêm tốn là “dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Sau 30 năm, kể từ khi giành được độc lập, hòa bình, tự do, hạnh phúc cho nhân dân miền Bắc, vào mùa Xuân 1975, cả dân tộc ta lại vỡ òa trong hạnh phúc khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, nước non liền một dải, cả nước đi lên CNXH. Lúc này, Đảng ta lại dồn sức lo cơm ăn, áo mặc, học hành, nhà ở, chăm sóc ý tế, đi lại... là những yếu tố cơ bản, thiết yếu nhất của đời sống con người, đồng thời cũng là những yếu tố đầu tiên của an sinh xã hội mà Đảng, Nhà nước phải bảo đảm cho người dân một nước độc lập.
Đến nay, sau 91 năm Đảng ta ra đời lãnh đạo đất nước và dân tộc, Đảng ta đã lãnh đạo đất nước và toàn dân đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội; đặc biệt đã đạt được thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước, để đất nước “chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội từng bước được nâng cao…”.
Có thể thấy, hệ thống an sinh xã hội nước ta được thể hiện ở một số yếu tố cốt yếu như: Thiết lập được mô hình an sinh xã hội tương đối đầy đủ và toàn diện với 4 trụ cột chính là hỗ trợ việc làm và giảm nghèo; BHXH; trợ giúp xã hội; dịch vụ xã hội cơ bản. Đất nước ta đã xác định tương đối rõ cơ cấu tổ chức, mục tiêu, nguyên tắc, các cơ chế huy động và sử dụng nguồn lực, cơ chế đóng góp và thụ hưởng an sinh xã hội. Mô hình an sinh xã hội của nước ta ngày càng được cải tiến, hoàn thiện, ngày càng mở rộng diện bao phủ, nâng cao khả năng hỗ trợ, mức hỗ trợ, bảo đảm tốt hơn các nhu cầu an sinh cơ bản của nhân dân. Mô hình an sinh xã hội của nước ta đã thể hiện được bản chất tốt đẹp của chế độ, đem lại những thành quả an sinh xã hội đáng khích lệ, được thế giới công nhận, như thành tích xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, y tế... Chính sách BHXH ngày càng mở rộng diện bao phủ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu an sinh của người dân, NLĐ. Các dịch vụ xã hội cơ bản được quan tâm và ngày càng được cải thiện. Việc phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế- xã hội; việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây hại đến văn hoá, lối sống con người được chú trọng…
Với những điều kiện kinh tế- xã hội, thành tựu, vị thế đất nước như trong thời gian qua, khát vọng một nước Việt Nam phồn thịnh, hạnh phúc đang dần thành hiện thực. Theo đó, việc thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” sẽ góp phần bảo đảm vững chắc cho những tiêu chí an sinh xã hội của tất cả mọi người dân. Đại hội XIII của Đảng là bước khởi đầu mới trong việc “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Do đó, hơn lúc nào hết, toàn hệ thống chính trị cần tập trung phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người. Từ đó, quyết tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Tạp chí Bảo hiểm xã hội
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số