Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế chuyển đổi thanh toán chi phí KCB theo DRG

05/05/2021 07:00 AM


Chiều ngày 4/4, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã khai mạc Hội thảo trực tuyến “Trao đổi kinh nghiệm quốc tế hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang thanh toán theo nhóm chẩn đoán (DRG)”.

Hội thảo sẽ diễn ra trong 2 ngày 4- 5/5 với hai phiên thảo luận các nội dung chính sau: Kinh nghiệm quốc tế trong quản lý thanh toán cho BV và quá trình chuyển đổi sang phương thức thanh toán DRG; Kinh nghiệm quản lý chất lượng mã hóa trong hệ thống thanh toán theo DRG.

Tại mỗi phiên làm việc, các đại biểu sẽ được các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm áp dụng DRG tại một số quốc gia đã thực hiện phương thức thanh toán chi phí KCB này, các vấn đề cần lưu tâm, và cùng thảo luận về hướng đi cho Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết: Việt Nam đang rất quyết liệt thay đổi phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT nhằm nâng cao chất lượng KCB, chăm sóc sức khỏe cho người dân thông qua cơ chế của BHYT. Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã phối hợp tích cực và trách nhiệm cho sự thay đổi này. Đến thời điểm hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành thông tư hướng dẫn về thanh toán theo định suất ở khu vực KCB ngoại trú, dự kiến cuối năm 2021 sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn thanh toán chi phí KCB theo phương thức DRG. “Như vậy, phương thức thanh toán sẽ được đổi mới về căn bản. Có thể nói, đây là một “bước ngoặt” lớn, dấu ấn trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT tại Việt Nam”, Phó Tổng giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh.

Đánh giá cao những thành tựu y tế mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, bà Stefanie Stallmeister- Giám đốc phụ trách dự án của WB tại Việt Nam dẫn chứng những con số ấn tượng mà Việt Nam đã đạt được như tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam là 76 tuổi- cao nhất khu vực so với các nước có thu nhập tương đương, tỷ lệ bao phủ BHYT của Việt Nam đã đạt trên 89% dân số... Tuy nhiên, chuyên gia của WB cũng bày tỏ lo ngại về việc ngày càng có nhiều nguy cơ đe dọa tính bền vững về mặt tài chính của các thành quả y tế của Việt Nam như già hóa dân số, gánh nặng bệnh tật với tỷ lệ người mắc ung thư tăng cao, các bệnh mạn tính không lây nhiễm... Đặc biệt, Việt Nam đang lấy BV làm trung tâm của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, với 73% chi phí y tế được “đổ” vào các BV. Ở Đông Á, hiện không có quốc gia nào có mức chi cho BV nhiều hơn Việt Nam, bà Stefanie Stallmeister nhận xét.

Theo chuyên gia này, một trong các nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự tập trung "quá mức" cho các BV là do Việt Nam đang thực hiện thanh toán chi phí KCB theo phí dịch vụ. Hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã nhận diện đầy đủ vấn đề này, và quyết định thay đổi hệ thống thanh toán viện phí chuyển sang DRG như đã được thực hiện tại nhiều các nước phát triển. Tuy nhiên, cùng với những bước chuẩn bị “chăm chỉ cật lực” trong thời gian qua, Việt Nam vẫn còn cần thiết kế một số nền tảng then chốt để hoàn thiện quá trình chuyển đổi. Đây cũng là các nội dung chính được đề cập trong các phiên thảo luận của hội thảo này.

Tại phiên thảo luận chiều 4/5, Hội thảo đã thảo luận về “Cơ cấu tổ chức hệ thống DRG nên như thế nào?” với một số nội dung cụ thể: Các chứng năng chính của một hệ thống DRG mạnh là gì? Nên giao các chức năng này cho ai? Các cơ quan, tổ chức, đơn vị... nào có tiềm năng tham gia vào hệ thống DRG?...

Chia sẻ cách thức một số quốc gia đã giải quyết các vấn đề này, ông Christophe Lemiere- chuyên gia của WB đã đề cập đến một số ví dụ của Thái Lan, Estonia, Phần Lan, Pháp trong việc giao trách nhiệm thực hiện từng chức năng của hệ thống DRG (phân loại bệnh tật; phân nhóm DRG; Dữ liệu/các quy tắc mã hóa; dữ liệu hạch toán chi phí; Trọng số tương đối; Mức thanh toán cơ bản) cho các cơ quan, đơn vị cụ thể...

Hội thảo cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế tại Pháp, Thái Lan, Úc, Estonia về cơ chế kiểm soát tổng mức thanh toán cho BV trong hệ thống DRG, đồng thời gợi mở một số ý kiến cho Việt Nam xem xét áp dụng mức “trần” DRG như thế nào? Chia giai đoạn thực hiện thanh toán dựa trên DRG...

Ông Dương Tuấn Đức- Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và thanh toán đa tuyến (BHXH Việt Nam) chỉ ra rằng, một trong các khó khăn của Việt Nam hiện nay khi triển khai DRG là xây dựng hệ số điều chỉnh (xác định các mức chi phí hợp lý phải trả cho BV). Theo ông Đức, tại Việt Nam hệ thống cơ sở KCB cung cấp dịch vụ KCB nội trú trải từ tuyến cơ sở đến Trung ương và cùng với một nhóm chuẩn đoán, thì mức chi phí rất khác biệt, có sự chênh lệch lớn thậm chí tại cùng một hạng BV. Do đó, các thử nghiệm về cách tính hệ số đã được nhóm chuyên gia nghiên cứu về phương thức thanh toán này đều chưa thỏa mãn yêu cầu của từng nhóm cơ sở y tế. Vấn đề thứ hai là Việt Nam chưa thực hiện việc hạch toán chi phí để làm cơ sở xây dựng mức thanh toán cơ bản. Do còn thiếu quy trình, hướng dẫn điều trị, nên rất khó tính toán chi phí cụ thể phát sinh trên từng quy trình điều trị. Đây là những vấn đề mà Việt Nam đang cần có sự hỗ trợ, tư vấn từ các chuyên gia quốc tế, cũng như kinh nghiệm giải bài toán này tại các nước đã thực hiện DRG...

Những vấn đề hệ thống thẩm định mã hóa sẽ tiếp tục được thảo luận tại phiên 2 của hội thảo diễn ra chiều ngày 5/5, để đưa ra các hướng đi phù hợp cho Việt Nam...

Tạp chí Bảo hiểm xã hội