Đẩy mạnh chuyển đổi số, phục vụ người tham gia bảo hiểm

30/08/2021 07:26 PM


Trong những năm qua, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam luôn xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm (BH) thất nghiệp. Bên cạnh thuận lợi, vẫn còn những thách thức không nhỏ do số người phục vụ rất lớn, quy trình nghiệp vụ phức tạp, đòi hỏi ngành BHXH phải xác định được những vấn đề trụ cột, cốt lõi trong quá trình thực hiện chuyển đổi số...

Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị đầu tiên phối hợp ngành công an chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tại cuộc họp về đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam; kế hoạch cung cấp dịch vụ, tiện ích trên ứng dụng “VssID - BHXH số” và xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, Giám đốc Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam) Lê Nguyên Bồng cho rằng, về chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam cơ bản đã đi trước một bước, tuy nhiên cần phải tiếp tục rà soát để hoàn thiện và thực hiện theo các lộ trình của Kế hoạch ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của ngành giai đoạn 2021 - 2025...

Nâng cấp, bổ sung những tiện ích “đột phá” trên VssID

Theo Giám đốc Lê Nguyên Bồng, một điểm nhấn quan trọng của ngành trong kế hoạch chuyển đổi số là ứng dụng VssID - BHXH số. Từ khi ra mắt đến nay, ứng dụng đã không ngừng được cải tiến, nâng cấp. Hiện, ứng dụng có rất nhiều tính năng, tiện ích phục vụ linh hoạt các nhu cầu thông tin thiết yếu của người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT... Để tiếp tục nâng cao chất lượng người dùng, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Trung tâm CNTT đang lên kế hoạch tích hợp thêm ba tính năng mới rất hữu ích trên ứng dụng VssID, gồm: Thực hiện đăng ký tài khoản trực tuyến qua công nghệ eKYC; liên kết ví điện tử/Tài khoản ngân hàng; đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp bằng tài khoản định danh và mã QR code.

Với công nghệ eKYC, để đăng ký tài khoản VssID, người dùng sẽ không cần phải đến xác nhận tại cơ quan BHXH như hiện nay. Người dùng chỉ cần chụp ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của mình, sau đó quay lại gương mặt và điền thêm một số thông tin cơ bản khác. Công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ so sánh hình ảnh của người dùng và ảnh trên giấy tờ tùy thân để xác nhận xem dữ liệu có đúng không. Việc định danh khách hàng diễn ra nhanh chóng, độ chính xác cao do công nghệ nhận dạng, so khớp sinh trắc hình ảnh hiện nay rất phát triển giúp cung cấp trải nghiệm liền mạch, thoải mái và tiện lợi hơn cho khách hàng. eKYC giúp tăng sự hài lòng của khách hàng và bảo đảm khách hàng có thể sử dụng dịch vụ ngay khi hoàn tất đăng ký trực tuyến mà không cần tiếp xúc trực tiếp.

Về liên kết tài khoản ngân hàng để đóng BHXH, BHYT điện tử, đây là khâu cuối cùng trong thực hiện cung cấp dịch vụ công cấp độ 4 của ngành BHXH Việt Nam. Với việc liên kết ví điện tử, tài khoản ngân hàng cá nhân và doanh nghiệp vẫn có thể thực hiện việc đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên hệ thống điện tử mà không cần phải đến cơ quan BHXH để thực hiện nghĩa vụ này.

Người dùng thực hiện nộp trực tuyến đóng tiếp BHXH tự nguyện và tham gia BHYT theo hộ gia đình trên ứng dụng VssID, ngay khi nhận được tiền thanh toán, hệ thống của BHXH Việt Nam sẽ tự động ghi nhận quá trình tham gia BHXH tự nguyện và cấp thẻ BHYT cho người tham gia, giúp tiết kiệm thời gian và giảm các sai sót, rủi ro do cán bộ BHXH không phải thực hiện thủ công, qua đó, bảo đảm quyền lợi của người tham gia; đồng thời hỗ trợ người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Đổi mới mạnh mẽ trong chuyển đổi số

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu hiện nay, vì vậy toàn thể ngành BHXH phải nhận thức rõ về tầm quan trọng của chuyển đổi số, các nội dung chuyển đổi số và cách thức chuyển đổi số phù hợp nhiệm vụ ngành đang triển khai. Trong đó, phải tập trung ưu tiên những vấn đề trọng tâm như: xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về bảo hiểm, những nội dung kỹ thuật mới như liên kết tài khoản, về thanh toán, về eKYC...

Để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu cần nhanh chóng nghiên cứu, thành lập Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam. Trong đó, thực hiện phân công, phân nhiệm các nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, ứng với từng hoạt động chuyên môn, từng nghiệp vụ của các đơn vị trong ngành, cũng như trách nhiệm trong phối hợp chuyển đổi số. Đồng thời, xây dựng Đề án tổng thể về chuyển đổi số Ngành BHXH Việt Nam với những kế hoạch, nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị theo từng năm, từng giai đoạn.

Đối với việc kết nối, chia sẻ CSDLQG về dân cư với Bộ Công an, ngành BHXH Việt Nam được đánh giá là đi đầu, đồng hành cùng Bộ Công an trong việc chủ động tạo thuận lợi cho người tham gia chính sách BHXH, BHYT với gần 10 triệu người được xác thực thông tin có trong CSDLQG về dân cư. Trên cơ sở đó, thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục chủ động phối hợp, tiến tới việc ký kết Quy chế phối hợp toàn diện với Bộ Công an để hai bên tiếp tục chia sẻ, liên thông dữ liệu trên cơ sở bảo đảm tính pháp lý cũng như an toàn, bảo mật dữ liệu thông tin cá nhân.

Đối với xây dựng CSDLQG về bảo hiểm, cần xem xét và đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo, đồng thời với trách nhiệm được Chính phủ giao là cơ quan chủ quản CSDLQG về bảo hiểm, tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại nhiệm vụ trách nhiệm cụ thể của ngành BHXH Việt Nam; cụ thể hóa tiêu chí cần các bộ, ngành liên quan cung cấp chia sẻ, phối hợp của BHXH Việt Nam để triển khai, thực hiện 

Báo Nhân dân