“Bát nháo” hoạt động dạy nghề cho NLĐ thất nghiệp.
29/03/2021 07:03 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bài cuối Cần mạnh tay chấn chỉnh Liên quan đến vụ việc trục lợi chính sách BH thất nghiệp diễn ra tại Chi nhánh BH thất nghiệp quận 9, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã có kết luận thanh tra chỉ rõ một số sai phạm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí BHXH, không chỉ ở Chi nhánh BH thất nghiệp quận 9, mà trên địa bàn TP.HCM còn có rất nhiều bất thường trong công tác cấp phép, quản lý, tổ chức dạy nghề cho NLĐ hưởng BH thất nghiệp.
Nhiều bất thường
Ngay sau khi sự việc gian lận, trục lợi BH thất nghiệp tại Chi nhánh BH thất nghiệp quận 9 được phản ánh, ông Lê Minh Tấn- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đã có báo cáo gửi Bộ LĐ-TB&XH. Theo báo cáo, hiện Trung tâm DVVL TP.HCM đang phối hợp với 7 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: Trường Trung cấp Lê Thị Riêng, Công ty TNHH Anh Minh, Công ty TNHH Nguyên Khang, Công ty TNHH Quốc Khánh, Công ty TNHH SGB, Công ty TNHH Hoàng Nam để tổ chức học nghề cho NLĐ đang hưởng BH thất nghiệp.
Đây là địa chỉ trụ sở một đối tác của Trung tâm DVVL TP. HCM
Tuy nhiên, phóng viên Tạp chí BHXH đã xác minh và phát hiện hàng loạt bất thường. Đơn cử như có nơi không mở lớp dạy nghề (như Trường Trung cấp Lê Thị Riêng); có nơi trụ sở DN đăng ký lại là… phòng trọ hoặc như Công ty TNHH SXTMDV Anh Hào là đơn vị ký kết dạy nhiều nghề nhưng thực tế không dạy.
Cụ thể, theo danh sách trong báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, phóng viên đã đi xác minh trường hợp Công ty TNHH Anh Minh và được đại diện Sở KH-ĐT cho biết, công ty này có địa chỉ đăng ký tại số 200/10 Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 21, quận Bình Thạnh), do ông Nguyễn Anh Minh làm đại diện pháp luật. Tuy nhiên, công ty này đã bị khóa mã số thuế từ lâu- đồng nghĩa với việc không còn hoạt động hợp pháp. Thế nhưng, Sở LĐ-TB&XH vẫn báo cáo Trung tâm DVVL đang phối hợp đào tạo cùng DN này với Bộ LĐ-TB&XH. Tiếp tục tìm đến địa chỉ đăng ký kinh doanh do Sở KH-ĐT cung cấp, sau một hồi vòng vo vào một con hẻm nhỏ, phóng viên tiếp cận đúng số nhà 200/10, nhưng đây lại là một phòng trọ. Bà cụ chừng 75 tuổi cho biết, khu này chỉ toàn nhà trọ, chứ không có công ty nào ở đây.
Cả 2 cơ sở dạy nghề đều không có hoạt động nào
Tiếp tục xác minh tại một DN dạy nghề khác là Công ty TNHH Quốc Khánh. Theo thông tin từ Sở KH-ĐT, DN này đăng ký địa chỉ tại 166/13D Phạm Phú Thứ (phường 4, quận 6). Tuy nhiên, địa chỉ này cũng không có thật. Chúng tôi đi hỏi khắp khu vực, thậm chí hỏi cả đại diện tổ dân phố…, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. “Không có DN dạy nghề cho người thất nghiệp nào tồn tại ở đây cả”- một người dân trong hẻm cho biết.
Sau khi phát hiện các bất thường trên, phóng viên Tạp chí BHXH đã liên hệ với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đặt lịch làm việc để làm rõ vấn đề và được đại diện Văn phòng Sở hứa sẽ báo cáo ông Lê Minh Tấn. Tuy nhiên, sau đó chỉ có một người xưng làm tại Phòng Việc làm gọi điện cung cấp một số thông tin cho rằng, vụ việc đang được Thanh tra Sở tiến hành thanh tra, đã được báo cáo với Bộ, khi nào có kết quả sẽ thông báo sau. Vậy nhưng, đến nay đã gần nửa năm, Sở LĐ-TB&XH vẫn chưa có bất cứ phản hồi nào cho phóng viên (!?)
