Bảo hiểm y tế - "cứu cánh" cho người bệnh

22/06/2021 04:32 PM


Tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) không chỉ giúp người bị bệnh vơi bớt khó khăn khi phải nằm viện điều trị mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc với cả cộng đồng.

Có thể nói, với nhiều người bệnh, chi phí điều trị mỗi lần nằm viện luôn là nỗi lo, gánh nặng kinh tế, nhất là với những bệnh nhân nghèo phải điều trị trong thời gian dài, vì thế họ càng thấm thía giá trị, lợi ích khi tham gia BHYT.

Đơn cử như trường hợp bà Nguyễn Thị Thương (TP. Buôn Ma Thuột), do bị thoái hóa đốt sống cổ nên năm 2019 bà phải nhập viện để mổ. Thời gian nằm viện hơn 10 ngày, chi phí phẫu thuật, thuốc men hết gần 100 triệu đồng, trong đó BHYT chi trả tới 80%. Với hoàn cảnh gia đình làm nông không dư giả, đây là số tiền khá lớn, nên lúc này bà càng thấy rõ ý nghĩa việc mình đã tham gia BHYT từ nhiều năm qua.

Người dân khám bệnh tại Trạm Y tế xã Yang Reh, huyện Krông Bông. Ảnh: Kim Oanh
6 tháng đầu năm 2021, số người tham gia BHYT toàn tỉnh ước đạt 1,68 triệu người, đạt chỉ tiêu bao phủ BHYT là 90,78% dân số; có hơn 1,2 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với tổng chi phí trên 560 tỷ đồng (số lượt khám tăng khoảng 46.000 lượt, chi phí tăng 37 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020).

Tương tự, bà Bùi Thị Xuân (huyện Krông Pắc) bị bệnh tim mạch phải nằm viện điều trị dài ngày với chi phí 327 triệu đồng, trong đó BHYT thanh toán hơn 258 triệu đồng; hay như em Dương Thành (TP. Buôn Ma Thuột) với chi phí điều trị bị bệnh nhiễm trùng huyết lên đến hơn 986 triệu đồng, trong đó BHYT thanh toán hơn 888 triệu đồng…

Thực tế cho thấy, nếu không tham gia BHYT, rất nhiều người bệnh khó có cơ hội được điều trị khỏi nếu chi phí chữa trị khá lớn, vượt khả năng kinh tế của gia đình. Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT khám chữa bệnh chất lượng, hiệu quả, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với BHXH, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng khám, điều trị, giúp người bệnh được thụ hưởng các kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật cao ngay tại bệnh viện tuyến tỉnh, hạn chế tình trạng chuyển tuyến cũng như yên tâm lựa chọn bệnh viện để điều trị.

Cùng với đó, để phát triển đối tượng tham gia BHYT, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06/2019/HĐND về việc hỗ trợ mức đóng BHYT cho hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên.

Theo đó, từ ngày 1-1-2020, ngoài 30% mức hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách Trung ương theo quy định của Luật BHYT, ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình; hỗ trợ 5% mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên.

Việc hỗ trợ này nhằm tạo điều kiện cho một số nhóm đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh được tham gia BHYT, được tiếp cận với các dịch vụ y tế một cách thuận lợi nhất, nhằm giảm bớt gánh nặng về tài chính cho bản thân và gia đình nếu không may bị ốm đau, bệnh tật; góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn.

Nhờ vậy, số người thuộc hộ gia đình nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT tăng đáng kể, năm 2020 là 17.173 người, tăng 14.699 người so với năm 2019; số học sinh, sinh viên tham gia BHYT toàn tỉnh năm học 2020 - 2021 là 186.627 em, tăng 1.438 em.

Người dân khám và điều trị BHYT tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H'leo,

Những năm gần đây, số người dân có thẻ BHYT ngày càng tăng, đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy người dân đã nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT đối với bản thân và gia đình. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được quỹ BHYT chi trả khi khám, chữa bệnh. Vì thế, dù mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo, chi phí chữa bệnh lớn, người tham gia BHYT vẫn sẽ có cơ hội được khám, chữa bệnh chu đáo.

Theo quy định, người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến được Quỹ BHYT chi trả 80%, 95% hoặc 100% chi phí khám, chữa bệnh tùy thuộc vào nhóm đối tượng.

Báo Đắk Lắk