BHXH Việt Nam đối thoại với DN Nhật Bản về thực hiện chính sách BHXH, BHYT

11/10/2022 09:45 PM


Chiều 11/10, tại TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị Đối thoại về thực hiện chính sách BHXH, BHYT với khoảng 100 DN có vốn đầu tư của Nhật Bản thuộc các tỉnh, thành Đông Nam Bộ gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.

Tham dự Hội nghị có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh; ông Đặng Minh Thông- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; ông Sasaki Shohei- Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; bà Ogawa Megumi- Trưởng ban Kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM; ông Kohama Hikaru- Tổng Thư ký Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM; lãnh đạo và cán bộ của gần 100 DN Nhật Bản. Về phía BHXH Việt Nam còn có đại diện lãnh đạo các vụ, ban, đơn vị thuộc BHXH Việt Nam; lãnh đạo BHXH các địa phương: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhiệt liệt hoan nghênh và chào mừng các đại biểu, đặc biệt là sự tham dự của lãnh đạo gần 100 DN Nhật Bản. Qua đó, mong muốn tạo sự gắn kết, đồng thuận, hiểu biết, hỗ trợ lẫn nhau giữa BHXH Việt Nam và các DN Nhật Bản đang hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT của Việt Nam; cũng như đảm bảo quyền lợi, chế độ an sinh xã hội cho NLĐ trong các DN Nhật Bản.

Theo Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh, hiện nay, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ ODA và nước tiếp nhận lao động Việt Nam lớn nhất, là đối tác du lịch đứng thứ ba, là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Về đầu tư, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ 3 tại Việt Nam với tổng số 4.873 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 65 tỷ USD. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư Nhật Bản; sau đó là lĩnh vực thông tin, truyền thông, xây dựng…

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Đáng chú ý, đến hết tháng 9/2022, BHXH Việt Nam đang phục vụ khoảng 87,5 triệu người dân Việt Nam tham gia BHYT, bằng 91% dân số; 17,2 triệu người tham gia BHXH, bằng 33% lực lượng lao động, bao gồm NLĐ làm việc tại DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tính riêng khối DN Nhật Bản, BHXH Việt Nam đang phục vụ hơn 2.100 DN với gần 525 nghìn NLĐ tham gia BHXH, với số thu BHXH chiếm 12,9% tổng thu của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam...

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh, để chuẩn bị cho sự kiện đối thoại có ý nghĩa quan trọng này, BHXH Việt Nam đã tiến hành khảo sát ý kiến nhiều DN Nhật Bản để tổng hợp, tiếp thu và phản hồi. “Chúng tôi mong sẽ tiếp tục nhận được thêm nhiều ý kiến góp ý, trao đổi, đối thoại thẳng thắn, có tính xây dựng từ các DN Nhật Bản trong phần sau của chương trình để giúp BHXH Việt Nam cùng các bộ, ngành tham vấn hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ và tạo thuận lợi hơn nữa cho NLĐ và các DN Nhật Bản mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Sự hiện diện của các vị đại biểu, các bộ ngành hữu quan, cùng đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Hội nghị này là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ hai nước”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh.

Ông Đặng Minh Thông- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu chào mừng Hội nghị

Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Đặng Minh Thông- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thay mặt địa phương đánh giá cao nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị đối thoại, nhằm cung cấp thông tin, giải đáp những vấn đề DN quan tâm về BHXH, BHYT. Theo ông Thông, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 39 dự án đầu tư của các DN Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký 3,8 tỷ USD, tập trung nhiều nhất tại KCN Phú Mỹ 1 và KCN Phú Mỹ 3. Nhật Bản đứng thứ 5 trong các quốc gia có vốn đầu tư lớn tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh như: Sản xuất thép, kính công nghiệp, hóa chất hiếm, khí công nghiệp, giấy bao bì, ren và gia công ống dầu khí, may mặc, cảng biển… Trong đó, phần lớn DN đang hoạt động kinh doanh ổn định, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, như: Công ty TNHH Thép Vina Kyoei, Công ty Hanacans- thuộc Tập đoàn Showa Denko, Công ty TNHH Cảng Quốc tế Tân Cảng-Cái Mép, Công ty TNHH Nitori…

Trong suốt thời gian qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đến tìm hiểu, đầu tư. Lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với các DN, trong đó có DN Nhật Bản, thành lập Tổ công tác Nhật Bản (Japan Desk) trong vai trò cầu nối cho các nhà đầu tư Nhật Bản đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp các DN hoạt động tốt hơn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đầy đủ, kịp thời của các tổ chức quốc tế như: Đại sứ quán Nhật Bản, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM, Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, Văn phòng JICA Việt Nam.