Kiểm soát từ Sở LĐ-TB&XH
Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên số NLĐ mất việc làm tăng rất nhanh, nếu kiểm soát không tốt, cố tình lơi lỏng thì sẽ khó ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BH thất nghiệp. Đặc biệt, việc kiểm soát tình trạng này không chỉ từ phía NLĐ thất nghiệp mà còn phải từ chính cơ quan quản lý nhà nước.
Theo Luật sư Nguyễn Giang Nam- Đoàn Luật sư TP.HCM, trong công tác kiểm duyệt hồ sơ, chi trả, tổ chức học nghề, giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp thì vai trò của Sở LĐ-TB&XH hết sức quan trọng, đặc biệt là Giám đốc Sở. Bởi lẽ, Luật Việc làm, cùng với Nghị định 28/2015/NĐ-CP và Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH đều đã quy định rõ, từ quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng như quyết định hỗ trợ học nghề đều do Giám đốc Sở LĐ-TB&XH ký duyệt. Còn vì sao phải cần Giám đốc Sở ký duyệt, thì chắc chắn các nhà làm luật đã cân nhắc, tính toán về vấn đề này. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH cũng chính là nơi thẩm định DN đủ điều kiện dạy nghề cho NLĐ thất nghiệp, chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát các DN này trong quá trình dạy nghề. Chính vì vậy, vai trò cũng như trách nhiệm của Sở trong thực hiện chính sách BH thất nghiệp được thể hiện rất rõ ràng.
Ngoài ra, Luật sư Nam cũng cho rằng, tại Khoản 5 Điều 12 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH đã quy định: “Hằng tháng, cơ sở dạy nghề lập danh sách và có chữ ký của NLĐ đang học nghề chuyển tổ chức BHXH để thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề theo tháng và thời gian thực tế NLĐ tham gia học nghề”. Theo Luật sư Nam, quy trình thanh toán như trên còn tương đối “lỏng” bởi trong chuỗi quy trình này, từ việc chọn DN dạy nghề, thẩm định, ký hợp đồng, giám sát… đều do Sở LĐ-TB&XH chủ trì thực hiện, chỉ đến khi thanh toán mới chuyển danh sách của NLĐ thất nghiệp đến cơ quan BHXH. Tuy nhiên, Thông tư cũng không quy định có cần xác nhận của Sở LĐ-TB&XH đối với danh sách này hay không.
Chính vì vậy, với dữ liệu NLĐ do DN dạy nghề tự lập, nếu giả sử danh sách DN chuyển cho cơ quan BHXH không phải chữ ký thật của NLĐ thất nghiệp thì cơ quan BHXH cũng khó biết, vì không có căn cứ đối chiếu. Thực tế chứng minh, trong số 168 triệu đồng hỗ trợ học nghề được cơ quan BHXH chuyển cho Trung tâm DVVL, có đến 112 triệu đồng thanh toán cho những NLĐ không tham gia học nghề.
Một số chuyên gia pháp luật cũng cho rằng, với vụ việc “chấn động” tại Chi nhánh BH thất nghiệp quận 9, mà kết luận thanh tra của Sở LĐ-TB&XH lại chỉ “quy” trách nhiệm cho Giám đốc Trung tâm DVVL, Trưởng phòng Đào tạo, Phó Chi nhánh BH thất nghiệp quận 9 và các cá nhân có liên quan liệu có thỏa đáng? Vậy thì, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM có trách nhiệm gì trong vụ việc này?...
Do đó, theo các chuyên gia, Nhà nước cần phải có một cơ quan độc lập hoặc cấp cao hơn vào cuộc rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình, vụ việc liên quan. Theo đó, cần làm rõ vụ việc này có dấu hiệu hình sự hay không; công tác phối hợp với các DN dạy nghề của những năm gần đây thực tế như thế nào?... Trên cơ sở đó, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có sai phạm, tránh tình trạng “bát nháo” như hiện nay.
Tạp chí Bảo hiểm xã hội
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số