Những vấn đề cơ bản trong nghiệp vụ kiểm tra BHXH, BHYT

07/03/2014 09:41 AM



Theo quy định tại Quyết định số 1313/QĐ-BHXH ngày 22/11/2011 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thì từ năm 2012, BHXH cấp huyện, thành phố, thị xã được phân cấp thực hiện kiểm tra các cơ quan, đơn vị và người lao động tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHYT do mình quản lý. Để giúp bạn đọc, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra của ngành BHXH nắm bắt được những nghiệp vụ của công tác kiểm tra BHXH, BHYT, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi trao đổi cùng bạn đọc một số nghiệp vụ chính khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Luật BHXH, BHYT gồm những quy định bao hàm rất rộng, trong một cuộc kiểm tra hạn hẹp, chúng ta không thể xem xét, nghiên cứu tài liệu một cách tổng quát mà chỉ đi sâu vào một số nội dung chính trong việc thi hành luật, đó là nghiệp vụ đăng ký tham gia, thu nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động; giải quyết các chế độ BHXH, BHYT cho người lao động; quản lý hồ sơ tham gia BHXH, BHYT; công tác cấp và sử dụng kinh phí khám chữa bệnh của BHYT học sinh ở các trường học…Ngoài ra còn có thể kiểm tra một số nội dung chuyên biệt, đột xuất mà đối tượng kiểm tra có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật.
Đối với nghiệp vụ đăng ký tham gia, thu nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, theo quy định của Luật BHXH thì ngành BHXH chỉ có chức năng kiểm tra, chưa được thực hiện chức năng thanh tra. Do vậy, việc kiểm tra cần chú ý đến một số nội dung như: Đơn vị đã thực hiện đăng ký tham gia đầy đủ cho số lao động đang làm việc tại đơn vị theo quy định của pháp luât hay chưa, đăng ký đóng BHXH theo đúng mức lương được hưởng hay không, đóng BHXH theo đúng định kỳ (hàng tháng, hàng quý hoặc 6 tháng một lần) theo quy định hay không, có nợ đọng BHXH hay không; việc thực hiện đối chiếu, tính toán thu nộp BHXH của đơn vị và cơ quan BHXH đã đúng chưa, số tiền chuyển nộp BHXH có đúng với thông báo định kỳ của cơ quan BHXH không, việc thực hiện quyết toán 2% kinh phí đóng BHXH… Biện pháp kiểm tra là đối chiếu danh sách tham gia BHXH do cơ quan BHXH đang quản lý, thông báo đóng BHXH hàng tháng, hàng quý, hàng năm với danh sách lao động đang làm việc tại đơn vị, bảng thanh toán tiền lương hàng tháng, hợp đồng lao động, quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng lương, séc chuyển tiền của đơn vị… Mục đích kiểm tra là hướng dẫn nghiệp vụ, đảm bảo việc thực hiện đúng các quy định của Luật chứ không phải “bới lông tìm vết” để tìm kiếm những sai sót của đơn vị, tuy nhiên, kiểm tra nội dung này thường có những sai sót phổ biến như: Đóng BHXH chưa đủ số lao động, đóng chưa đúng mức lương và phụ cấp (đối với giáo viên, nhiều đơn vị không đóng BHXH theo mức phụ cấp chức vụ Tổ trưởng, Tổ phó chuyên môn theo quy định), chưa đúng thời gian làm việc của người lao động (nhất là thời gian thử việc, sau đó được tuyển dụng chính thức nhưng đơn vị và người lao động không đóng BHXH cho thời gian thử việc), đóng BHXH không đúng định kỳ, nợ đọng BHXH kéo dài…Những sai sót dù nhỏ cũng cần phải đưa vào nội dung Biên bản kiểm tra để có kết luận đầy đủ để đơn vị sửa chữa kịp thời.
