Sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do COVID-19

18/08/2021 09:21 PM


Trong những tháng gần đây, tình hình dịch bệnh Covid19 trong nước diễn biến phức tạp, do biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh; các đợt dịch bùng phát khiến cho các DN vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trước thực trạng trên, nhiều chính sách hỗ trợ DN đã và đang được khẩn trương xây dựng và triển khai.

Sẽ có khoảng 1 triệu DN được hỗ trợ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng của cộng đồng DN, hiệp hội DN, xây dựng dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và phát triển DN giai đoạn 2021-2025 và một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Với quan điểm “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Nghị quyết đã đạt được sự đồng thuận cao của các Phó Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan sau 2 lần góp ý.

Theo đó, mục tiêu đầu tiên là sớm kiểm soát được dịch bệnh để khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất. Tiếp đó là hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh để giảm thiểu tối đa số DN tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh.

Theo dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ phấn đấu đến hết năm 2021 đạt khoảng 1 triệu lượt DN, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó đại dịch Covid-19; khoảng 160.000 DN được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; khoảng 50.000 DN quay trở lại hoạt động. Cùng với đó, hàng trăm nghìn DN được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, chính sách hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động, đào tạo lao động...

Tại dự thảo Nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính. Bao gồm:

Thứ nhất, phòng chống đại dịch Covid-19, tạo điều kiện cho DN ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn.

Thứ 3, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN, cơ sở sản xuất kinh doanh; trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và xã hội hướng dẫn BHXH Việt Nam nghiên cứu chính sách tạm dừng, giảm mức đóng BHXH năm 2021 cho DN đến tháng 6/2022;

Thứ 4, về vấn đề lao động và chuyên gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình đề xuất Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH xây dựng chính sách áp dụng linh hoạt và nới lỏng các quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam, phù hợp với bối cảnh mới, đồng thời nghiên cứu đề xuất việc cho phép DN thỏa thuận với NLĐ điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng, với điều kiện đảm bảo tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm; giao Bộ Ngoại giao đẩy mạnh ngoại giao vắc-xin, đàm phán, công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vaccine” với các quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm sớm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép…

Tiếp tục thực hiện chính miễn, giảm thuế

Mới đây, ngày 13/8/2021, Chính phủ đã có Tờ trình số 289/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. 

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, nội dung dự thảo Nghị quyết đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua gồm 04 chính sách, cụ thể là: Tiếp tục giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác như đã áp dụng năm 2020.

Đặc biệt có đến 3 nhóm chính sách lần đầu tiên được cơ quan quản lý đề xuất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam gồm: (i) Giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong Quý III và Quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế; (ii) Giảm 30% mức thuế suất, mức tỷ lệ % thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 như du lịch; vận tải; lưu trú; ăn uống; thể thao, vui chơi, giải trí; sáng tác, nghệ thuật; báo chí, truyền hình; thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác...; (iii) Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (02 năm ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19) đối với DN, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020.

Ngoài ra Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tính chung các chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện từ đầu năm 2021 và các chính sách đề xuất bổ sung nêu trên thì số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho DN, người dân là trên 138 nghìn tỷ đồng.

Phát huy hiệu quả gói hỗ trợ 26.000 tỷ

Bên cạnh các chính sách đang được xây dựng, chính sách hỗ trợ NLĐ, DN gặp khó khăn do Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vẫn đang tiếp tục được các cấp, các ngành triển khai.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, sau 1 tháng, 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai đảm bảo yêu cầu về tiến độ. Cụ thể, 12 chính sách được chia làm 3 nhóm, trong đó: chính sách về BHXH đã hỗ trợ cho hơn 12 triệu lao động với số tiền khoảng 4.400 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ tiền mặt đã hỗ trợ cho hơn 1 triệu lao động với số tiền là trên 1.300 tỷ đồng; Chính sách cho vay trả lương và phục hồi sản xuất đã hỗ trợ cho hơn 42.000 lao động với số tiền là trên 145 tỷ đồng. Tổng số lao động đã được hỗ trợ đến thời điểm hiện tại là trên 13 triệu lượt người với tổng số tiền là gần 6.000 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam cũng đã khẩn trương triển khai các nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngành. Cụ thể, tính đến hết ngày 15/8, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện xong việc gửi thông báo điều chỉnh mức đóng vào quỹ BHTNLĐ, BNN cho 375 nghìn đơn vị SDLĐ, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào quỹ BHTNLĐ, BNN (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) khoảng 4.322 tỷ đồng. Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 255 đơn vị với 42.721 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 302 tỷ đồng tại 35 tỉnh, thành. Xác nhận danh sách cho 297.146 lao động của 16.297 đơn vị SDLĐ để hưởng các chính sách tại 61 tỉnh, thành phố.

Có thể thấy, các chính sách hỗ trợ đã và đang được triển khai một cách tích cực, qua đó, kịp thời hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn do Covid-19.

Tạp chí BHXH