Bảo hiểm y tế - Một trong những trụ cột về an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước

14/08/2015 09:34 AM



BHYT là cơ chế tài chính dành cho chăm sóc sức khỏe có sự chia sẻ nguy cơ, giảm gánh nặng chi tiêu cho mỗi cá nhân. BHYT là biện pháp giúp cho mọi người yên tâm và tin tưởng rằng họ có thể tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ về nâng cao sức khỏe trong phòng chống bệnh tật, được tiếp cận với các cơ sở y tế mà không có trở ngại nào khi bị ốm đau cần được điều trị, chăm sóc. BHYT là công cụ để đối phó với sự xáo trộn về xã hội, mất mát về kinh tế, suy giảm về chất lượng cuộc sống do bệnh tật và các chi phí cần thiết cho chữa trị.

Ảnh minh họa

Với sự tham gia của mọi đối tượng trong xã hội, quỹ BHYT được hình thành trên cơ sở tham gia đóng góp của nhà nước, người sử dụng lao động, cá nhân và cộng đồng, tạo nguồn tài chính chi trả cho các dịch vụ y tế mà người tham gia sử dụng không may bị ốm đau, bệnh tật hay tai nạn. Chính vì vậy, BHYT mang tính nhân đạo, tính chia sẻ cộng đồng và tính trách nhiệm xã hội, đảm bảo công  bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế của mọi người dân, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn, người chịu thiệt thòi.
Sự phát triển của xã hội yêu cầu về sự toàn diện các yếu tố về vật chất, văn hóa xã hội. BHYT tham gia vào quá trình tương tác thuận chiều giữa nhân tố vật chất và nhân tố xã hội để mang lại sự tiến bộ và phát triển xã hội một cách toàn diện, loại trừ các khiếm khuyết. Xét về khía cạnh công bằng xã hội, BHYT giúp mọi người có cơ hội như nhau trong đảm bảo sức khỏe. Xét về kinh tế, đây được xem như một hình thức phân phối thu nhập, khi bẫy nghèo do chi phí y tế được loại trừ, khi điều kiện sức khỏe được nâng cao thì khoảng cách giàu nghèo sẽ hẹp lại, nguy cơ phân tầng xã hội được giảm thiểu. Đó cũng chính là mục tiêu của chế độ, hướng tới xã hội "Giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Sự văn minh trong khía cạnh về bản chất và nguyên tắc hoạt động của chương trình BHYT chính là sự hình thành ý thức xã hội mang tính nhân văn và trách nhiệm của cộng đồng và của mỗi cá nhân trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Khi sức khỏe được đảm bảo điều kiện tái sản xuất sức lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, người dân được tham gia đầy đủ và có hiệu quả các chương trình giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của xã hội.
Chính vì vậy, để công tác xóa đói giảm nghèo thực sự bền vững, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp một cách đồng bộ, quyết liệt trong công tác phát triển đối tượng, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, đế mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, được chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn. Góp phần tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 46 NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.


Nguyễn Thị Xuân – PGĐ BHXH tỉnh