BHXH- Nghề nhiều áp lực
17/11/2021 09:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chỉ riêng lo giải quyết các nghiệp vụ thường xuyên đã mệt nhoài, thời điểm này, hầu hết CCVC trong toàn ngành BHXH Việt Nam còn phải “oằn mình” lo xử lý một loạt nghiệp vụ phát sinh hậu COVID-19 như: Hỗ trợ cài đặt VssID, hỗ trợ NLĐ và DN hoàn tất hồ sơ nhận hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp... Chính bởi vậy, có nhiều câu chuyện xúc động với những đứa trẻ có bố mẹ làm nghề BHXH...
“Mẹ ơi, lên ngủ với con...”
Hơn một tháng qua, một bà mẹ có con nhỏ cứ sau khi tan tầm lại “ôm việc” về nhà. Buổi tối ăn uống qua loa, rồi lại ôm máy tính xử lý tiếp đến tầm 23h30 mới nghỉ. Tới 3h30 sáng, khi chuông báo thức vang lên lại bật dậy tắt chuông, vì sợ con thức giấc, rồi mẹ lại bật máy tính tiếp tục xử lý công việc cho đến sáng và tất tả đến cơ quan...
Riêng việc xử lý “hồ sơ 116” đã ngốn rất nhiều thời gian của nhiều người
Ngày này qua ngày nọ, cứ khoảng 20h, bà mẹ trẻ lại ứa lòng nghe con nhỏ khóc: “Mẹ ơi, lên ngủ với con...”. Người bố nằm cạnh chỉ biết xoa lưng đứa con bé bỏng. Đợi hơi mẹ riết không thấy, mệt quá, đứa bé thiếp đi. Còn ông bố hết nhìn con lại nhìn vợ cặm cụi với chiếc máy tính, thở dài…
Đó là câu chuyện có thực của một nữ chuyên quản thu thuộc BHXH quận 12 (TP.HCM), người đã có 13 năm gắn bó với nghề BHXH và hiện đang quản lý hơn 1.000 đơn vị, DN trên địa bàn. Trong đợt cao điểm thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ từ quỹ BH thất nghiệp theo Nghị quyết 116, có lúc nữ chuyên quản thu này ngủ lịm, đầu gục lên bàn phím, người “dính F0” nhưng việc cứ quấn lấy không buông.
Theo chia sẻ của lãnh đạo BHXH TP.HCM, toàn hệ thống BHXH Thành phố có tổng cộng 1.209 CCVC. Với tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 2/3, câu chuyện của nữ chuyên quản thu ở BHXH quận 12 không phải là cá biệt. Hầu hết các bà mẹ, ông bố trẻ đang làm việc trong hệ thống BHXH TP.HCM những ngày qua đều không còn chút thời gian nào dành cho gia đình, mà phải toàn tâm dốc sức cho công việc.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí BHXH, tình trạng này không chỉ diễn ra ở BHXH TP.HCM mà còn ở nhiều BHXH tỉnh, thành phố khác trên khắp cả nước. Nguyên nhân là do “hồ sơ 116” (hồ sơ nhận hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP) chỉ phát sinh xử lý trong thời gian ngắn, song nghiệp vụ ngắn hạn này cũng khiến “cán bộ BHXH” trong cả nước phải dồn bao nhiêu công sức, tâm huyết mới kịp cho NLĐ và các đơn vị SDLĐ nhận được hỗ trợ kịp thời, chính xác. Đáng nói, thông thường vào dịp cuối năm, các nghiệp vụ thường quy vốn đã rất cần dốc sức để thực hiện, thì với việc cộng thêm “hồ sơ 116”- yêu cầu nhanh và kịp thời, đã khiến những người trong nghề phải luôn tay luôn chân, đầu óc lúc nào cũng căng như dây đàn mới lo xuể.
Lăn xả vào việc
Theo thống kê, năm 2018, BHXH TP.HCM bị “hụt” đến 53 nhân sự do nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác... Năm 2019 và 2020, nhân sự BHXH địa phương này lại lần lượt hụt giảm 47 rồi 49 người. Tính từ đầu năm 2021 tới nay, hệ thống BHXH TP.HCM tiếp tục hụt thêm 39 người nữa, cũng do nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác... Trong khi đó, ngành BHXH Việt Nam lại chưa được phép tuyển thêm biên chế để đáp ứng được khối lượng công việc ngày càng tăng. Do đó, không quá khó để hình dung câu chuyện những người còn lại của BHXH TP.HCM phải chia nhau “gánh” nhiệm vụ (cả thường quy và phát sinh) của 188 nhân sự đã rời Ngành từ năm 2018 tới nay. “Áp lực công việc nhiều lắm em à”- ông Lê Hải Hồng- Trưởng phòng TCCB (BHXH TP.HCM) chia sẻ với phóng viên Tạp chí BHXH hôm 9/11.
