Một số vấn đề cần lưu ý khi giải quyết chế độ BHXH một lần

07/03/2013 03:13 AM


Hình minh họa

Để góp phần giúp cho cán bộ nghiệp vụ làm công tác chế độ chính sách ở BHXH huyện thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, tránh những sai sót không cần thiết, trong phạm vi bài viết này, tôi xin đề cập đến những điểm cơ bản khi giải quyết chế độ BHXH một lần.

Về cơ bản, nhiệm vụ chính của việc giải quyết chế độ BHXH một lần là tính cho đúng số tiền trợ cấp và chi trả đầy đủ cho người lao động, hai thành phần quyết định số tiền được hưởng đó là thời gian công tác có đóng BHXH và mức đóng BHXH.

Về thời gian công tác, khi thực hiện nhập số liệu cần phải cẩn thận, trước nhất phải kiểm tra trang sau cùng của sổ BHXH để xác định người lao động đã hưởng BHXH một lần hay chưa, nếu đã hưởng thì đã hưởng thời gian nào trong sổ BHXH? Tra cứu thông tin giải quyết 1 lần từ cơ sở dữ liệu của BHXH Việt nam trên trang http://tracuu.vssic.gov.vn và danh sách đã hưởng 565 tại website http://bhxhdaklak.gov.vn; việc nhập số liệu phải nhập đầy đủ thời gian công tác từ khi bắt đầu tham gia BHXH cho đến khi nghỉ việc, một số trường hợp người lao động di chuyển nhiều cơ quan, đơn vị phải thực hiện chốt sổ nhiều lần thì phải kiểm tra đến trang chốt sau cùng để nhập thời gian công tác, không nhập thiếu thời gian đóng BHXH của đối tượng; trong quá trình nhập cần chú ý đến thời gian công tác trong quân đội, thời gian gián đoạn không đóng BHXH. Khi nhập xong cần kiểm tra lại thời gian tham gia BHXH trên Bản xác nhận quá trình tham gia BHXH với sổ BHXH và đơn đề nghị của người lao động, nếu có sự chênh lệch thì phải kiểm tra, đối chiếu và điều chỉnh lại cho đúng, nếu số liệu hoàn toàn chính xác, trùng khớp giữa các hồ sơ, giấy tờ thì coi như đã hoàn chỉnh phần nhập liệu về thời gian công tác.

Đối với tiền lương đóng BHXH, có 2 hình thức lương đóng BHXH đó là đóng theo thang, bảng lương do nhà nước quy định và đóng theo lương do chủ sử dụng quyết định. Đối với những trường hợp đóng theo thang, bảng lương do nhà nước quy định thì cần chú ý nhập đúng thời gian được hưởng hệ số lương tương ứng, đối với những trường hợp mà mức bình quân tiền lương đóng BHXH có tính từ tháng 10/2004 trở về trước thì kiểm tra xem mức lương tính hưởng BHXH đã được điều chỉnh theo Nghị định số 204/NĐ-CP, Nghị định số 205/NĐ-CP hay chưa, nếu chưa thì phải điều chỉnh lại cho đúng, ngoài ra cũng cần phải xem xét quá trình diễn biến tiền lương có đúng, có phù hợp hay không, nếu tiền lương diễn biến bất thường (hưởng không đúng ngạch, bậc lương, nâng lương không đúng kỳ hạn…) thì cần kiểm tra, xác minh lại trước khi nhập liệu, xem xét đến yếu tố tẩy, sửa trong sổ BHXH. Những trường hợp mà người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực thì phải nhập đầy đủ phụ cấp khu vực theo lương, nếu trường hợp không thể hiện mức phụ cấp khu vực trong sổ BHXH thì kiểm tra danh sách đóng BHXH có đúng không? Những trường hợp ghi gộp các khoản phụ cấp đóng BHXH (chức vụ, thâm niên, khu vực) thì chú ý tách các khoản phụ cấp cho đúng, hạn chế tối đa việc giải quyết thiếu trợ cấp khu vực một lần của đối tượng.

Đối với người lao động đóng BHXH với mức lương do chủ sử dụng quy định thì cần nhập đúng thời gian hưởng tiền lương tương ứng, những trường hợp đóng bằng ngoại tệ thì phải chọn đúng loại ngoại tệ, đồng thời kiểm tra quy đổi tại thời điểm giải quyết đã chính xác chưa? Khi nhập xong cần kiểm tra, đối chiếu lại với sổ BHXH đã chính xác chưa, nếu có chênh lệch phải điều chỉnh lại. Một điểm cần lưu ý là đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước nhưng đóng BHXH không theo thang bảng lương nhà nước (đóng bằng tiền) thì khi giải quyết chế độ BHXH một lần phải chọn loại hình là “doanh nghiệp tư nhân” và lương do chủ sử dụng quy định, nếu chúng ta chọn sai loại hình thì tiền lương của người lao động không được điều chỉnh theo Nghị định số 83/2008/NĐ-CP ngày 31/7/2008, Nghị định số 134/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn hàng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dẫn đến tính thiếu tiền trợ cấp của đối tượng; để kiểm tra phần này thì phải xem phần tính lương bình quân xem tiền lương đã chọn có phải do chủ sử dụng lao động hay không, đã được điều chỉnh chưa?

Về thủ tục hồ sơ, khi giải quyết chế độ BHXH một lần thì hồ sơ phải đảm thủ tục theo Quyết định số 777/QĐ-BHXH ngày 17/5/2010 của BHXH Việt Nam, tức là gồm: Sổ BHXH, đơn xin hưởng trợ cấp có xác nhận của chính quyền địa phương. Đối với những trường hợp người lao động nộp cả bảng xác nhận tham gia BHXH khi thôi việc, Quyết định nghỉ việc...thì có thể lưu thêm vào hồ sơ; không yêu cầu người lao động cung cấp Quyết định nghỉ việc hay xác nhận đã nghỉ việc như một số huyện đã làm trong thời gian qua.

Định kỳ tối đa 02 ngày/lần phải chuyển dữ liệu đối tượng hưởng BHXH 1 lần vào cơ sở dữ liệu của BHXH tỉnh; và vào ngày cuối tháng in danh sách đối tượng đã chuyển trong tháng và báo cáo về BHXH tỉnh, theo đúng tinh thần công văn số 13/BHXH-CNTT ngày 04/01/2013 của BHXH tỉnh Đắk Lắk V/v hướng dẫn chuyển dữ liệu người hưởng trợ cấp BHXH một lần.

Giải quyết hồ sơ đúng thủ tục, đúng chế độ là yêu cầu mà mỗi cán bộ xét duyệt hồ sơ phải thực hiện, việc giải quyết sai sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành. Do vậy, mỗi một cán bộ được phân công xét duyệt hồ sơ hưởng chế độ BHXH một lần cần học hỏi, nâng cao trình độ nghiệp vụ để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong lĩnh vực giải quyết các chế độ BHXH.


Trương Văn Bá - phòng Kiểm tra