Thay đổi nhận thức, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 21-NQ/TW về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020

07/07/2014 01:14 AM




Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, có trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động và nhân dân trên phạm vi cả nước, bao gồm các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, khám chữa bệnh BHYT, thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.

Với nhiệm vụ trên, ngành BHXH có vai trò quan trọng trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước. An sinh xã hội được hiểu là các biện pháp đồng bộ của chính sách xã hội có tác dụng trực tiếp không những góp phần nâng cao cơ sở sống mà còn bảo vệ cơ sở sống của từng thành viên trong xã hội trước những rủi ro - tức là những tác động trực tiếp đến sự bảo đảm tồn tại kinh tế và xã hội của các tầng lớp dân cư. Hệ thống An sinh xã hội được xây dựng dựa trên 03 "nguyên tắc cơ bản": Nguyên tắc Bảo hiểm; Nguyên tắc Cung cấp hay Ưu đãi và Nguyên tắc Bảo trợ hoặc theo các hình thức hỗn hợp từ 03 nguyên tắc này. Trong 03 nguyên tắc trên thì nguyên tắc bảo hiểm là bền vững nhất bởi vì nguồn hình thành dựa trên nguyên tắc có đóng có hưởng, cộng đồng chia sẻ. Do vậy,  BHXH và BHYT đóng vai trò trụ cột.

Ảnh: Minh họa

Thực tế cho thấy rằng nhận thức, suy nghĩ chưa đúng về BHXH, BHYT thể hiện như sau:

Một là, xem tổ chức BHXH như là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Nhận thức này chưa đúng, xét về cơ cấu tổ chức và hình thức hoạt động thì cơ quan BHXH là đơn vị sự nghiệp Nhà nước theo quy định tại nghị định số 05/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định vị trí, chức năng của cơ quan BHXH Việt Nam là cơ quan trực thuộc chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và BHYT; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT. Hơn nữa, cơ quan BHXH còn chịu quản lý Nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH về lĩnh vực BHXH, của Bộ y tế về lĩnh vực BHYT, của Bộ tài chính về quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT.

Hai là, coi hình thức BHXH, BHYT là một hình thức kinh doanh đồng tiền. Nhận thức này hoàn toàn sai. BHXH, BHYT là hai chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm đảm bảo an sinh xã hội phát triển kinh tế đất nước. Quỹ BHXH, BHYT  hình thành từ nguồn đóng của người sử dụng lao động, người lao động và có sự hỗ trợ của Nhà nước. Như vậy, người lao động chỉ phải đóng 1/3 vào quỹ BHXH, BHYT nhưng đến khi hưởng thụ thì được nhận tòan bộ phần thuộc quyền lợi được hưởng. Ngòai ra, một thực tế từ đối tượng hưởng trợ cấp BHXH là đóng thấp (theo mức lương tối thiểu tại thời điểm đóng) nhưng được hưởng cao (theo lương tối thiểu tại thời điểm giải quyết). Còn xét theo mối quan hệ đóng thì mối quan hệ đóng BHXH, BHYT là mối quan hệ 3 bên (người sử dụng lao động, người lao động và Nhà nước). Còn mối quan hệ bảo hiểm thương mại chỉ có 02 bên (doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và khách hàng) Nhà nước là đại diện của pháp luật đưa ra quy định chung về quan hệ giữa mua và bán.

Có thể khẳng định thêm, BHXH, BHYT là 02 chính sách lớn và trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, không phải hoạt động kinh doanh, không phải mục tiêu lợi nhuận mà là sự đảm bảo của Nhà nước đối với nhân dân và người lao động được an tòan khi gặp phải rủi ro đau ốm, bệnh tật, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất và thất nghiệp. Thể hiện ở việc Nhà nước trích một khỏan ngân sách không nhỏ để mua thẻ BHYT cấp miễn phí cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số, người nghèo, đối tượng chính sách người có công, đối tượng hưu trí và trẻ em dưới 6 tuổi …đồng thời hỗ trợ phí tham gia BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo, học sinh, sinh viên và  đương nhiên những đối tượng này họ được hưởng các quyền lợi BHYT bình đẳng như các đối tượng khác khi khám, chữa bệnh . Không phải mục tiêu lợi nhuận bởi chính sách BHXH, BHYT thể hiện tính nhân văn sâu sắc, nguyên tắc của BHXH, BHYT thể hiện cộng đồng chia sẻ (một người vì cộng đồng, cộng đồng vì một người)

Cơ quan BHXH không phải một doanh nghiệp mà là một đơn vị sự nghiệp được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT theo quy định của Nhà nước. Các quỹ này được quản lý thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch, được sử dụng đúng mục đích.

Những nhận thức lệch lạc ấy gây trở ngại không nhỏ trong việc thực hiện mục tiêu tăng nhanh diện bao phủ BHXH, BHYT góp phần thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, mỗi tổ chức cá nhân, mỗi cán bộ và người dân cần thay đổi nhận thức, suy nghĩ đúng đắn, phải có trách nhiệm cùng Nhà nước tổ chức thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT đảm bảo an sinh xã hội Góp phần  thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 21 để phát triển kinh tế - hội một cách bền vững.


Văn Huy