BH thất nghiệp: “Phao cứu sinh” cho NLĐ trong bối cảnh dịch Covid-19

28/05/2021 09:35 PM


Đợt dịch Covid-19 lần này với những diễn biến phức tạp, khiến nhiều DN và NLĐ tiếp tục chịu ảnh hưởng. Song, với sự vào cuộc của toàn ngành BHXH Việt Nam, công tác giải quyết thủ tục hưởng BH thất nghiệp cho NLĐ được thuận lợi và nhanh chóng.

Phao cứu sinh cho NLĐ

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong quý I/2021, cả nước có 151.402 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có 43.589 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian từ 7-12 tháng; tổng số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp là 3.129,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, chỉ trong tháng 5/2021, cả nước đã giải quyết cho 56.885 người hưởng các chế độ BH thất nghiệp (54.814 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 2.071 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề), với tổng số tiền 920 tỷ đồng.

NLĐ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang làm thủ tục hưởng BH thất nghiệp

Nhận định về vai trò của chính sách BH thất nghiệp, ông Vũ Trọng Bình- Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thời gian qua, khi diễn ra dịch Covid-19, chính sách BH thất nghiệp đã thể hiện rõ vai trò hỗ trợ, ổn định đời sống cho một lượng lớn NLĐ bị thất nghiệp, qua đó giúp giảm gánh nặng cho NSNN. Theo số liệu tổng hợp của các địa phương, trong 5 tháng đầu năm 2021, cả nước có 64.816 người được giới thiệu việc làm, 8.637 được hỗ trợ học nghề và 267.282 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên anh Nguyễn Công Hào, công nhân của một xí nghiệp in tại Huế bị cho thôi việc. Ngay sau đó, anh Hào làm thủ tục hưởng BH thất nghiệp và nhận số tiền trợ cấp hơn 5 triệu đồng/tháng (trong vòng 9 tháng). Không những có tiền để trang trải chi phí sinh hoạt trong thời gian khó khăn, anh Hào còn được cấp thẻ BHYT miễn phí. “Khi làm thủ tục hưởng BH thất nghiệp, tôi được tư vấn, giới thiệu việc làm. Đặc biệt, cán bộ BHXH tỉnh còn hướng dẫn đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, để có thể tích lũy thời gian đóng, sau có việc làm mới tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc nhằm đủ thời gian được hưởng lương hưu. Thấy chính sách nhiều lợi ích, tôi đã tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 650.000 đồng/tháng”- anh Hào chia sẻ.

Đa phần NLĐ sau khi mất việc đều trông chờ vào chế độ BH thất nghiệp. Chính sách này thực sự trở thành “điểm tựa” giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống. Đồng thời, giúp người SDLĐ không bị áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho NLĐ; giảm gánh nặng cho DN vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này.

Như chia sẻ của chị Tạ Thị Tình (xã Hướng Hán, huyện Yên Dũng, Bắc Giang), từ khi xuất hiện dịch, tình hình kinh doanh của công ty sụt giảm trông thấy, một số nhân viên đã được cho nghỉ tạm thời, số còn lại đều phải giảm lương nhằm duy trì công việc. Mặc dù làm việc ở Công ty TNHH Vina Solar Technology từ cuối năm 2014, nhưng vì khó khăn chung, nên đến tháng 4/2020 chị đã chấm dứt HĐLĐ để tìm kiếm công việc khác có thu nhập ổn định cuộc sống gia đình. Do đã đóng BH thất nghiệp được 60 tháng, nên chị đi đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thuận lợi cho NLĐ đăng ký hưởng thất nghiệp

Để ứng phó với dịch Covid-19 và tạo thuận lợi cho NLĐ làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm DVVL Hà Nội mới đây có thông báo đến NLĐ về thủ tục, trình tự giải quyết BH thất nghiệp, nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Theo đó, NLĐ đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tiếp tại các điểm tiếp nhận của Trung tâm thực hiện các bước theo quy trình được niêm yết công khai tại trụ sở và hướng dẫn của cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp NLĐ gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường Bưu điện sẽ được cán bộ Trung tâm hỗ trợ thành phần và thủ tục hồ sơ qua điện thoại, email, Zalo. Sau khi kiểm tra nếu đủ thành phần và điều kiện hưởng, NLĐ sẽ được nhận giấy biên nhận gửi qua email hoặc Zalo hoặc Bưu điện. Với các hồ sơ sai thông tin, thiếu điều kiện, NLĐ sẽ được cán bộ Trung tâm hướng dẫn bổ sung.

Đang là tâm điểm của dịch Covid-19 lần thứ 4 với nhiều NLĐ phải dừng việc do thực hiện yêu cầu công tác chống dịch, ông Nguyễn Văn Huế- Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Bắc Giang cho biết, Trung tâm đã chủ động trong công tác phòng chống dịch, tạm dừng giao dịch trực tiếp về việc giải quyết chế độ BH thất nghiệp đối với NLĐ; thiết lập đường dây nóng với các số điện thoại hỗ trợ, hướng dẫn NLĐ và phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện chuyển phát nhanh, đảm bảo các hồ sơ TTHC về BH thất nghiệp; sắp xếp, bố trí nhân viên trực trả lời điện thoại và tiếp nhận hồ sơ NLĐ gửi đến qua đường Bưu điện. “Công tác tiếp nhận hồ sơ, thủ tục BH thất nghiệp do NLĐ gửi đến qua đường Bưu điện có phát sinh thêm công việc cho nhân viên của Trung tâm, song với tinh thần chia sẻ cùng NLĐ và chung tay phòng chống dịch bệnh, các nhân viên luôn vui vẻ, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, Ban lãnh đạo Trung tâm luôn sát sao, nắm bắt kịp thời tình hình việc làm, nộp hồ sơ BH thất nghiệp của NLĐ tại địa phương”- ông Huế cho biết.

Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Trung tâm Quốc gia về DVVL dự báo số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp quý II/2021 sẽ theo 2 kịch bản. Cụ thể: Nếu tình hình dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát tốt và không ảnh hưởng đến Việt Nam, theo chu kỳ những năm trước, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp ước tính quý II/2021 khoảng 320.000-350.000 người. Nếu tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại, số NLĐ nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ tăng lên, ước tính khoảng 360.000-400.000 người.

(* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tạp chí Bảo hiểm xã hội