Mở rộng người tham gia, đẩy nhanh tiến trình BHXH toàn dân
10/01/2025 11:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), một trong những mục tiêu của cải cách là để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Quán triệt mục tiêu đó, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng đến công tác phát triển và tăng diện người tham gia BHXH thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, thông qua chỉ tiêu kế hoạch và giao chỉ tiêu, nhiệm vụ đến từng cấp ủy đảng, chính quyền. Nhìn về quá trình phát triển của chính sách BHXH, chúng ta có thể thấy rằng quá trình phát triển đối tượng, mở rông người tham gia gắn liền với từng thời kỳ ban hành các văn bản quy phạm phạm pháp luật.
Lao động tự do được tham gia BHXH tự nguyện để được thụ hưởng các chế độ, chính sách về BHXH
Trước đổi mới, đối tượng tham gia và thụ hưởng các chính sách BHXH chỉ gói gọn trong đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước; khi Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 thì đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đã được mở rộng đến tất cả mọi người lao động làm công hưởng lương ở tất cả các thành phần kinh tế, trong đó đáng chú ý là người lao động ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người lao động ở các Hợp tác xã…mà những đơn vị này có 10 lao động trở lên.
Khi Luật BHXH số 71/2006/QH 11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội Khóa 11 được ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/01/2007 thì đối tượng tham gia BHXH được mở rộng hơn nữa, ngoài các đối tượng làm việc trong khu vực Nhà nước thì tất cả người lao động ở các thành phần kinh tế mà có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên, người làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó đã đóng BHXH bắt buộc… đều thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Ngoài ra, Luật này cũng điều chỉnh cho phép mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên được tham gia BHXH tự nguyện để được thụ hưởng các chế độ, chính sách về BHXH.
Hiện nay, người lao động tham gia BHXH theo quy định của Luật BHXH số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 của Quốc hội Khóa 13; đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên; đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được mở rộng hơn nữa, bao gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; Cán bộ, công chức, viên chức; Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối cới quân nhân; Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
Việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tạo điều kiện thông thoáng cho người dân tham gia BHXH tự nguyện, xác định mở rộng độ bao phủ BHXH là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tiến tới mục tiêu BHXH toàn dân mà Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã đề ra, Ngành BHXH đã quyết liệt triển khai linh hoạt các giải pháp để vận động, phát triển người tham gia BHXH nên đã đạt được những kết quả tích cực, hoàn thành vược mức các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Tính đến hết năm 2024, toàn Ngành đã phát tiển được 20,11 triệu người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ 42,71% lực lượng trong độ tuổi tham gia BHXH; riêng tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, số người tham gia BHXH không ngừng tăng theo từng năm, tính đến 31/12/2024, số người tham gia BHXH là 149.254 người, đạt 15,47%/lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó: tham gia BHXH bắt buộc là 119.451 người; đạt 100% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao; tăng 6.661 so với cuối năm 2023, đạt 12,38%/lực lượng lao động trong độ tuổi; tham gia BHXH tự nguyện là 29.803 người; đạt 100% kế hoạch, tăng 5.195 người so với cuối năm 2023, đạt 3,09%/lực lượng lao động trong độ tuổi.
Từ tháng 7/2025, khi Luật BHXH số 41/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội Khóa 15 có hiệu lực, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được mở rộng hơn nữa, ngoài đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo Luật BHXH số 58/2014/QH13 thì đối tượng được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bao gồm: Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; Người lao động làm việc không trọn thời gian; Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban Kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Luật BHXH số 41/2024/QH15 giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với đối tượng khác mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên trên cơ sở đề xuất của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Quy định này tạo điều kiện cho việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm đối tượng khác phù hợp với sự thay đổi của quan hệ lao động, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của NLĐ trong tương lai, bởi do tác động của sự phát triển khoa học, công nghệ trên thế giới và cả Việt Nam đã, đang và sẽ xuất hiện các mô hình kinh tế mới. Điển hình nhất tại Việt Nam là mô hình kinh tế tự do; ngoài ra còn có thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn…Từ những mô hình mới này sẽ xuất hiện những nhóm người lao động mới trong xã hội, không nằm trong khuôn mẫu người lao động truyền thống.
Việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH (cả bắt buộc và tự nguyện) của Luật BHXH số 41/2024/QH15 nhằm mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của người dân theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ BHXH toàn bộ lực lượng lao động./.
Trương Văn Bá
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID
Giới thiệu BHXH VN tiếng Việt
Giới thiệu ứng dụng VssID Bảo hiểm xã hội số