Mục tiêu xuyên suốt là bảo đảm an sinh xã hội

15/03/2021 08:44 PM


Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2030, đó là “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội (ASXH). Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Như vậy, kể từ Đại hội IX của Đảng (năm 2001) đến nay, thuật ngữ ASXH đã luôn được Đảng ta đề cập tới trong các Nghị quyết Đại hội.

Tuy nhiên, không phải đến năm kỳ Đại hội gần đây, việc bảo đảm ASXH mới được quan tâm, mà trên thực tế, những chính sách nằm trong hệ thống chính sách ASXH đã được Đảng ta chú trọng ngay từ trước khi đất nước giành được độc lập. Những nội dung đó cũng cơ bản tương đồng với cách tiếp cận về quyền con người, được Liên hợp quốc đề cập trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (năm 1948). Theo đó, trong 10 chính sách Việt Minh, Đảng ta đã xác định: “Thi hành luật ngày làm tám giờ; đặt luật xã hội bảo hiểm; cứu tế nạn dân”. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (Hiến pháp 1946) đã nêu rõ: “Những người công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng”. Đến Hiến pháp 1959, việc bảo đảm ASXH cho người dân đã được quy định cụ thể hơn, với những nội dung bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi già yếu, bệnh tật, mất sức lao động. Việc cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong những năm sau đó đã từng bước bảo đảm an sinh cho người dân, góp phần làm nên những thắng lợi trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

Kể từ khi đất nước thực hiện đường lối đổi mới, trước những đòi hỏi mới từ thực tiễn, Đảng và Nhà nước ta cũng đã có những định hướng phù hợp về chính sách ASXH trong tổng thể hệ thống chính sách xã hội, hướng vào mục tiêu phát triển con người. Những quan điểm, định hướng, mục tiêu, giải pháp trong bảo đảm ASXH mà trụ cột là thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp đã thể hiện trong nhiều văn kiện của các kỳ Đại hội, các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương như Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1-6-2012 về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2020; Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 về cải cách chính sách BHXH… Đây chính là những định hướng, nền tảng quan trọng để hệ thống chính sách xã hội nói chung, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nói riêng như Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm… từng bước được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, thực hiện các chính sách này cũng được tăng cường, đẩy mạnh với sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đưa chính sách ngày càng lan tỏa, diện bao phủ ngày càng được mở rộng và phát huy tác động tích cực trong cuộc sống của mỗi người dân, người lao động... 

Kế thừa kết quả đã đạt được, những định hướng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các văn kiện trình Đại hội sẽ tiếp tục là “kim chỉ nam” để nâng cao hơn nữa mức độ hoàn thiện của chính sách và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp - những trụ cột ASXH của quốc gia - trong giai đoạn mới, góp phần vào sự tiến bộ và công bằng xã hội, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.