Phòng chống tham nhũng: Chúng ta phải kiên trì làm và làm triệt để

19/03/2021 04:28 PM


Sáng 18/3, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã tổ chức họp cho ý kiến chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 19 đến nay. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyên Phú Trọng- Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, từ sau Phiên họp thứ 19 (tháng 1/2021) của Ban Chỉ đạo đến nay, mặc dù trong bộn bề công việc, nhưng công tác phòng chống tham nhũng và hoạt động của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục được thúc đẩy và đã đạt được kết quả rất cụ thể. Qua đó, cho thấy quyết tâm và nỗ lực rất lớn, cũng như sự chỉ đạo kiên quyết, chặt chẽ, phương pháp làm việc khoa học.

Hoạt động của Ban Chỉ đạo đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của các tầng lớp nhân dân cả trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, sự phối hợp rất nhịp nhàng giữa các cơ quan. Đặc biệt, kết quả đạt được là do sự đoàn kết, thống nhất rất cao trong Đảng, trong dân và đặc biệt là trong Ban Chỉ đạo. “Trong cuộc họp có ý kiến khác nhau, tranh luận rất sôi nổi, nhưng đến khi đã có kết luận là vào cuộc làm quyết liệt...”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Ban Chỉ đạo đã quán triệt là phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, làm liên tục, bền bỉ, không ngừng, không nghỉ, không ngại ngần khó khăn; đặc biệt càng khó càng phải quyết tâm cao, phải phối hợp tốt hơn nữa. Cùng với đó, khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng tăng cường phối hợp để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ đã rõ. “Chúng ta phải kiên trì làm và làm triệt để, chứ không bỏ lửng, không phải làm tượng trưng là có xử, mà xử là phải triệt để và khâu thu hồi tài sản phải làm tốt hơn nữa”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Cụ thể, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, thời gian tới, Ban Chỉ đạo cần tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo theo đúng kế hoạch đề ra. Các cơ quan chức năng theo chức trách, nhiệm vụ của mình phải làm quyết liệt hơn nữa, dù không có trong kế hoạch nhưng nếu tự phát hiện ra vẫn phải làm. Cùng với đó, cần nghiên cứu, đề xuất, báo cáo với Bộ Chính trị cho phép bổ sung thêm chức năng phòng chống tiêu cực trong hoạt động của Ban Chỉ đạo để bảo đảm giữ gìn được phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ...

“Thời gian tới tiếp tục kiện toàn, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Phải kiện toàn Ban Chỉ đạo để hoàn thiện hơn, đúng với Điều lệ Đảng, đúng với pháp luật, đúng với quy định của Trung ương. Đây là cơ quan chỉ đạo, phối hợp hành động, phải bao gồm các thành phần, có đầy đủ vị thế, uy tín, năng lực, trình độ và bản lĩnh. Đồng thời, lựa chọn cán bộ vào Ban Chỉ đạo phải rất mẫu mực, gương mẫu thì mới làm được”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý.

Ngoài ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh cần có cơ chế thưởng, phạt đối với cơ quan, cá nhân làm tốt hoặc không làm tốt; đồng thời phải có sự phối hợp, phân công, kiểm tra và làm theo đúng chức trách, phận sự của mình. “Ban Chỉ đạo mạnh hơn, có sự phối hợp của nhiều cơ quan thì sẽ làm tốt hơn. Đây là cơ chế phối hợp, chỉ đạo tập thể, tạo sự thống nhất rất cao của cả hệ thống…”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.