Nỗ lực hoàn thành nhiều chỉ tiêu, đảm bảo an sinh xã hội
14/07/2021 08:05 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 14/7, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Tham dự và và chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; các Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Lê Tấn Dũng, Lê Văn Thanh, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Bá Hoan, Nguyễn Văn Hồi; Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh và Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Huỳnh Văn Thuận; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành và tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị
Ứng phó tốt với dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhất là đợt dịch thứ 4 đã ảnh hưởng sâu rộng, nặng nề đến lĩnh vực lao động, việc làm. Đáng chú ý, đợt dịch thứ 4 này bắt đầu chuyển hướng sang cộng đồng mạnh hơn, tác động trực tiếp đến các KCX-KCN. Cùng với đó, tình trạng NLĐ rút BHXH một lần và tỷ lệ người hưởng BH thất nghiệp gia tăng và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, trong 6 tháng, nhất là ảnh hưởng từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội. Song, vượt lên những khó khăn do dịch bệnh gây ra, 6 tháng đầu năm 2021, ngành LĐ-TB&XH vẫn đảm bảo thực hiện tốt “mục tiêu kép”, đó là vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Trong bối cảnh đó, căn cứ tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 8/6/2021 và các thông báo, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 quy định một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Toàn cảnh Hội nghị
Theo đó, Nghị quyết góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định lao động việc làm, đảm bảo đời sống và an toàn cho NLĐ, đảm bảo các nguyên tắc: Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; các chính sách hỗ trợ đảm bảo khả thi, hiệu quả, thiết thực để NLĐ và người SDLĐ dễ tiếp cận dựa trên các tiêu chí, điều kiện hỗ trợ rõ ràng. NSNN đảm bảo nguồn lực và thực hiện phân cấp theo quy định để phát huy tính chủ động, tích cực và linh hoạt trong xử lý của các cấp, các ngành và các địa phương.
Bên cạnh đó, kết quả thực hiện theo từng lĩnh vực của ngành trong 6 tháng đầu năm cũng cho thấy, những nỗ lực lớn trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Đến hết quý II, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng cách ứng phó của NLĐ và người chủ SDLĐ trước đại dịch trong năm nay có nhiều thay đổi so với năm 2020, đã góp phần làm gia tăng đáng kể số người tham gia lực lượng lao động so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,7%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng trên 65%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ khoảng 26%.
6 tháng qua, cả nước có 412.733 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, bằng 79,8% so với cùng kỳ năm 2020; 380.636 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đồng thời, cũng có 912.886 lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm, tăng 59,1% so với cùng kỳ năm trước và 10.651 người được hỗ trợ học nghề, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Chủ động, linh hoạt chính sách hỗ trợ NLĐ và DN
Cũng theo ông Lê Tấn Dũng, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt trên 34%; tham gia BH thất nghiệp đạt khoảng 28%. Đặc biệt, trước tình hình đại dịch Covid-19 gây nhiều tác động tiêu cực với mọi mặt đời sống xã hội, BHXH Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, đổi mới tuyên truyền để tiếp cận người dân, đặc biệt đảm bảo an toàn khi chi trả trực tiếp lương hưu, trợ cấp BHXH, BH thất nghiệp.
Hội nghị trực tuyến do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì
Trong thời gian này, ngành LĐ-TB&XH cũng có các giải pháp duy trì lực lượng lao động, bảo đảm sức khỏe cho NLĐ, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của DN. Rà soát, nắm chắc tình hình lao động việc làm, nhu cầu SDLĐ của các DN để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời do ảnh hưởng của dịch bệnh, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh của DN, bảo đảm đời sống NLĐ; tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, ứng dụng CNTT trong tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung-cầu lao động, rút ngắn thời gian tìm việc của NLĐ. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo thường xuyên, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19...
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao những kết quả ngành LĐ-TB&XH đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021. Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành LĐ-TB&XH đã bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai các nhiệm vụ một cách linh hoạt, hiệu quả, phù hợp.
Về phía ngành BHXH Việt Nam, theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, trong 6 tháng đầu năm luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của ngành LĐ-TB&XH từ Trung ương đến địa phương; từ việc xây dựng các cơ chế, chính sách, thể chế đến triển khai thực hiện các chính sách BHXH, BH thất nghiệp và đã đạt được một số kết quả nổi bật. Những kết quả này thể hiện sự gia tăng số người tham gia BHXH, đặc biệt tăng mạnh người tham gia BHXH tự nguyện; gia tăng về BH thất nghiệp. Đồng thời, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp và triển khai các chính sách, quyền lợi cho người tham gia BHXH, BH thất nghiệp một cách thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị
Về việc triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ, ngành BHXH Việt Nam có 3 nội dung liên quan: Chính sách giảm mức đóng BH TNLĐ-BNN về mức 0%; chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; chính sách hỗ trợ, đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ. “Ngay từ khi ngành LĐ-TB&XH đề xuất, BHXH Việt Nam đã tham gia vào việc xây dựng 3 chính sách này. Đến khi Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, BHXH Việt Nam thành lập Ban Chỉ đạo cũng như xây dựng các quy trình nội bộ triển khai ngay; có văn bản hướng dẫn, tổ chức hội nghị trực tuyến từ Trung ướng đến địa phương để quán triệt, triển khai nội dung này một cách quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả và mục tiêu chính sách đến ngay với người dân, NLĐ thụ hưởng chính sách”-Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.
Cũng theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, BHXH Việt Nam đã xây dựng quy trình nội bộ theo đúng nguyên tắc. Các quy trình nội bộ rất rõ trách nhiệm của từng tổ chức, từng cán bộ thực hiện. chính sách hỗ trợ phải rút ngắn thời gian so với quy định, các thủ tục với Ngành được thực hiện trong thời gian 1 ngày. Trên cơ sở đó, khai thác ngay dữ liệu hiện có của DN và NLĐ để triển khai. Đồng thời, song hành 3 chính sách này, nhưng linh hoạt tùy từng địa phương để ưu tiên triển khai, chính sách dễ triển khai trước hướng nhanh và sớm nhất. Đặc biệt, BHXH Việt Nam không đề nghị DN bổ sung bất kỳ một thủ tục hồ sơ nào; phân định rõ trách nhiệm cho từng cán bộ giải quyết, phối hợp phân công cho rõ, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
“Để Nghị quyết này nhanh chóng đi vào cuộc sống, ngoài sự quyết liệt của ngành BHXH Việt Nam và ngành LĐ-TB&XH, thì rất cần sự chỉ đạo của các ngành. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với BHXH Việt Nam triển khai quyết liệt, đặc biệt kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cũng như những đề xuất khi triển khai. Các đồng chí lãnh đạo UBND các tỉnh chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH, các cấp chính quyền phối hợp với các đơn vị của ngành BHXH Việt Nam, nhằm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc. Với sự quyết liệt đó, tôi tin tưởng rằng, gói hỗ trợ của Chính phủ sẽ đến được ngay với người dân, DN và NLĐ”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số