Đề xuất tham gia BHXH bắt buộc: Nhiều hộ kinh doanh hào hứng

16/05/2021 07:17 PM


Sau khi được hỏi ý kiến về đề xuất quy định bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng có điều kiện và khả năng như chủ hộ kinh doanh cá thể… nhiều người tỏ ra hào hứng và cho rằng, đây là điều nên làm để đảm bảo an sinh.

Theo dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) của Bộ LĐ-TB&XH, sẽ bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng có điều kiện và khả năng như chủ hộ kinh doanh cá thể… Phóng viên Tạp chí BHXH đã thực hiện khảo sát đối với các chủ hộ kinh doanh liên quan đến vấn đề này.

 

Tuyên truyền chính sách BHXH cho các tiểu thương, chủ hộ kinh doanh cá thể

Trước câu hỏi có đồng tình với đề xuất này hay không, chị Nguyễn Tuyết Lan (36 tuổi, chủ hộ kinh doanh tạp hóa tại đường Lê Hữu Phước, Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, chị hoàn toàn ủng hộ đề xuất này. Trước đây, chị Lan cũng có ý định sẽ tham gia BHXH tự nguyện để sau này có lương hưu, nên nếu có quy định những trường hợp như chị phải tham gia BHXH bắt buộc thì chị sẽ hoàn toàn đồng ý.

Theo chị Lan, hiện nay, không chỉ các hộ kinh doanh mà nhiều người dân không nằm trong diện tham gia BHXH bắt buộc cũng muốn được tham gia BHXH để sau này có lương hưu. Tuy nhiên, đa phần vẫn còn do dự vì không có tính ràng buộc. Vì vậy, việc mở rộng đối tượng tham gia bắt buộc sẽ dỡ bỏ được tâm lý này của người dân, để nhiều người tham gia vào các chính sách an sinh của Nhà nước.

Cũng đồng tình với đề xuất này, anh Nguyễn Văn Long (42 tuổi, chủ quán ăn sáng tại đường Phú Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khẳng định, nếu quy định trên được thông qua, anh chắc chắn sẽ tham gia ngay. “Vợ anh làm giáo viên đã tham gia BHXH bắt buộc, còn anh nhiều lần được tuyên truyền tham gia BHXH tự nguyện nhưng lười chưa tham gia; nếu phải tham gia bắt buộc thì anh hoàn toàn đồng ý. Cái này tốt cho mình, chứ có gì đâu mà không tham gia”- anh Long chia sẻ.

Cũng đồng ý với đề xuất trên, nhưng chị Nguyễn Thị Hoa (34 tuổi, chủ quán ăn tại Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) lại cho rằng, cần phải có mức đóng phù hợp với người như chị. Bởi, mỗi người, mỗi hộ có thu nhập khác nhau, nên nếu không có mức đóng hợp lý sẽ rất khó nhận được sự đồng thuận từ tất cả người dân. “Như chị thu nhập hàng tháng có thể 5-10 triệu đồng, thì mức đóng có thể tương đương như một số mức đóng BHXH tự nguyện hiện nay là từ 150.000 đồng đến khoảng 1 triệu đồng/tháng là hợp lý. Nhưng đối với các hộ thu nhập thấp hoặc gặp khó khăn trong kinh doanh, thì duy trì đóng hàng tháng chỉ vài trăm nghìn cũng là điều khó khăn”- chị Hoa lý giải.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam) đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Ông Quảng cho rằng, việc này phù hợp với tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Tuy nhiên, khi đưa các đối tượng trên vào diện tham gia BHXH bắt buộc, các chế độ BHXH phải được đảm bảo, qua đó mới tạo được sự hấp dẫn cho những đối tượng này tham gia.

Cũng theo ông Quảng, đề xuất trên phù hợp với chủ trương, nhưng tất nhiên sẽ có những vướng mắc, đòi hỏi khi thực hiện cần có những sửa đổi, đồng bộ với các chế độ khác. Đề cập về vướng mắc, ông Quảng nêu ví dụ, đối với đối tượng NLĐ làm việc không trọn thời gian, cách tính thế nào để đóng BHXH cũng là một vấn đề... Ông Quảng phân tích thêm, đối với NLĐ có giao kết HĐLĐ từ 1 tháng trở lên, khoản tiền tham gia BHXH là căn cứ vào mức lương của họ tại DN. Còn các đối tượng theo như đề xuất trên là chủ nguồn thu, thì phải có cách khác để xác định. “Chắc chắn cần có quy định đảm bảo mức đóng tối thiểu và có cơ chế để các đối tượng này tham gia”- ông Quảng nói.

Hiện nay, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, chúng ta nên mở rộng đến toàn bộ người có quan hệ lao động (có thuê mướn, sử dụng và trả lương), chứ không nên chỉ áp dụng đối với NLĐ có HĐLĐ từ đủ 1 tháng trở lên như quy định trong Luật BHXH hiện hành.

Đặc biệt, để có thêm đối tượng là những hộ kinh doanh cá thể, tự sản xuất… tham gia, các cơ quan chức năng phải có nhiều hình thức tuyên truyền như: Xây dựng các tiểu phẩm truyền thông về BHXH; sử dụng các công cụ mạng xã hội; ban hành những ấn phẩm, tờ rơi tuyên truyền về BHXH đảm bảo dễ hiểu... Trong đó, phải xây dựng được mức đóng-hưởng của các chủ hộ kinh doanh cá thể (có thể dựa vào mức thu nhập trung bình hằng năm của họ) và tuyên truyền, giải thích rõ ràng để mọi người hiểu rõ về chính sách BHXH. Ngoài ra, phải xây dựng được quy định để các hộ kinh doanh cá thể phải tham gia BHXH bắt buộc.

Tạp chí Bảo hiểm xã hội