Tuổi lao động - Một khái niệm cần bàn

01/01/2016 12:56 AM



Hỏi ra mới biết, anh ấy trên 60 tuổi, người sử dụng lao động gọi anh đến để chấm dứt hợp đồng lao động với lý do là đã hết tuổi lao động, cho dù hợp đồng lao động anh ký với người sử dụng lao động là “hợp đồng lao động không xác định thời hạn”!
Thực ra, pháp luật về lao động từ trước đến nay không quy định “tuổi lao động” hay “độ tuổi lao động”.
Bộ luật Lao động năm 2012 giải thích khái niệm người lao động tại Khoản 1 Điều 3 như sau: Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.
Pháp luật chỉ quy định tuổi thấp nhất của người lao động là đủ 15 tuổi, không quy định tuổi chấm dứt lao động.
Ngoài ra, Bộ luật Lao động năm 2012 còn quy định về người lao động cao tuổi tại các Điều 166, 167.
Như vậy, pháp luật chỉ quy định “tuổi sàn” không khống chế “tuổi trần” của người lao động.
Vấn đề cần bàn ở đây không chỉ ở chỗ người đã “hết tuổi lao động” nói trên mà còn trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có nhắc đến khái niệm tuổi lao động tại Khoản 1 Điều 3: “Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội”. Tuy nhiên, trong Luật Bảo hiểm xã hội không có điều, khoản nào quy định về “tuổi lao động” mà chỉ quy định “tuổi nghỉ hưu”. Tuổi nghỉ hưu chỉ là một điều kiện hưởng lương hưu và không nằm ở một mức nhất định mà tùy thuộc vào giới tính, điều kiện lao động, điều kiện sức khỏe của người lao động …
Để việc thực hiện pháp luật được nghiêm túc, thống nhất, thiết nghĩ cần phải quy định cụ thể thế nào là tuổi lao động và nhất là khái niệm “hết tuổi lao động” trong Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội nói trên./.


Ngô Văn Khiêm