Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Tăng viện phí cần có lộ trình

05/08/2011 06:31 AM


Bà Trương Thị Mai phát biểu tại kỳ họp Quốc hội

PV: Thưa bà, trong nhiệm kỳ QH khóa XIII lần này, Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH sẽ phối hợp cùng với Bộ Y tế như thế nào để giải quyết các vấn đề được cử tri cả nước hiện nay quan tâm?

Bà Trương Thị Mai: Trong nhiệm kỳ khóa XII vừa qua, sự phối hợp giữa Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH với Bộ Y tế rất chặt chẽ. Kết quả, đã trình ra QH một số chính sách rất quan trọng để công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được tốt hơn. Ví dụ như Luật BHYT đã đề ra lộ trình chính sách BHYT toàn dân là vấn đề quan trọng giải quyết vấn đề an sinh xã hội. QH cũng thông qua Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm để có cơ sở pháp lý triển khai công tác y tế dự phòng tốt hơn. Bên cạnh đó, QH cũng đã ra Nghị quyết 18 để ngành y tế có thêm nguồn lực và xã hội hóa y tế được tốt hơn. Rồi Luật Khám bệnh, chữa bệnh được thông qua để công tác khám chữa bệnh có hành lang pháp lý thống nhất, từ đó việc giảm tải bệnh viện (BV) sẽ được thực hiện tốt hơn… Trong nhiệm kỳ XIII này, chúng ta có thể nghiên cứu để trình ra QH một số dự thảo luật như Luật An toàn truyền máu, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Pháp lệnh Dân số có thể sẽ được nâng lên thành Luật Dân số. Rồi chúng ta cũng có thể sửa đổi Luật Dược để việc quản lý thuốc cũng như giá thuốc được tốt hơn. Tôi nghĩ rằng những vấn đề trên khi được thảo luận và nếu được QH thông qua sẽ giải quyết tốt hơn vấn đề nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của nhân dân. Ngoài ra, theo tôi, một số chính sách cần có tính phản biện hơn để có thể đưa ra những vấn đề hợp lý và thích đáng…

PV: Như trên bà có đề cập Luật Khám bệnh, chữa bệnh ra đời đã tạo cơ sở rất lớn để quá trình giảm tải BV được tốt hơn. Thực tế cũng cho thấy, những năm gần đây, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp tích cực để chống quá tải cho các BV tuyến TW, tuy nhiên để làm tốt hơn công tác này, theo bà tới đây chúng ta cần làm gì?

Bà Trương Thị Mai: Vấn đề giảm tải BV cần phải giải quyết đồng bộ. Một là, tăng thêm cơ sở vật chất như vừa rồi trái phiếu Chính phủ dành kinh phí lớn cho y tế tuyến huyện. Rồi tăng thêm nguồn nhân lực cho tuyến dưới. Tôi cho rằng, việc thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế trong 3 năm nay cũng là góp phần để tăng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tuyến dưới. Thực tế cho thấy, giải quyết vấn đề giảm tải BV không chỉ trông chờ vào các cơ quan quản lý nhà nước, chính sách của QH mà còn phụ thuộc vào ý thức của người dân. Ví dụ như trạm y tế xã, BV huyện cũng đã giải quyết khá tốt những bệnh cơ bản, thông thường cho người dân, tuy nhiên tâm lý của người dân lại thích dồn lên tuyến trên. Vì vậy, giải quyết vấn đề này cần phải từ các cơ quan quản lý nhà nước, thể hiện qua việc ban hành chính sách, tổ chức thực hiện… Đồng thời, cần tuyên truyền rộng rãi cho người dân về mức độ bệnh tật như thế nào thì đi tuyến nào cho phù hợp… Còn nếu cứ như hiện nay, bệnh gì cũng lên tuyến trên thì chúng ta rất khó khăn để giải quyết quá tải BV. Tôi xin nhấn mạnh rằng, để giải quyết triệt để quá tải BV cần sự đồng bộ từ nhiều phía. Từ cơ quan quản lý nhà nước cấp trên, chính quyền địa phương, tăng cường xã hội hóa…

PV: Thưa bà, trong nhiệm kỳ khóa XIII này, vấn đề điều chỉnh viện phí sẽ được xem xét như thế nào?

Bà Trương Thị Mai: Vấn đề viện phí, Nghị quyết 18 đã đề cập, rồi nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước cũng đã nhắc đến. Quan trọng hiện nay là Chính phủ chuẩn bị triển khai như thế nào. Theo tôi, việc tăng viện phí đã là chủ trương rồi. Bây giờ cần thiết lập lộ trình, tăng như thế nào để phù hợp với điều kiện sống của người dân, phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH, để người dân có thể chấp nhận mức tăng.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Theo SKĐS