Đối với nghiệp vụ kiểm tra việc giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động, theo quy định của luật thì đơn vị được giữ lại 2% tổng số tiền đóng BHXH để giải quyết kịp thời chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động, quyết toán hằng quý hoặc hàng tháng tùy theo từng đơn vị. Việc giải quyết các chế độ này và dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản hầu hết đã được cơ quan BHXH quyết toán, thậm chí nhiều đơn vị quyết toán trước khi thực hiện giải quyết và chi trả cho người lao động. Nội dung kiểm tra ở đây là xem đơn vị giải quyết có đúng chế độ cho người lao động hay không, mức hưởng có đầy đủ, có đến tận tay người lao động hay không. Biện pháp kiểm tra là đối chiếu hồ sơ đã giải quyết và đang lưu trữ tại đơn vị với mức được hưởng đã được quyết toán hoặc được đơn vị duyệt chi; đối với chế độ ốm đau cần xem xét số ngày nghỉ ốm có trùng với ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ không, mức hưởng có đúng với mức đóng BHXH không, tỷ lệ % hưởng đúng không, số ngày nghỉ ốm có vượt số ngày được nghỉ (tùy theo thời gian đã đóng BHXH) theo quy định không…; đối với chế độ thai sản cần phải kiểm tra thời gian đóng BHXH đã đủ chưa (6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi nghỉ sinh), mức tính lương bình quân đúng chưa, đối với doanh nghiệp cần phải xem diễn biến tiền lương có hợp lý không, nếu người lao động trước khi sinh mà có mức đóng BHXH tăng thất thường thì phải cương quyết xuất toán, đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp, đặc biệt là đối với giáo viên thì phải xem xét các kỳ tăng lương và tăng mức lương tối thiểu, tránh tình trạng để đơn vị giải quyết thiếu gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Công tác quản lý hồ sơ tham gia BHXH, BHYT là công việc rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, do vậy cần phải thận trọng khi kiểm tra sổ BHXH và hồ sơ cấp sổ. Nội dung kiểm tra sổ nhằm xác định những thông tin ghi trong sổ BHXH và thẻ BHYT có đúng với hồ sơ gốc của người lao động hay không; khi kiểm tra cần chú ý 3 tiêu chí chính đó là: Nhân thân người lao động (họ, tên, ngày tháng năm sinh…); thời gian được ghi nhận đã đóng BHXH và mức lương đóng BHXH. Đối với thời gian công tác, người kiểm tra phải nắm tổng thể thời gian nào được tính hưởng BHXH, thời gian nào không được tính, từ đó đối chiếu với hồ sơ gốc để đề nghị đơn vị điều chỉnh nếu ghi chưa đúng (nội dung này cần chú ý đến thời gian công tác trong quân đội, công an đã xuất ngũ, chuyển ngành; thời gian công tác ở xã; thời gian thử việc, thời gian được cử đi học…). Đối với mức đóng BHXH ghi trong sổ cần xem xét diễn biến tiền lương có hợp lý, ngạch bậc được hưởng, hệ số chênh lệch bảo lưu, phụ cấp thâm niên, phụ cấp chức vụ…
Những nghiệp vụ trên tuy không xa lạ gì đối với những người làm công tác BHXH, BHYT ở cơ quan BHXH và các cơ quan đơn vị, tuy nhiên khi đứng trên cương vị kiểm tra thì nghiệp vụ đó nâng lên ở một tầng mức cao hơn đó là phải biết được những lỗi sơ đẳng trong nghiệp vụ hoặc các dấu hiệu bất thường đối với những đơn vị cá nhân cố tình làm trái pháp luật. Chất lượng của cuộc kiểm tra tùy thuộc rất nhiều vào Đoàn kiểm tra, các cuộc kiểm tra có tốt thì mới có thể uốn nắn, hướng dẫn nghiệp vụ đối công tác BHXH, BHYT, để từ đó chính sách BHXH, BHYT ngày càng được thực hiện tốt hơn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người lao động. Do vậy, mỗi cán bộ làm công tác kiểm tra cần phải nắm rõ những nguyên lý cơ bản trong nghiệp vụ kiểm tra, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác.


Trương Văn Bá