Ông Đặng Minh Thông khẳng định, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài nói chung và nguồn vốn FDI Nhật Bản nói riêng. Trong đó, tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển hệ thống kết nối hạ tầng trên địa bàn. Đặc biệt, địa phương kiên trì mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, gắn với bảo vệ môi trường để đẩy mạnh phát triển 4 trụ cột kinh tế của tỉnh là: Công nghiệp, cảng biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; tập trung triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng; cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tư nhân; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ DN khắc phục khó khăn trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Ông Sasaki Shohei- Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản phát biểu tại Hội nghị

Tham dự sự kiện quan trọng này, ông Sasaki Shohei- Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã có những thông tin về định hướng hợp tác của Nhật Bản trong thời gian tới; đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc đến BHXH Việt Nam đã dành sự quan tâm đối với các DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Theo ông Sasaki Shohei, trước khi chuẩn bị cho cuộc đối thoại này, BHXH Việt Nam đã có tư vấn, gợi ý cho các DN Nhật Bản tiến hành khảo sát bằng bảng câu hỏi trước về những vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Vì vậy, ông Sasaki Shohei mong muốn ngành BHXH Việt Nam có giải đáp thỏa đáng, để các DN Nhật Bản thực hiện chính sách BHXH, BHYT một cách tốt hơn nữa. “Trong ngày hôm nay sẽ có những ý kiến tiêu biểu được nêu lên. Với vai trò là thành viên Đại sứ quán, chúng tôi hiểu được tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT. Rất mong ngành BHXH, các cơ quan chức năng giải thích thêm cho các DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam được rõ. Cuối cùng, tôi xin gửi lời chúc thành công tới Hội nghị hôm nay, chúc sức khỏe các đại biểu và sự phát triển hơn nữa quan hệ Nhật Bản-Việt Nam”- ông Sasaki Shohei chia sẻ.

Ông Dương Văn Hào thông tin về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT của DN Nhật Bản

Thông báo đến các DN Nhật Bản về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tại Việt Nam, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) đã khái quát một số nội dung trọng tâm về các quy định pháp luật mà cộng đồng DN quan tâm qua việc thu thập, tổng hợp ý kiến gần 300 DN Nhật Bản tại Việt Nam mà BHXH Việt Nam vừa thực hiện. Đơn cử như: Quy định về tiền lương, HĐLĐ; việc tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ nước ngoài; việc giải quyết chế độ BHXH, BHYT cho NLĐ thuộc các DN FDI, trong đó có các DN Nhật Bản; tình hình KCB BHYT cho NLĐ làm việc tại DN FDI…

Theo ông Hào, thời gian qua, NLĐ tại các DN Nhật Bản hưởng chế độ chiếm tỷ lệ khá cao so với khối DN FDI và việc giải quyết các chế độ cho NLĐ được cơ quan BHXH thực hiện rất tốt. Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2022, số lượt người hưởng chế độ ốm đau ở DN Nhật Bản là 577 nghìn lượt, chiếm 16,53% so với DN FDI; số tiền hưởng của FDI Nhật Bản là 423 tỷ đồng, bằng 15,77% so với DN FDI; số lượt hưởng chế độ thai sản ở DN Nhật Bản khoảng 57,8 nghìn lượt, chiếm khoảng 15,87% so với DN FDI; tương ứng với số tiền hưởng là 555,6 tỷ đồng, chiếm khoảng 14,31% số tiền hưởng của DN FDI. Số người hưởng BHXH một lần ở DN Nhật Bản khoảng 8.394 người, chiếm khoảng 5,86% so với DN FDI, với số tiền hưởng hơn 621 tỷ đồng, chiếm 6,91% số tiền hưởng của DN FDI. số người hưởng chế độ TCTN ở DN Nhật Bản khoảng 12.261 người, chiếm khoảng 6,86% so với DN FDI, với số tiền hưởng hơn 2.105 tỷ đồng, chiếm 11,01% số tiền hưởng của DN FDI...

Cũng theo ông Dương Văn Hào, qua tổng hợp các ý kiến, đề xuất của DN cho thấy, một số DN còn gặp những khó khăn phát sinh trong thực tiễn thực hiện chính sách và đề xuất BHXH Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu thay đổi biểu mẫu, hồ sơ. Đáng chú ý, có nhiều nội dung đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc tích hợp thông tin trên CCCD gắn chip; đồng thời đề nghị BHXH Việt Nam cần đẩy mạnh CCHC trong các lĩnh vực nghiệp vụ, trong đó có việc thực hiện chính sách BHYT cho NLĐ là người nước ngoài.

Đại diện BHXH Việt Nam, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đại sứ quán Nhật Bản tham gia đối thoại tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đại diện các DN Nhật Bản đã nêu các ý kiến, thắc mắc, trao đổi về những khó khăn trong thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT cũng như xúc tiến đầu tư tại Việt Nam. Những câu hỏi, ý kiến thắc mắc của các đại biểu đã được đại diện lãnh đạo BHXH Việt Nam, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và các đơn vị chức năng của BHXH Việt Nam giải đáp thỏa đáng.

