Dịch vụ y tế tăng - Gánh nặng cho người không có thẻ bảo hiểm y tế

19/10/2015 05:10 PM



Đối với người không có thẻ BHYT - chủ yếu là người lao động tự do, nông dân, diêm dân và người cận nghèo (chiếm gần 30% dân số) - vẫn áp dụng mức giá đang thực hiện nên không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến tháng 3/2016, giá khám chữa bệnh bao gồm cả tiền lương của nhân viên y tế sẽ được thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ được tiến hành như sau: Đến năm 2016: Giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; đến năm 2018: Giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý; đến năm 2020: Giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Ảnh minh họa
Đối với người có thẻ BHYT: Nếu đối tượng là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT là có lợi, vì được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% đồng thời không phải cùng chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa cơ cấu vào giá. Đối với người cận nghèo, trước đây BHYT chỉ thanh toán 80% thì nay đã được thanh toán 95%.
Với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế như hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là đẩy nhanh độ bao phủ của BHYT để bệnh nhân không phải nặng gánh chi trả thêm, phấn đấu đến năm 2020 người dân đóng góp từ tiền túi cá nhân dưới 40%..
So với khung viện phí hiện hành, người dân có mức thu nhập trung bình nếu không có thẻ BHYT thì gánh nặng tài chính sẽ đè nặng lên vai, nếu họ không may rủi ro, tai nạn hoặc mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính phải điều trị lâu dài.
Thiết nghĩ, việc điều chỉnh giá cũng là cách điều chuyển nguồn ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động của các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT để thực hiện mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân vào năm 2020. Người dân khi tham gia BHYT không may bị ốm đau, bệnh tật sẽ được thanh toán cơ bản chi phí khám, chữa bệnh. Vì vậy, mỗi người dân cần thấy rõ giá trị của BHYT, vì BHYT là một trong những mối quan tâm hàng đầu sức khỏe là vốn quý nhất của con người, là một trong những yếu tố quan trọng nhất của chất lượng cuộc sống, đồng thời nhận thức được đây là chính sách an sinh xã hội, nó có tính chia sẻ trách nhiệm và mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, đồng thời là một trong những phương thức tạo nên sự ổn định, phát triển và thực hiện công bằng xã hội ./.


Nguyễn Thị Xuân-PGĐ BHXH tỉnh