Tại sao phải tham gia Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình?

23/04/2015 08:54 AM



Vậy bản chất của quy định mới là gì, tại sao người dân phải tham gia BHYT theo hộ gia đình, chính sách mới có lợi ích gì cho người dân, thủ tục thực hiện như thế nào?…Trong bài viết này chúng tôi xin chuyển tải đến độc giả mục đích và nội dung trong quy định mới về tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Trước nhất, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho tất cả các thành viên trong hộ gia đình, phù hợp với mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe toàn dân mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới. Trong điều kiện nhiều người dân chưa ý thức tự giác trong việc chăm sóc sức khỏe thông qua chính sách BHYT thì việc ràng buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình là giải pháp khả thi để đảm bảo phần lớn người dân được hưởng lợi từ chính sách BHYT, nhất là trong điều kiện hiện nay, tình hình dịch bệnh, ô nhiễm diến biến hết sức phức tạp, mức độ bệnh tật, rủi ro dễ gặp phải trong cuộc sống hằng ngày.
Tham gia BHYT theo hộ gia đình là giảm gánh nặng tài chính cho người đóng BHYT. Nếu như tham gia BHYT theo quy định trước đây thì mọi người đều đóng một mức như nhau là bằng 4,5% mức lương cơ sở, quy định mới về tham gia BHYT theo hộ gia đình thì chỉ người đầu tiên đóng bằng số tiền trên, mức đóng BHYT được giảm dần theo số lượng lượng thành viên tham gia theo mức bằng 70%, 60%, 50% và 40% so với người đầu tiên, người dân được đóng BHYT 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần cho số tiền tham gia BHYT hằng năm. Nếu trong hộ gia đình có một người mắc bệnh nặng thì số tiền tham gia BHYT nói trên của hộ gia đình không thể bù đủ cho chi phí khám chữa bệnh (KCB) cho thành viên bị bệnh.

Hình minh họa. Nguồn Internet


Việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là nhằm từng bước thực hiện mục tiêu cộng đồng cùng chia sẻ rủi ro với người bệnh, mà mức độ thấp nhất là các thành viên trong cùng gia đình chia sẻ cho nhau, và mức độ cao nhất là thực hiện BHYT toàn dân. Thực tế cho thấy khi tham gia BHYT tự nguyện, người dân chỉ mua thẻ BHYT cho những người có bệnh tật hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao, những người mạnh khỏe trong gia đình thì không, thậm chí khi người bệnh nhập viện thì người nhà mới tá tốc đi mua thẻ BHYT, từ đó dẫn đến mất cân đối trong công tác thanh toán chi phí KCB BHYT. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đắk Lắk, năm 2014 toàn tỉnh có 1.293.145 người tham gia BHYT, tổng số tiền thanh toán KCB là 792 tỷ đồng, trong đó đối tượng tham gia BHYT tự nguyện là 114.602 người nhưng chi phí KCB chiếm tới 163,6 tỷ đồng trong khi số tiền đóng BHYT chỉ có 55, 6 tỷ đồng, chi phí KCB vượt quỹ của đối tượng này trong năm 2014 là 108 tỷ đồng.
Như vậy, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là cần thiết và đúng đắn, thực tế sau 3 tháng triển khai thực hiện đã được người dân đồng tình ủng hộ với chủ trương chính sách của Đảng. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc là ở khâu thủ tục, khi phát sinh một chính sách mới thì việc triển khai thực hiện luôn gặp phải những trở ngại vướng mắc đối với người dân và cơ quan thực hiện. Do vậy, cơ quan BHXH cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu những thủ tục không cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia BHYT, tăng cường các hình thức đại lý như thông qua hệ thống Bưu điện, ký kết hợp đồng với các đại lý ở xã, phường, thị trấn, trường học, doanh nghiệp, cơ quan BHXH…để người dân có thể tham gia BHYT ở bất kỳ nơi nào, có như vậy thì chính sách mới càng sớm đi vào cuộc sống.


Trương Văn Bá