Bộ Y tế thu hồi văn bản công bố 12 thuốc cổ truyền phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19
26/07/2021 09:43 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng nay (26/7), Bộ Y tế đã có văn bản thu hồi Công văn số 5944/BYT-YDCT, trong đó có danh mục 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 và 9 sản phẩm sát khuẩn không khí, sát khuẩn tay và xịt họng do nội dung chưa phù hợp, gây hiểu nhầm, tiềm ẩn nguy cơ tích trữ, nâng giá bán làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch và tâm lý người dân.
Xuất hiện tình trạng tích trữ, nâng giá bán
Trước đó, ngày 24/7, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu, để góp phần phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tại công văn này, Bộ Y tế công bố danh mục 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 và 9 sản phẩm sát khuẩn không khí, sát khuẩn tay và xịt họng, gồm: Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên, Viên nang Kovi, Bạch địa căn, Siro Viêm họng, Siro Dưỡng âm bổ phế, Siro Ngân kiều, Hạnh tô, Vệ khí khang, Hoạt huyết nhất nhất, Viên nang Imboot, Xuyên tâm liên, Viên nang Nasagast-KG.
Xuyên tâm liên là một trong 12 loại dược liệu hỗ trợ điều trị Covid-19 theo Công văn số 5944/BYT-YDCT
PGS-TS.Nguyễn Thế Thịnh- Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền cho biết: Để tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế về việc sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền và các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19, Cục Quản lý Y dược cổ truyền đã nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu của một số DN trong thời gian diễn ra dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Cục đã thành lập Hội đồng chuyên môn xem xét, đánh giá thành phần công thức của các sản phẩm mà các DN ủng hộ cũng như những chế phẩm của 2 BV: BV Y học cổ truyền Bộ Công an và BV Y học cổ truyền quân đội, đưa vào điều trị, hỗ trợ điều trị, chăm sóc y tế cho bệnh nhân Covid-19 tại BV dã chiến của Bắc Giang, cho kết quả bước đầu an toàn và có hiệu quả.
Tuy nhiên, theo PGS-TS.Nguyễn Thế Thịnh, 12 sản phẩm nêu tại Công văn số 5944/BYT-YDCT không phải là danh mục thuốc, sản phẩm chỉ định cho dự phòng, điều trị, mà đó là danh mục các sản phẩm do các đơn vị tài trợ, ủng hộ cho phòng dịch Covid-19. Các đơn vị sản xuất các sản phẩm trên đây đã và đang đồng hành, ủng hộ ngành y tế và một số tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM... để sử dụng hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, mức độ nhẹ và vừa, cho các thầy thuốc tuyến đầu chống dịch và các F1 đang cách ly. Căn cứ danh mục, tùy theo thực tiễn các BV, cơ sở y tế khi được tài trợ để phát cho bệnh nhân. Các sản phẩm cũng cần được đánh giá về hiệu quả khi sử dụng.
Trong đợt dịch ở TP.HCM và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, để kết hợp các phương pháp của y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, Cục Quản lý Y dược cổ truyền tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ và Bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại phía Nam về việc tiếp nhận sự hỗ trợ các sản phẩm y học cổ truyền và sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu, để sử dụng phù hợp cho những người là F1 đang cách ly tập trung và F0 không có triệu chứng hoặc mức độ nhẹ và vừa. Đồng thời, Cục cũng đã hướng dẫn các đơn vị y học cổ truyền trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 tham khảo, nghiên cứu để có thể xây dựng các bài thuốc y học cổ truyền và tiếp tục đánh giá tính an toàn, hiệu quả.
“Sau khi Công văn số 5944/BYT-YHCT được ban hành, chúng tôi đã nhận được một số thông tin phản ánh về một số nội dung chưa phù hợp, gây hiểu nhầm, có nguy cơ tích trữ, nâng giá bán làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch và tâm lý người dân”- Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền cho biết.
Sau khi tiếp nhận các thông tin phản ánh và sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế liên quan đến Công văn số 5944/BYT-YHTC, Cục Quản lý Y dược cổ truyền đã rà soát lại các nội dung. “Với vai trò là cơ quan tham mưu, Cục Quản lý Y dược cổ truyền nhận thấy đây là sơ suất trong quá trình soạn thảo, tham mưu trình Lãnh đạo Bộ ban hành, dẫn đến một số nội dung chưa phù hợp, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng. Cục đã phối hợp với các Vụ/Cục liên quan rà soát, báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Bộ thực hiện thủ tục thu hồi công văn theo đúng quy định”- ông Nguyễn Thế Thịnh cho biết thêm.