Áp lực công việc tại BHXH TP..HCM những ngày cuối năm tăng cao
Hiểu rõ áp lực công việc của anh chị em trong đơn vị, ông Lê Hải Hồng- người nhiều năm kinh nghiệm điều hành BHXH quận Tân Bình, chia sẻ thêm rằng: “TP.HCM có số DN, NLĐ và người dân rất đông, nên nghiệp vụ nặng nề, áp lực lớn, nhưng đó cũng là câu chuyện chung của toàn Ngành mà em. Ở 63 tỉnh, thành cả nước, trong đó có TP.HCM, hệ thống BHXH địa phương nào cũng giống nhau chuyện hụt nhân sự, nên tăng áp lực công việc. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT và điều chỉnh bộ máy mà Ngành đã ráng làm trong thời gian qua để gia tăng hiệu quả xử lý nghiệp vụ, đã thực sự “chia lửa” áp lực công việc từ sự thiếu hụt nhân sự đó…”.
Ngoài phân tích thấu đáo vấn đề trên, ông Lê Hải Hồng còn trải lòng thêm về yếu tố con người trong thực hiện nhiệm vụ “dệt lưới an sinh”. Theo ông Hồng, có những đầu việc nếu ứng dụng CNTT khó tạo được hiệu ứng cao, đơn cử như việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Nói một cách công bằng, trong mỗi đầu việc, ứng dụng CNTT mang tính hỗ trợ là chủ yếu, còn chủ lực làm nên hiệu quả vẫn phải từ yếu tố con người. “Anh chị em BHXH mình cùng với lực lượng nhân viên đại lý, cộng tác viên, đại diện chính quyền địa phương trực tiếp đi vận động năm này qua năm nọ mới tạo được kỳ tích tỷ lệ bao phủ BHYT, BHXH tự nguyện đó. Trong chuyện này và vào thời điểm này, chưa trông cậy hoàn toàn vào ứng dụng CNTT đâu em, phải nhờ tới con người cơ”- ông Hồng trải lòng thêm.
Được biết, những ngày qua, hầu hết lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố, trong đó có BHXH TP.HCM, đã đến từng BHXH cấp quận, huyện để thăm hỏi, động viên, khích lệ tinh thần anh chị em. Trong câu chuyện “úy lạo tinh thần” này, lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố thường đề cập đến tình tiết “COVID-19, kiểu nào cũng phải lăn xả mà!”. Theo đó, trong cao điểm dịch bệnh, các thầy thuốc và nhân viên y tế cùng với các lực lượng chức năng khác đều lăn xả phòng chống dịch; thì nay tới giai đoạn hậu COVID-19, “người BHXH” cũng phải lăn xả để kịp tiếp sức NLĐ và chủ SDLĐ vượt qua khó khăn do dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội.
Dẫu biết các lực lượng tuyến đầu đi trước hầu hết “đơn nhiệm” (tập trung một nhiệm vụ chống dịch), còn với những người làm nghề BHXH hiện nay phải song hành thực hiện nhiệm vụ kép (nghiệp vụ thường quy và nghiệp vụ phát sinh). Song với họ, “COVID-19 mà, kiểu gì cũng phải lăn xả vào việc thôi!”.
Tình trạng thiếu hụt nhân sự BHXH, nhất là ở những địa phương tập trung đông dân và NLĐ, DN như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, An Giang... nếu không sớm được giải quyết thỏa đáng để “hạ nhiệt” áp lực công việc, sẽ đối mặt tình trạng người vững tay nghề phải dứt áo ra đi, dù trong thâm tâm họ vẫn yêu nghề. Bởi, thực tế cho thấy, để theo đuổi tới cùng một công việc thường xuyên chiếm dụng hầu hết thời gian dành cho gia đình, âu cũng là một yêu cầu không dễ dàng đáp ứng.
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số