Trong đó, các DN đặc biệt quan tâm đến các vấn đề như: Quyền lợi khi NLĐ làm việc tại DN Nhật Bản; NLĐ Nhật Bản làm việc ở Việt Nam được hưởng chế độ BHXH, BHYT ra sao; NLĐ đã đóng BHXH tại Nhật Bản thì có được miễn đóng BHXH tại Việt Nam hay không; việc KCB BHYT đối với lao động người nước ngoài còn trở ngại…

Đại diện một DN Nhật Bản nêu câu hỏi với BTC

Về các vấn đề DN nêu tại Hội nghị, đại diện BHXH Việt Nam đã trả lời khá cụ thể. Theo đó, đóng BHXH sẽ thực hiện theo nguyên tắc tránh song trùng, nhất là khi thời gian tới giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ ký Hiệp định song phương về BHXH. Về chế độ BHXH, BHYT đối với người Việt Nam cũng như người nước ngoài làm việc tại Việt Nam cơ bản giống nhau. Tuy nhiên, khó khăn là về ngôn ngữ, nên việc KCB BHYT chưa được như mong muốn, đòi hỏi phải cải tiến chính sách để việc thực hiện được hiệu quả hơn. Liên quan đến CCHC, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, hiện ứng dụng VssID của Ngành đã thu hút hơn 30 triệu người cài đặt, với 5 thứ tiếng, trong đó có tiếng Nhật, nên rất thuận lợi cho NLĐ và DN Nhật Bản…

Trao tặng Bằng khen cho các DN Nhật Bản thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT

Đặc biệt, tại Hội nghị, ghi nhận các DN FDI Nhật Bản có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT năm 2022, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh và ông Sasaki Shohei- Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Nhật Bản đã trao tặng Bằng khen của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và tặng hoa chúc mừng 12 DN Nhật Bản. Cụ thể, tại TP.HCM có Công ty TNHH Thiết kế Renesa Việt Nam, Công ty NISSEY (Việt Nam), Công ty Kim may ORGAN Việt Nam. Tại tỉnh Đồng Nai có Công ty FICT Việt Nai, Công ty MITSUBA Việt Nam, Công ty Muto-Việt Nam. Tại tỉnh Bình Dương có Công ty Omron Healthcare Manufacturing Việt Nam, Công ty Wonderful Sài Gòn Electrics, Công ty YAZAKI EDS Việt Nam. Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có Công ty Thép VINA KYOEI, Công ty Liên doanh Ống thép SENDO, DN Chế xuất Nitori Việt Nam- Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh ý nghĩa của việc tổ chức Hội nghị; đồng thời cho biết: "Tôi thật sự vui mừng và đánh giá cao tinh thần trao đổi thẳng thắn, có trách nhiệm của các DN Nhật Bản cũng như sự tương tác hiệu quả của các cơ quan hữu Việt Nam". Theo Phó Tổng Giám đốc, đã có trên 20 ý kiến phát biểu, trao đổi, kiến nghị của các đại biểu tham gia đối thoại, liên quan chủ yếu đến những vấn đề như: Đảm bảo quyền an sinh xã hội của lao động Nhật Bản tại Việt Nam theo Nghị định 143/2018/NĐ-CP; các TTHC liên quan đến cấp giấy phép hành nghề của lao động phái cử, KCB BHYT, giải quyết chế độ cho lao động nước ngoài có thời gian làm việc tại Việt Nam, tăng giảm mức đóng BHXH, BHYT.

"Các nội dung trao đổi hôm nay khá rộng, cơ bản phản ánh đúng những bất cập trong thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, do các vấn đề trao đổi hôm nay thuộc sự quản lý, phụ trách của nhiều bộ, ngành và các cơ quan quản lý tại địa phương khác nhau. Do đó, chúng tôi đã ghi nhận các nội dung một cách rất nghiêm túc, đầy đủ và sẽ chuyển đến các cơ quan hữu quan của Chính phủ Việt Nam; cũng như sẽ tiếp thu các ý kiến để sửa đổi và hoàn chỉnh các quy trình thủ tục nội bộ, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài nói chung và DN Nhật Bản nói riêng hoạt động đúng pháp luật của nhà nước Việt Nam, có hiệu quả và đặc biệt đảm bảo ngày càng tốt hơn chế độ an sinh xã hội cho NLĐ"- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh khẳng định.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cũng chân thành cảm ơn sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về an sinh xã hội của Việt Nam, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản, Hiệp hội DN Nhật Bản tai TP.HCM; cùng đại diện các DN Nhật Bản tại 4 địa phương (Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu) và các đơn vị tham gia tổ chức đã góp phần quan trọng vào sự thành công của Hội nghị.