Tham gia bảo hiểm y tế để được chia sẻ gánh nặng khi ốm đau, bệnh tật

26/06/2023 08:27 PM


Tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình không chỉ giúp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, giảm gánh nặng tài chính khi ốm đau, bệnh tật mà đây còn là một bước đệm quan trọng để thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.

BHYT - chiếc phao cứu sinh cho người dân

Nhằm khuyến khích những người làm nghề tự do tham gia BHYT hộ gia đình, Nhà nước đã trợ giá mức tham gia BHYT cho các thành viên trong cùng một hộ gia đình, để ai cũng có “chiếc phao cứu sinh” khi không may bị bệnh tật, tai nạn.

Theo đó, gia đình có càng nhiều người tham gia thì mức đóng BHYT càng thấp. Cụ thể, những người tham gia trước ngày 30/6/2023: Mức đóng BHYT hộ gia đình cho các thành viên như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở hiện hành với số tiền tương ứng là 67.050 đồng/tháng, 804.600 đồng/năm; Người thứ hai, thứ ba, thứ tư và thứ năm trở đi đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50%, 40% mức đóng của người thứ nhất. Từ ngày 01/7/2023: Mức đóng BHYT hộ gia đình cho các thành viên như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở hiện hành (Từ ngày 01/7/2023 là 1.800.000 đồng) với số tiền tương ứng là 81.000 đồng/tháng, 972.000 đồng/năm; Người thứ hai, thứ ba, thứ tư và thứ năm trở đi đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50%, 40% mức đóng của người thứ nhất.

Cùng với đó, quy định tham gia BHYT hộ gia đình không bắt buộc cả hộ gia đình đóng tiền cùng một thời điểm mà có thể mua nhiều lần trong năm tài chính vẫn được giảm trừ mức phí từ thành viên thứ hai trở đi. Người tham gia BHYT được lựa chọn đóng định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần… Những điều này sẽ phần nào giảm gánh nặng tham gia BHYT cho nhiều hộ gia đình khó khăn.

Cán bộ BHXH huyện Krông Năng tư vấn mức đóng BHYT từ ngày 1/7/2023 cho ông Trương Lợi

Ông Trương Lợi, người dân Thôn Xuân Hòa, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng từ nhiều năm nay đều tham gia BHYT theo hộ gia đình. Ông Lợi chia sẻ, gia đình ông có 3 thế hệ cùng chung sống, do đó, mỗi năm chi phí tham gia BHYT cho các thành viên trong gia đình là khá lớn. Để tất cả các thành viên đều vừa có BHYT để chăm sóc sức khỏe vừa tiết kiệm chi phí mua nên mấy năm nay cả nhà ông đều tham gia theo hình thức hộ gia đình. Trung bình mỗi năm, ông dành số tiền trên 1,8 triệu đồng để mua BHYT. Ông được biết, tháng 7 tới đây, mức đóng BHYT sẽ tăng do mức lương cơ sở tăng (từ hơn 1,8 triệu lên hơn 2,2 triệu/ 3 người). Với gia đình làm nông thì đây là số tiền đáng kể, thế nhưng với ý thức phòng ngừa những lúc không may bị ốm đau, tai nạn, tới đây, ông vẫn tiếp tục tham gia BHYT cho các thành viên trong gia đình.

Từ nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Hoa (thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng) thường xuyên phải nhập viện để điều trị bệnh tim, phổi. Trong khi đó, gia đình bà chỉ có một mẹ một con, nhà lại thuộc diện hộ cận nghèo nên cuộc sống càng khó khăn, vất vả. Trước đây, khi còn khỏe, bà làm công việc tạp vụ cho một cơ quan nhưng nay phải nghỉ vì sức khỏe yếu. Bao nhiêu gánh nặng từ chi phí sinh hoạt, ăn uống, điều trị bệnh đều đặt lên vai người con. Bà Hoa bày tỏ: “Mỗi lần nhập viện tôi phải nằm điều trị hơn một tháng, về nhà được vài hôm thì bệnh lại tái phát. Nhờ có thẻ BHYT, mỗi lần đi nằm viện đỡ được nhiều lắm, kéo dài được sự sống cho bản thân, nếu không có BHYT thì chắc chịu chết, vì đau bệnh dài ngày, nằm viện lâu, khổ con cái”

Có thể thấy, việc tham gia BHYT đã và đang mang lại lợi ích rất lớn cho người tham gia. Đối với những người lao động tự do có kinh tế khó khăn, không có thu nhập ổn định, khi không may bị bệnh, tai nạn thì tiền viện phí là cả một vấn đề lớn, nếu có BHYT sẽ đỡ bớt gánh nặng. Mặc khác, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình còn từng bước thực hiện mục tiêu cộng đồng cùng chia sẻ rủi ro với người bệnh, mức độ thấp nhất là các thành viên trong cùng gia đình chia sẻ cho nhau, mức độ cao nhất là thực hiện BHYT toàn dân. Đây được coi là hình thức tiết kiệm "đóng góp khi lành - để dành khi ốm" nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi bản thân hoặc thành viên trong gia đình bị ốm đau, bệnh tật.

Nỗ lực để người dân tham gia BHYT

Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến cuối tháng 5/2023, số người tham gia BHYT là 1.644.354 người; tăng 28.263 người so với 31/12/2022, tăng 59.782 người so với cùng kì năm 2022; có 1.095.861 lượt khám chữa bệnh BHYT với tổng chi phí thanh toán là 556,8 tỷ đồng.

BS.CKI Hồ Đức Châu - Trưởng khoa Ngoại sản- chăm sóc sức khỏe sinh sản -Trung tâm Y tế huyện Krông Năng cho biết: Việc tham gia BHYT đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo, người mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính. Nếu có BHYT người bệnh sẽ yên tâm điều trị bệnh vì sẽ có tâm lý thoải mái khi không bị gánh năng chi phí. Bởi nếu không may mắc bệnh và phải điều trị dài hạn thì tấm thẻ sẽ BHYT trở thành “phao cứu sinh” cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo. Để tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân, thời gian qua, trung tâm y tế huyện cũng đã đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện cho người dân đến khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, trang thiết bị.... Có sự phối hợp giữa cơ sở KCB và cơ quan BHXH, người bệnh cũng an tâm hơn trong điều trị bệnh.

Ông Nguyễn Khắc Tuấn - Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, để tiếp tục phát triển tỷ lệ người dân tham gia BHYT, thời gian qua, ngành BHXH tỉnh đã tích cực phối hợp với BHXH huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích tham gia BHYT; phối hợp với các cơ sở KCB đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu những thủ tục không cần thiết để tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia BHYT. Ngoài các buổi đối thoại trực tiếp ở cơ sở thì đội ngũ cán bộ BHXH đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động và giải đáp những băn khoăn, vướng mắc của người dân trong quá trình tham gia và hưởng quyền lợi BHYT hộ gia đình. Chính nhờ đó, nhận thức của người dân về chính sách, pháp luật BHYT được nâng lên, góp phần phát triển mở rộng người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh./.

 

Phạm Loan