Nhiều NLĐ rút BHXH một lần chỉ để mua xe, điện thoại mới

11/08/2023 09:45 PM


Ngày 11/8, tại TP.HCM, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Tham dự và đóng góp ý kiến có đại diện Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, cùng đại diện NLĐ, tổ chức Công đoàn cơ sở và DN một số địa phương phía Nam.

Thông tin tại Hội thảo, ông Nguyễn Duy Cường- Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, ở lần sửa đổi này, câu chuyện hạn chế nhận BHXH một lần được tiếp cận theo hướng gia tăng quyền lợi, tạo thuận lợi và nhiều cơ hội cho NLĐ hưởng lương hưu; thêm lựa chọn cho NLĐ ở lại hệ thống sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng và được NSNN đảm bảo về BHYT...

Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Luật BHXH (sửa đổi)

Về tình trạng rút BHXH một lần, ông Đỗ Ngọc Thọ- Trưởng ban Thực hiện chính BHXH (BHXH Việt Nam) cho hay, thời gian qua, tỷ lệ người hưởng BHXH một lần tăng nhanh hơn tỷ lệ người tham gia BHXH. Năm 2016, tốc độ bình quân 10-12%, đến giai đoạn 2016-2022 đã có gần 5 triệu người hưởng BHXH một lần, trong đó gần 1,3 triệu người hưởng xong quay lại tham gia tiếp (chiếm 26%) và có đến 80% người hưởng ở độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi.

Theo ông Thọ, rút BHXH một lần như nhiều người nói là "quyền của NLĐ" không sai, song điều này khiến NLĐ anh đang tự tước bỏ quyền được hưởng an sinh, sau này sẽ tạo gánh nặng cho Nhà nước trong việc đảm bảo an sinh cho họ. Đáng nói, người từ 20 đến 30 tuổi, người còn trẻ khỏe, đủ khả năng tạo thu nhập, thì lại tiêu vào “của để dành”, để rồi sau này khi về già lại trắng tay, nên bản thân họ rất bị thiệt thòi.

Theo đại diện BHXH Việt Nam, cần nhìn lại yếu tố khó khăn mà nhiều người đưa ra làm lý do khi rút BHXH một lần. Ví dụ, nói tỷ lệ nữ rút cao, khó khăn, nhưng thực ra tỷ lệ nữ tham gia BHXH nhiều hơn. Còn nói khó khăn, thì từ Huế trở ra phía Bắc, tại sao NLĐ rút BHXH một lần rất ít?... Đây là vấn đề cần xem xét để có định hướng tuyên truyền, giữ NLĐ lại hệ thống an sinh.

Chia sẻ thực tế ở DN của mình, ông Trần Thanh Sơn- đại diện một DN ở quận 12 (TP.HCM) thẳng thắn cho rằng: “Chính sách BHXH xây dựng nền tảng cho xã hội, nếu không có nền tảng thì rất nguy. Theo khảo sát của tôi, 90% NLĐ họ nhận BHXH một lần không phải vì cấp bách rất cần tiền, mà là để mua xe, điện thoại, chỉ khoảng 15% vì cấp bách thực sự”. Cũng theo ông Sơn, việc NLĐ nghỉ việc rồi rút BHXH một lần cũng làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của DN, gây xáo trộn nhận sự.

Ông Đinh Sỹ Phúc- Chủ tịch Công đoàn Công ty Taekwang Vina nêu ý kiến tại Hội thảo

Trong khi đó, ông Đinh Sỹ Phúc- Chủ tịch Công đoàn Công ty Taekwang Vina (Đồng Nai)- DN đang sử dụng 31.000 NLĐ cho rằng, nhiều Công đoàn cơ sở trong hệ thống cũng nêu lên nguyên nhân nhiều NLĐ nghỉ việc rút BHXH một lần là do khó khăn, mất việc, mua điện thoại, mua xe. Tuy nhiên, ông Phúc cho biết, có một điều đáng mừng đó là đa số NLĐ đều bày tỏ mong muốn sau này được nhận lương hưu; còn các vấn đề khác như mất việc, thiếu vốn, khó khăn không phải yếu tố khiến họ rút BHXH một lần.

Là người từng rút BHXH một lần, anh Hùng (41 tuổi, công nhân Công ty Yazaki, Bình Dương) cho biết, hồi còn trẻ cứ nghĩ lĩnh BHXH một lần rồi ra làm việc tự do là xong. Bên cạnh đó, thông tin về lương hưu, BHYT, tử tuất cho người thân lúc đó không có, chưa được tiếp cận. Bây giờ làm việc ở Công ty Yazaki ổn định, lại được tham gia BHXH lâu dài là điều rất mừng với anh. Vì vậy, anh Hùng kiến nghị cơ quan chức năng và báo chí cần truyền thông nhiều hơn nữa về thiệt thòi khi nhận BHXH một lần để đông đảo NLĐ hiểu rõ...

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Thuần Phong- Phó Chủ tịch Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, NLĐ nhận BHXH một lần do 2 khả năng, đó là NLĐ thực sự khó khăn hoặc NLĐ thấy BHXH một lần có lợi trước mắt nên rút. Vì vậy, cần phải hạn chế tình trạng rút theo phong trào; đồng thời hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với nhóm NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, thời gian qua quy định nhận BHXH một lần quá dễ nên mới xảy ra tình trạng nhiều NLĐ rút khỏi hệ thống BHXH.

Do đó, theo ông Đặng Thuần Phong, bên cạnh khuyến khích NLĐ ở lại hệ thống, thì chính sách phải tính toán để tăng quyền lợi cho người hưởng lương hưu, giảm quyền lợi khi hưởng BHXH một lần. Đồng thời, cần có cơ chế để “hút” NLĐ vào hệ thống, đặc biệt là cơ chế cho những NLĐ bảo lưu, tham gia ổn định từ đầu đến khi nghỉ hưu. Đặc biệt, thời gian tới, công tác truyền thông về BHXH một lần nên tập trung vào nhóm công nhân, NLĐ trong các KCX-KCN.

Tạp chí BHXH