Không tùy tiện sử dụng Xuyên tâm liên
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, thời gian qua, Bộ Y tế nhận được thông tin từ các cơ quan chức năng và chuyên gia về thuốc Đông y Xuyên tâm liên của Trung Quốc có hiệu quả trong hỗ trợ điều trị Covid-19. Về việc này, Thứ trưởng Cường cho biết, Xuyên tâm liên đã được một số quốc gia như Malaysia, Indonesia, Thái Lan sử dụng và Việt Nam cũng đang ứng dụng loại thuốc này vào việc điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang triển khai một số loại thuốc được cấp phép theo 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong điều trị Covid-19 như: Remdesivir, Favipiravir...
Liên quan đến sử dụng Xuyên tâm liên trong việc hỗ trợ điều trị Covid-19, PGS-TS.Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) nhận định: Xuyên tâm liên được coi như loại kháng sinh thực vật, được sử dụng để điều trị các chứng bệnh viêm nhiễm, cảm cúm thông thường... Thời gian qua, một số nước đã đưa Xuyên tâm liên vào điều trị bệnh nhân Covid-19 cho thấy hiệu quả trên những người ít triệu chứng, thể nhẹ. Vì vậy, Bộ Y tế giao Cục Quản lý Y dược cổ truyền phối hợp với Cục Khoa học- Đào tạo làm đề cương thử nghiệm lâm sàng trên một số bệnh nhân Covid-19, sau đó sẽ báo cáo Hội đồng chuyên môn để tiếp tục đánh giá, nếu hiệu quả sẽ sử dụng ở phạm vi rộng.
Được biết, trong đợt dịch Covid-19 tại Bắc Giang, Cục Quản lý Y dược cổ truyền đã đưa bài thuốc Ngọc bình phong tán, trong đó có Xuyên tâm liên, điều trị cho các bệnh nhân tại BV dã chiến số 2 cho kết quả tương đối tốt. Cục Quản lý Y dược cổ truyền khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa để các DN sản xuất loại thuốc này, nhằm có đủ số lượng thuốc phục vụ chống dịch trong thời gian nhanh nhất. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng động viên DN trước mắt cung ứng ra thị trường ở mức độ hỗ trợ cho điều trị Covid-19; cuối tháng 7/2021 sẽ có khoảng một triệu viên thuốc Xuyên tâm liên sẽ được gửi đến TP.HCM.
Liên quan việc này, các chuyên gia cũng lưu ý, hiện Việt Nam vẫn chưa sử dụng riêng Xuyên tâm liên trong điều trị Covid-19. Bởi, thuốc này cũng như bất kỳ loại thuốc nào cũng đều có những chỉ định, chống chỉ định, tác dụng phụ, liều dùng, tương tác thuốc… Nếu người dân tự ý mua và sử dụng không đúng cách, sẽ dẫn tới không phòng chống được Covid-19, mà có thể gây tổn hại tới sức khỏe cho người sử dụng.
Chuyên gia cũng cho biết thêm, Xuyên tâm liên có thể gây ra các tác dụng phụ như: Chán ăn, tiêu chảy, nôn mửa, phát ban, nhức đầu, sổ mũi, mệt mỏi… Khi dùng liều cao có thể gây sưng các tuyến bạch huyết, phản ứng dị ứng nghiêm trọng, tăng men gan. Những người đang dùng thuốc chữa tăng huyết áp, chống đông máu Warfarin và Aspirin giảm đau, thận trọng khi dùng phối hợp Xuyên tâm liên. Những người suy thận, suy gan không nên dùng thuốc Xuyên tâm liên…
Theo ông Trần Minh Ngọc- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền, tác dụng diệt virus SARS-CoV-2 của Xuyên tâm liên mới được chứng minh trong phòng thí nghiệm và đang trong các bước thử nghiệm lâm sàng. Đến nay chưa có đầy đủ kết quả để khẳng định tác dụng điều trị Covid-19 của Xuyên tâm liên. Do đó, người dân không nên tự ý mua Xuyên tâm liên về sử dụng, nhất là với mục đích phòng ngừa Covid-19, mà chỉ sử dụng theo chỉ dẫn của các thầy thuốc.
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số